Sóc Trăng "tắc" khâu tiêu thụ nông sản

10:38' - 13/07/2021
BNEWS Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ nông sản của nông dân càng thêm khó khăn. Giá rớt liên tục, không có thị trường tiêu thụ càng khiến nông dân Sóc Trăng khó tránh khỏi những lo lắng.

Huyện Mỹ Xuyên được biết đến là “thủ phủ” màu của tỉnh Sóc Trăng với trên 7.000 ha diện tích trồng các loại màu và cây công nghiệp ngắn ngày; trong đó, xã Đại Tâm được xem là đia phương đi đầu trên địa bàn huyện trong việc gắn kết khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Địa phương này cũng nổi tiếng với các loại cây màu chủ lực như: dưa leo, hành, hẹ, bắp, các loại rau cải, được trồng quanh năm, bình quân lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng/1 ha.

Thu nhập từ cây màu đã giúp cho đời sống kinh tế của người dân, nhất là đồng bào Khmer trên địa bàn ổn định, vươn lên khá giả.

Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong thời gian gần đây đã khiến cho việc tiêu thụ các mặt hàng  nông sản của người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sản phẩm không tiêu thụ được, rớt giá, nông dân bị thất thu, đành ngậm ngùi cắt bỏ dù đến ngày thu hoạch.

Theo ông Lý Ên ở ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm, trước đây, cứ cách 2 ngày gia đình thu hoạch được một cử (đợt) hẹ bông, mỗi cử được khoảng 30 kg, trung bình gần 20.000 đồng/kg, trừ chi phí thuê mướn, gia đình thu được trên 400.000 nghìn đồng.

Nhưng khoảng 10 ngày trở lại đây, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, khiến việc tiêu thụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các vựa rau trên địa bàn xã đã ngừng thu mua do không xuất bán được khiến giá giảm mạnh xuống còn 8.000 đồng/ký. Giờ,bỏ thì uổng mà thu hoạch không được bao nhiêu tiền. Mong là dịch sớm qua mau để nông dân bớt khổ.

Ông Triệu Hiền cùng xã Đại Tâm cho biết, gần 2 công (2.000m2) trồng cải phụng của gia đình đến ngày thu hoạch mà không bán được cho ai.

Bao nhiêu vốn liếng đầu tư cả vào cho vụ sản xuất này, giờ không thu hoạch được. Chẳng biết lấy gì mà tái sản xuất.

Theo ông Triệu Hiền thì trong các niên vụ trước, giá của cây màu luôn ổn định, người trồng màu nói chung đều “sống được”, có lợi nhuận.

Còn năm nay, các vựa thu mua đa phần đóng cửa, dừng thu mua nên người trồng màu cầm chắc vụ màu thất trắng.

Bà Trầm Thị Đền, Chủ vựa rau Dũng Đền ở xã Đại Tâm cho biết, trên địa bàn xã Đại Tâm có  trên 10 vựa chuyên thu mua rau màu các loại.

Trước dịch, trung bình mỗi ngày mỗi vựa rau thu mua từ 2 đến hàng chục tấn các loại rau màu chở lên các chợ đầu mối tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh tiêu thụ. Giờ, các chợ đầu mối đóng cửa, nhiều vựa cũng tạm thời cũng ngừng thu mua.

Hiện tại, riêng vựa Dũng Đền, hơn chục nhân công của vựa cũng phải nghỉ việc, chờ qua dịch mới quay lại làm tiếp tục.

Không riêng gì các hộ trồng màu bị ảnh hưởng, người trồng cây ăn trái tại các địa phương các trong tỉnh cũng bị ảnh hưởng nhiều do khâu tiêu thụ bị “tắc”.

Theo ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, trên địa bàn huyện hiện này có gần 4.500 ha cây ăn trái các loại, trong đó, chủ yếu là nhãn, thanh long, ổi… Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến giá của các loại cây ăn trái trên địa bàn bị ảnh hưởng.

Đơn cử như giá của nhãn Idor (hay Edaw) lúc trước có giá trên 15.000 đồng/kg, giờ giảm xuống còn khoảng 7.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đắc thì sắp tới nhiều loại cây ăn trái khác cũng sẽ bước vào giai đoạn thu hoạch, với tình hình giá cả như hiện nay khiến cả ngành chức năng lẫn người dân vô cùng lo lắng.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, để góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong thời điểm ảnh hưởng của dịch COVID-19, mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh là ưu tiên thị trường nội địa thông qua kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ động trong việc tham mưu với UBND tỉnh tìm các hướng và giải pháp sản xuất và tiêu thụ nông sản; áp dụng quy trình cấp mã số vùng trồng; kiểm dịch, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm khép kín, qua đó, góp phần đảm bảo được khâu tiêu thụ thuận lợi cho người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục