Số dư nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng

17:19' - 25/07/2023
BNEWS Tổng số dư nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã tăng trong nửa đầu năm. Đây là xu hướng chung của thế giới trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát.

 

Cập nhật báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho thấy, tổng số dư nợ xấu tính đến hết quý II/2023 của ngân hàng này tăng mạnh gần gấp 3 lần so với đầu năm, lên 3.912 tỷ đồng.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 5,6 lần lên thành 2.146 tỷ đồng; nợ nghi ngờ cũng tăng gần gấp 2,5 lần, lên gần 1.130 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của ngân hàng vì thế đã tăng mạnh từ mức 0,84% hồi đầu năm lên mức 2,21%.

Tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), tổng nợ xấu tại ngày 30/6/2023 ghi nhận mức 1.756 tỷ đồng, tăng vọt 58% so với đầu năm. Trong đó đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn của BaoVietBank tăng gấp đôi lên 1.523 tỷ đồng, nợ nghi ngờ cũng tăng 41% lên 154 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 3,34% lên tới 4,69%.

Tương tự, dư nợ xấu tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng tăng đến 61% so với hồi đầu năm, lên mức 3.820 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên 4,55% thay vì mức 2,89% hồi đầu năm nay.

Không nằm ngoài xu hướng, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) ghi nhận nợ xấu tăng hơn 32% so với hồi đầu năm, lên khoảng 679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh 316% lên 175 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay dù vẫn ở mức thấp là 0,7%, nhưng đã tăng đáng kể so với tỷ lệ 0,55% vào đầu năm.

Là một trong những ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) ghi nhận nợ có khả năng mất vốn tăng đến 80% sau nửa đầu năm, lên mức 2.438 tỷ đồng. Tổng số dư nợ xấu theo đó cũng tăng mạnh 65% lên thành 5.656 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank), nợ xấu sau 6 tháng qua cũng tăng thêm gần 12,7% kéo tỷ lệ nợ xấu lên mức 2,77% tính đến hết tháng 6/2023.

Vừa công bố báo cáo tài chính với nhiều điểm sáng như lợi nhuận hoàn thành hơn một nửa kế hoạch năm cùng sự hồi phục của dòng tiền gửi không kỳ hạn (CASA), nhưng Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng ghi nhận số liệu nợ xấu gia tăng sau nửa đầu năm.

Tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này từ mức 0,9% hồi cuối năm 2022 đã tăng nhẹ lên 1,07% tại thời điểm cuối quý II/2023; trong khi đó tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ 125% vào cuối năm trước nay lại giảm còn 115,8%.

Theo Techcombank, nợ xấu tăng nhẹ chủ yếu từ nhóm khách hàng bán lẻ do tăng trưởng dư nợ cho vay không thế chấp của ngân hàng và kinh tế tăng trưởng chậm lại cùng khó khăn của ngành bất động sản.

Đồng thời, tác động từ phân loại lại nợ theo Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), chủ yếu liên quan đến dư nợ vay mua nhà tại các ngân hàng khác cũng khiến nợ xấu tại ngân hàng này nhích tăng. Nếu loại bỏ tác động của CIC, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank được kiểm soát ở mức 0,9%.

Đối với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, tuy chưa chính thức công bố báo cáo tài chính nhưng phần nào bức tranh kinh doanh nửa đầu năm cũng đã được hé lộ.

Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Nguyễn Hoàng Dũng cho biết tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,1%, tuân thủ hạn mức kế hoạch. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao ở mức 170%.

Còn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng tiết lộ tính đến hết tháng 6/2023, chất lượng tín dụng được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,85%. Tuy đây là con số ở mức thấp nhất hệ thống, nhưng cũng đã tăng so với tỷ lệ 0,68% của Vietcombank hồi cuối năm 2022. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu ở mức trên 350%.

Còn với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), tỷ lệ nợ xấu vốn đã được kéo giảm từ 8,1% xuống 1,86% sau tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020. Nhưng bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp nhiều bất lợi và khó khăn, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu dẫn đến khó khăn trong trả nợ ngân hàng, nợ xấu vì thế gia tăng.

"Tỷ lệ nợ xấu của Agribank tại thời điểm 30/6/2023 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 và áp lực gia tăng trong thời gian tới là rất lớn", ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết.

Đứng trước thực tế nợ xấu đang ngày một phình to, các ngân hàng thời gian qua đã ráo riết bán thanh lý, đấu giá tài sản đảm bảo, đấu giá khoản nợ để thu hồi nợ, nhưng việc xử lý nợ xấu không mấy dễ dàng.

Gần 400 tài sản bao gồm nhiều biệt thự, homestay, khách sạn từ 3 đến 5 sao tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Kiên Giang, Tp. Hồ Chí Minh... vừa được VietinBank rao bán đấu giá với tổng giá trị tài sản đảm bảo cần xử lý tới hơn 8.000 tỷ đồng.

Còn tại Vietcombank, khối tài sản gồm các quyền sử dụng đất, hệ thống máy móc, nhà xưởng... của Công ty TNHH Kỹ nghệ Evergreen dù đã nhiều lần được đưa ra bán đấu giá trong cả năm qua nhưng vẫn chưa tìm được người mua, dù giá giảm hơn 300 tỷ đồng so với mức ban đầu.

Liên quan đến việc xử lý nợ, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết việc thu hồi nợ thời gian qua còn gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, nhiều tài sản bảo đảm có giá trị lớn liên quan đến bất động sản nhưng thị trường gần như "đóng băng" gây khó cho việc xử lý tài sản.

Thêm vào đó, một số khách hàng có nợ xấu bất hợp tác, khó thương lượng. Cá biệt có hiện tượng lập nhóm bùng nợ tràn lan trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng.

Theo giới chuyên gia, hiện chưa phải mức đỉnh của nợ xấu bởi nhiều khoản nợ vẫn còn được cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ. Tới khi thông tư hết hiệu lực, những khoản nợ này sẽ chuyển nhóm, khiến con số nợ xấu thực tế gia tăng mạnh hơn nữa trong năm 2024.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng nợ xấu gia tăng là xu hướng chung của thế giới trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay. Ông nhận định rõ ràng con số nợ xấu đã tăng so với năm 2022 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Để giảm gánh nặng nợ xấu trong tương lai, các tổ chức tín dụng vẫn đang chủ động trích lập dự phòng rủi ro để tăng nguồn lực xử lý nợ xấu.

"Thông tư 02 đã yêu cầu các tổ chức tín dụng kể cả chưa chuyển nhóm nợ vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo trường hợp xấu nhất xảy ra vẫn có nguồn lực xử lý. Mặc dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu vào khoảng 135% tổng dư nợ nền kinh tế, không cao như thời gian trước nhưng đó vẫn là nguồn lực quan trọng để ngân hàng có thêm năng lực xử lý nợ xấu", TS. Cấn Văn Lực đánh giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục