Sóc Trăng: Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo để phát triển bền vững

20:01' - 12/05/2022
BNEWS Ngày 12/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo bền vững.

Ngày 12/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo bền vững với sự tham gia của lãnh đạo các cấp, ngành trong tỉnh, nhà quản lý ngành nông nghiệp, lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp, Hợp tác xã, các đơn vị liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo trong tỉnh.

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình hợp tác xã để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản đang là yêu cầu tất yếu, góp phần nâng cao giá trị sản xuất theo hướng bền vững, phân phối lợi ích hài hòa các bên tham gia liên kết.

Góp phần quan trọng trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Những năm gần đây, nhờ tích cực triển khai kết nối giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân nên việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng liên kết ngày càng nhiều, việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ ngày càng được chú trọng, diện tích liên kết tiêu thụ trên cây lúa ngày càng tăng.

Trong năm 2021, Sóc Trăng có 131 lượt công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ với tổng diện tích 61.922 ha, tăng 68% (25.175 ha) so với năm trước đó. Mặc dù có ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hơn một năm qua nhưng lợi nhuận bình quân trong năm 2021 của nông dân Sóc Trăng vẫn đạt từ 8,6 đến 26,3 triệu đồng/ha.

Cũng theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Sóc Trăng, tuy việc liên kết đã có nhiều thuận lợi theo xu hướng tư duy kinh tế nông nghiệp nhưng hiện nay vấn đề liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, như số lượng doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm trong thực hiện cánh đồng lớn còn ít; thời gian hợp đồng liên kết ngắn, đa số chỉ có một vụ; tình trạng không thực hiện theo hợp đồng đã ký kết vẫn còn xảy ra ở một số nơi.

Bên cạnh đó là điều kiện cơ sở hạ tầng một số địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng tiêu chí sản xuất lớn, tập trung như giao thông, thủy lợi,… để vận chuyển hàng hóa, đưa phương tiện máy móc cơ giới phục vụ cho sản xuất; giá bán lúa thường xuyên biến động, không ổn định gây khó khăn cho người sản xuất…

Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực hợp tác của các hợp tác xã và tổ hợp tác còn hạn chế, chưa tìm được tiếng nói chung trong chia sẻ rủi ro và lợi nhuận giữa doanh nghiệp, các tổ chức liên kết và nông dân.

Hoạt động liên kết tiêu thụ giữa nhà sản xuất và nhà thu mua còn yếu, nhiều sản phẩm phẩm được chứng nhận VietGAP hay chuỗi sản phẩm vẫn bán cho thương lái theo giá thị trường nên chưa ổn định trong khâu đầu ra. Một số cơ chế, chính sách chậm đi vào đời sống; chưa tạo sự thu hút của các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, thành phố Cần Thơ, mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong vấn đề sản xuất lúa theo hướng bền vững thì người nông dân rất đồng tình, vì người nông dân được hỗ trợ vật tư đầu vào; quy trình sản xuất của nông dân sẽ theo hướng dẫn của doanh nghiệp, mà doanh nghiệp là tín hiệu của thị trường, tức là người nông dân sản xuất theo tín hiệu của thị trường sẽ rất yên tâm; về tiêu thụ nông sản thực phẩm, lúa gạo khó tiêu thụ vì sản lượng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn, khi có đầu ra ổn định thì người nông dân sẽ yên tâm sản xuất. Đối với doanh nghiệp cũng rất cần sự liên kết với nông dân, doanh nghiệp đưa ra quy trình sản xuất đúng thì sẽ có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, giá trị của lúa gạo mới cao được. Chính vì thế mà vấn đề liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp sẽ đảm bảo phát triển bền vững.

Cũng theo ông Phạm Thái Bình, một số trường hợp như thông tin hay nêu là nông dân hay doanh nghiệp "bẻ kèo", nhưng đó không phải là liên kết mà chỉ là hình thức doanh nghiệp "đặt hàng, đặt cọc" với nông dân nên khi giá lúa xuống thì doanh nghiệp buông không thu mua, giá lúa cao thì nông dân bán ra ngoài, đó không phải là liên kết. Trên thực tế, Công ty Trung An đã liên kết với nông dân từ năm 2012 đến nay thì chưa có trường hợp nào nông dân "bẻ kèo" cả.

Còn bà Dương Thanh Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Gạo Ông Thọ chia sẻ thêm, theo kinh nghiệm của doanh nghiệp, nếu mà để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo thì ngay từ ban đầu phải có những cam kết, ký kết cho bà con nông dân, phổ biến từng vấn đề cụ thể, làm theo yêu cầu quy trình sản xuất của doanh nghiệp, mặc dù khó hơn so với cách làm tự phát của bà con trước đây; phải nói rõ với nông dân khi tham gia liên kết, làm theo quy trình thì bà con sẽ được lợi ích gì, lợi ích về môi trường sống, về hiệu quả, về tài chính, về vấn đề phát triển thương hiệu của mình... thì bà con sẽ liên kết hợp đồng với doanh nghiệp bền vững hơn.

Trong kế hoạch từ nay đến năm 2025, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu nâng cao giá trị nông sản nhằm tăng thu nhập cho người nông dân, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, đạt hơn 250 triệu đồng/ha. Trong số đó, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm hơn 80% sản lượng lúa của tỉnh. Để đạt được mục tiêu này, Sóc Trăng đã đề ra kế hoạch phát triển thương hiệu và nâng cấp chuỗi giá trị lúa-gạo đặc sản của tỉnh.

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung các giống lúa đặc sản nhóm ST (ST24, ST25), lúa Tài Nguyên mùa, thơm nhẹ theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đã quy hoạch vùng sản xuất lúa đặc sản phù hợp nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, củng cố và xây dựng các Tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất lúa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa gắn với xây dựng cánh đồng lớn và liên kết sản xuất theo hướng an toàn.

Tại Hội nghị, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị, ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện của nông dân có cơ hội tiếp cận, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân có hợp đồng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả và bền vững.

Triển khai Chương trình, dự án hỗ trợ các Hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng kế hoạch sản xuất theo chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nhằm giảm rủi ro, tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, từ đó có thị trường tiêu thụ ổn định.

Ngành chức năng, các địa phương cũng phải quan tâm hỗ trợ các Hợp tác xã tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm Sóc Trăng theo hướng gia tăng giá trị, giúp cho người dân tự lực, tự tin với sản phẩm do mình làm ra.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục