Sôi động mua sắm online dịp Tết

13:02' - 24/01/2017
BNEWS Bên cạnh các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, hình thức mua sắm trực tuyến (online) đang được nhiều người dân Hà Nội lựa chọn.
Không khí mua sắm phục vụ Tết Đinh Dậu 2017 tại Hà Nội đã trở nên sôi động.Ảnh: TTXVN.

Những ngày này, không khí mua sắm phục vụ Tết Đinh Dậu 2017 tại Hà Nội đã trở nên sôi động. Các dịch vụ phục vụ mua sắm cũng ngày càng thuận tiện không chỉ tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị mà cả hình thức mua sắm trực tuyến (online).

Tuổi trung niên, người già thường lựa chọn mua đồ tại các chợ truyền thống, cửa hàng, siêu thị trong khi các bạn trẻ lại yêu thích hình thức sắm đồ online do tính chất tiện lợi về thời gian cũng như công sức vận chuyển.

Quả thật, lựa chọn này của các bạn trẻ cũng là điều dễ hiểu. Bởi chỉ cần lướt mạng; tra cứu google, sau cú nhắp chuột có thể tìm thấy vô vàn trang mạng với đa dạng hàng hoá được cung cấp thông qua kênh thông tin điện tử.

Người mua hàng có thể lựa chọn từ những đồ gia dụng với chi phí lớn như: ti vi, tủ lạnh hay quần áo, giầy dép đến cả mớ rau, con cá và cân thịt. Đặc biệt thời điểm giáp Tết này, các trang mạng về thực phẩm liên tục đưa ra đặc sản phục vụ nhu cầu ngươi tiêu dùng như: nấm hương rừng; gà chạy đồi; lợn mán; măng khô...

Ưu việt của xu hướng bán hàng online chính là đánh đúng tâm lý ưa phục vụ của giới trẻ. Càng ngày, bán hàng online đang dần chuyên nghiệp hơn, thậm chí người bán chấp nhận cả việc người mua không hài lòng về chất lượng hàng có thể trả lại hàng cho người giao và chỉ tính tiền “xe ôm”. Chính cách làm này giúp xu hướng mua hàng online ngày càng “thịnh”.

Bên cạnh hình thức mua bán truyền thống, nhiều người chọn hình thức mua sắm online cho dịp Tết. Ảnh: ReadyTechGo

Chị Hoa chia sẻ thêm, thời gian đầu khi mới mua hàng theo hình thức này cũng “gà” lắm; chẳng đến xem hàng hay hỏi thông tin của những bạn mua trước mà cứ đặt mua do vậy cũng có lần bị mất tiền oan. Xót nhất là đợt chị sắm áo dạ dài, nhìn trên trang mạng thì “long lanh” nhưng thực tế khác hoàn toàn từ kiểu dáng đến chất lượng. Trong khi đó, đã thanh toán bằng hình thức chuyển khoản trước nên không còn cách nào khác ngoài việc bỏ chiếc áo; bởi có cho cũng chẳng ai mặc vừa.

Rút kinh nghiệm từ những lần mua hàng đó, chị Hoa chọn cách trước khi mua hàng online xem hàng và trả tiền sau khi giao hàng. Cách mua hàng này giúp chị không bị “mắc sai lầm” như những lần trước. Với bề dày mua hàng online của mình, chị Hoa tự tin hơn trong việc lựa chọn hình thức này để sắm một số đồ dịp Tết như: thực phẩm, đồ dùng gia đình…

Không chỉ chị Hoa mà còn rất nhiều bạn trẻ khác cũng đang sử dụng cách mua hàng này để sắm Tết cho gia đình. Và hình thức này không chỉ được các bạn nữ yêu thích mà ngay cả phái nam cũng lựa chọn. Anh Minh Tuyến chia sẻ: “ Tết đến cũng muốn hỗ trợ vợ trong việc mua sắm nhưng ngại nhất là việc chờ đợi vợ tại những chợ đông đúc thời điểm giáp Tết.

Trong khi đó, vợ mình chưa có thói quen mua hàng online. Mình có một số người bạn ở nhiều địa phương khác nhau kinh doanh đặc sản vùng miền qua mạng. Vì vậy, bản thân cũng trực tiếp đặt hàng của các bạn, vừa giúp tăng thêm thu nhập kinh tế lại đỡ vất cho bà xã. Anh Tuyến thường lựa chọn mua một số thực phẩm: rượu quê; thịt lợn; gà; măng, miến, nấm hương và một số hoa quả. Việc mua theo hình thức này tuy phải ra bến xe lấy hàng nhưng là chỗ quen biết nên cũng yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm”.

Có lẽ bởi ngày càng nhiều khách ưa “mua hàng” online buộc cửa hàng chỉ bán tại chỗ như trước kia phải vận động theo và “chiều” khách hơn. Nhận thấy rõ nhất là hiện nhiều cửa hàng thời trang, thực phẩm trước kia chỉ bán hàng tại chỗ nay đã có thêm trang điện tử bán hàng qua mạng đi kèm. Thậm chí, chưa quen với bán hàng qua mạng nhưng nhiều chị, cô bán hàng ở chợ cũng vui vẻ giao tận nhà nếu khách có nhu cầu chỉ cần thông qua một cuộc điện thoại.

Bà Lê Hoan vừa lấy đồ của chị bán hàng tại khu chợ Định Công vừa đùa vui, bác chưa biết dùng facebook đâu nhưng cũng chỉ cần một cuộc điện thoại cô bán hàng này cũng mang đầy đủ hàng thực phẩm đến nhà rồi. Hôm nào thích ăn “đặc sản” vùng núi thì đặt trước một hôm là có ngay.

Cũng không kém phần sôi động, tại những siêu thị gần khu dân cư từ chiều đến tối tập nập hơn bao giờ hết. Tới siêu thị Thành Đô, Giải Phóng, Hà Nội vào thời điểm 9 giờ tối, những quầy tính tiền của siêu thị chật kín người mua hàng chờ thanh toán. Thậm chí đến cả những chiếc giỏ xách đồ hay xe đẩy hàng cũng phải tìm mỏi mắt mới có được.

Nhiều trường hợp khách hàng chờ người trước xếp đồ từ xe đẩy ra mới có cái dùng. Mặt hàng nhiều người lựa chọn vẫn là đồ thực phẩm phục vụ Tết: bánh; kẹo; rượu; bia; nước mắm; nấm hương, gia vị….

Điểm dễ nhận thấy, tại siêu thị Thành Đô năm nay chính là sự hiện diện của nhiều thương hiệu Việt trên các kệ bày sản phẩm; hàng ngoại tuy có nhưng ít hơn. Vị trí bày sản phẩm Việt ở những nơi dễ thấy; giúp người mua thuận tiện trong việc tìm kiếm. Có lẽ sự lựa chọn nhiều sản phẩm Việt bày bán tại siêu thị một phần cũng bởi các siêu thị nằm ở vị trí trong các khu dân cư và có mức thu nhập bình dân.

Quả thật, cách bán hàng đan xen giữa qua mạng và truyền thống dần tạo một sân chơi cạnh tranh khắc nghiệt trong kinh doanh; giúp loại dần những cửa hàng kém chất lượng. Quan trọng, người mua hàng có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn sản phẩm tốt, phù hợp túi tiền./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục