Số hóa doanh nghiệp: Thách thức khi đích tới gần

08:24' - 16/11/2023
BNEWS Báo cáo thường niên về chuyển đổi số của Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết cho thấy, 50% doanh nghiệp trong nước đã ngừng áp dụng chuyển đổi số.

Làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Chuyển đổi số một cách tổng thể, xuyên suốt, toàn diện, bao trùm, liên thông nhưng có trọng tâm, trọng điểm với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia, dân tộc và cho chính người dân, doanh nghiệp là yếu tố quyết định bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số quốc gia.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành quốc gia số, phát triển thịnh vượng, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện phương thức quản lý, điều hành của Chính phủ.

Xác định không gian mới

Tại Phiên họp cấp cao về kinh tế số, phát triển xanh và kết nối khu vực của Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 mới diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Trên tinh thần đó, Việt Nam xác định không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là nhân lực số, công nghệ số và dữ liệu số. Với tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam đang hướng tới gia tăng tỷ lệ đóng góp của kinh tế số lên mức hơn 15% GDP trong năm 2023; vào năm 2025 là 20% GDP  và năm 2030 là 30% GDP như mục tiêu đã đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cùng với đó, tại Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ chủ trương, Việt Nam nhanh chóng nắm bắt thời cơ và có những hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia.

Hiện nay, công nghệ số đang giúp doanh nghiệp tối ưu hoá quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; vượt qua những giới hạn cả về khoảng cách thời gian và khoảng cách địa lý để tìm kiếm, mở rộng thị trường; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Phát triển kinh tế số là hành trình dài và hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, có 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ công nghệ chưa cao, quy mô vốn và lao động nhỏ bé…

Theo khảo sát do VCCI vừa tiến hành cuối tháng 10/2023 cho thấy, hầu hết doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do cơ chế, chính sách, thể chế chưa đồng bộ. Đó là những khó khăn trong tiếp cận tín dụng, thị trường, phiền hà trong thủ tục hành chính chưa được giải quyết dứt điểm. Thực trạng này đang kéo giảm năng lực cạnh tranh, tạo áp lực và khó khăn cản trở doanh nghiệp vận dụng mô hình hoạt động mới.

"Chỉ có ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ họ tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh mới; là chìa khoá để cộng đồng kinh doanh nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ kinh tế số. Chỉ khi năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp được cải thiện và nâng cao thì mới tạo nền tảng cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế số độc lập và tự chủ", ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Còn nhiều thách thức

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, thời gian gần đây, xu hướng chuyển đổi phương thức sản xuất, từ thủ công - bán tự động sang phương thức sản xuất thông minh đã được các doanh nghiệp, chủ đầu tư hết sức quan tâm. Quá trình này cũng được ghi nhận là việc doanh nghiệp hướng tới thông minh hóa trong quy trình sản xuất kinh doanh và quản lý, quản trị bộ máy doanh nghiệp.

Đó là những giải pháp ứng dụng công nghệ số để lựa chọn phương án tối ưu trong từng tình huống sản xuất, kinh doanh cụ thể một cách tự động. Cũng vì có sự tham gia của các cơ chế tự động và thông minh này vào quá trình sản xuất nên số lượng lao động giảm đi; hiệu quả sản xuất tăng lên rất cao và khắc phục được những hạn chế của phương thức sản xuất truyền thống.

Hơn 3 năm qua, đã có nhiều hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số được tổ chức. Nhiều chương trình, chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số  liên tục được truyền thông và cập nhật thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp. Song, mức độ quan tâm và số lượng doanh nghiệp thực sự bắt tay vào cuộc với chuyển đổi số chưa nhiều.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng, tính tới thời điểm này, đa số doanh nghiệp chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số. Trong khi có một số doanh nghiệp đạt được hiệu quả khi ứng dụng công nghệ số thì thấy hài lòng, nhưng nhiều doanh nghiệp không thấy hiệu quả thì ngừng lại.

Báo cáo thường niên về chuyển đổi số của Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết cho thấy, 50% doanh nghiệp trong nước đã ngừng áp dụng chuyển đổi số. Không ít doanh nghiệp nhầm lẫn giữa “tự động hóa” với “thông minh hóa”. Tất cả các doanh nghiệp tạm ngừng chuyển đổi số theo báo cáo nêu trên đều chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số, mà chỉ là thử nghiệm áp dụng một vài sản phẩm điện tử hóa hay tin học hóa. Những sản phẩm này không làm thay đổi phương thức sản xuất của doanh nghiệp, mà chỉ cải thiện thêm cho phương thức sản xuất hiện có.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế ghi nhận: Cả nước hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó, có 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ với trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu; khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới.

Bên cạnh đó là những khó khăn về thị trường; về khung khổ, môi trường pháp lý tạo điều kiện, môi trường cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và hội nhập quốc tế; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin; chi phí dịch vụ, kho vận cao; tâm lý, tập quán và thói quen tiêu dùng của nhân dân và khả năng của khách hàng; bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin.

"Vấn đề cấp bách đặt ra là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số để bắt kịp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tránh tụt hậu về công nghệ", ông Minh Anh nhấn mạnh. 

Phản ánh tiếng nói từ cơ sở, bà Bùi Thị Hải Yến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hanel kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ: Trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp đối diện với rất nhiều thách thức; trong đó, khó khăn nhất là thay đổi phương pháp tư duy và tập quán sản xuất kinh doanh đã hình thành từ nhiều chục năm, để đón nhận cách nghĩ, cách làm hoàn toàn mới. Tuy nhiên, mọi thách thức đều là nhỏ bé trước những cơ hội mà doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang chờ đợi. Vì chỉ trong kỷ nguyên số, đất nước mới có thời cơ nhảy vọt nhờ ứng dụng công nghệ số.

"Đáng mừng là gần như tất cả các giải pháp công nghệ để phát triển nền kinh tế 4 trong 1 (công nghệ cao, tuần hoàn, chia sẻ và kinh tế số) tại Việt Nam đều đã hiện hữu. Đảng và Chính phủ cũng đã tạo mọi điều kiện cho chuyển đổi số toàn diện, rộng khắp. Phần còn lại tùy thuộc vào sự nỗ lực của chính doanh nghiệp", bà Hải Yến bày tỏ.

Hướng về đích

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao thì công cuộc chuyển đổi số cần rất nhiều nỗ lực của các ngành chức năng và quyết tâm hành động của những người trong cuộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra, để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh: Chính phủ quán triệt quan điểm “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” và thực hiện có kết quả các chủ trương, nhiệm vụ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số như nội dung đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây chính là điều kiện thiết yếu để tạo ra một môi trường thuận lợi, giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong các ngành và lĩnh vực để phát huy tính tiên phong của doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nghiên cứu, phát triển, làm chủ kỹ thuật số. Từ đó, quảng bá thương hiệu khắp quốc gia, khu vực và mở rộng ra thị trường thế giới. Đồng thời, phát triển một số lĩnh vực như năng lượng tự động, hệ thống giao thông vận tải; đào tạo từ xa, quản lý giảng dạy và học tập trực tuyến…

Ông Minh Anh khuyến nghị cần phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng số; đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, quản lý chặt chẽ và kiểm soát những hình thức  thanh toán trực tuyến, nhất là những giao dịch xuyên quốc gia.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Minh Anh đề xuất, cần chủ động đổi mới, sáng tạo, nắm bắt kịp thời các công nghệ mới; chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới. Đồng thời, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn. Chuyển đổi số không có nghĩa chỉ là mua sắm phần mềm, trang thiết bị, mà quan trọng làm thế nào để linh hoạt trong chuyển đổi mô hình kinh doanh và thích ứng được với sự chuyển đổi khoa học - kỹ thuật. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp nên có phương thức, hướng đi riêng và cách thức chuyển đổi sao cho phù hợp.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Hải Yến bày tỏ mong đợi sự hỗ trợ về phương pháp và công cụ của các chuyên gia công nghệ số để các doanh nghiệp có thể lựa chọn con đường chuyển đổi, hướng tới số hóa hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý doanh nghiệp. Đây là quá trình dài và không có điểm dừng, doanh nghiệp sẽ từ từ chuyển đổi dần từ thấp lên cao tùy thuộc vào mức độ trưởng thành số của doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý cũng có thể tham vấn cho doanh nghiệp lựa chọn công cụ và dịch vụ số như nền tảng số, thương mại số hay giải pháp kho thông minh, trợ lý số… giúp doanh nghiệp làm quen với phương thức sản xuất kinh doanh mới và kiểm chứng, đo lường ngay được hiệu quả.

Trong bối cảnh cận kề năm 2024, Chính phủ khẳng định tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2025. Theo đó, đặc biệt ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp bằng các công cụ số; thúc đẩy thực sự tiến trình chuyển đổi số của cộng đồng kinh doanh. Với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị, đích đến của hành trình số hóa nền kinh tế đang ở rất gần!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục