Số doanh nghiệp Hàn Quốc cân nhắc đưa hoạt động về nước tăng mạnh

06:04' - 17/03/2022
BNEWS Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) vừa công bố khảo sát cho thấy số doanh nghiệp nước này cân nhắc đưa hoạt động sản xuất về nước đã tăng 9 lần trong hai năm qua.

Khảo sát được tiến hành với 105 công ty thuộc nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất về doanh thu từ ngày 17-24/2 cho thấy 27,8% công ty đang trong quá trình đánh giá đưa cơ sở sản xuất về trong nước. Con số này đã tăng 9 lần so với mức 3% ghi nhận được hồi tháng 5/2020.

 

Ngoài ra, 29,2% công ty cho biết họ sẵn sàng xem xét lựa chọn đưa sản xuất về nước nếu môi trường kinh doanh trong nước và sự hỗ trợ của chính phủ cải thiện.

KFI cho hay 6/10 doanh nghiệp cho biết họ quan tâm đến việc đưa sản xuất về nước do tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí logistics tăng và cạnh tranh thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.

Gần đây, tình hình chính trị cũng đã tạo điều kiện cho việc chuyển sản xuất về trong nước. Tổng thống mới đắc cử Yoon Suk-yeol đã cam kết sẽ mở rộng hỗ trợ cho các công ty chuyển hoạt động sản xuất về nước.

Hiện các công ty Hàn Quốc cần mở rộng năng lực sản xuất trong nước trong vòng hai năm kể từ khi đóng cửa các cơ sở sản xuất ở nước ngoài để đủ điều kiện được giảm thuế.

Tổng thống mới đắc cử Yoon Suk-yeol hứa hẹn sẽ kéo dài khung thời gian này lên ba năm, bên cạnh việc mở rộng các ưu đãi tài chính của chính phủ và cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp như vậy.

Theo khảo sát trên, những người được hỏi trả lời rằng bãi bỏ quy định là vấn đề cấp bách nhất đối với việc đưa sản xuất về nước, chiếm 35,3%, tiếp theo là giảm thuế, chiếm 29,5% và nhiều ưu đãi tài chính, chiếm 17,6%.

Đối với đầu tư trong nước trong năm 2022, 49,5% công ty được hỏi cho biết họ đã lập kế hoạch, trong khi có 38,1% chưa lập kế hoạch và 12,4% không có kế hoạch đầu tư trong nước.

Trong số những công ty có kế hoạch đầu tư trong nước, một nửa số đó cho biết quy mô đầu tư sẽ tương tự như năm 2021, 38,5% nói rằng họ sẽ đầu tư nhiều hơn và 11,5% nói rằng sẽ giảm mức đầu tư.

Những người được hỏi cũng cho biết môi trường kinh tế bất ổn do đại dịch gây ra, cũng như chi phí nguyên liệu thô tăng cao được coi là rào cản lớn nhất mà họ phải đối mặt, chiếm 37,7%, tiếp theo là lãi suất tăng và khó đảm bảo các khoản vay, chiếm 20,5% và thu nhập giảm chiếm 15,4%.

FKI cho biết phần lớn lý do ngăn các công ty mở rộng đầu tư là do các điều kiện kinh doanh bên ngoài đầy biến động.

Tuy nhiên, hơn 8/10 người được hỏi cho biết họ không hài lòng với môi trường đầu tư trong nước, 86,7% cho biết họ nhận thấy điều kiện "dưới mức trung bình", trong khi số còn lại cho biết họ hài lòng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục