Sôi động thị trường phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo

14:00' - 12/01/2023
BNEWS Ngay từ ngày 11/1 (tức 20 tháng Chạp) thị trường đồ lễ phục vụ cúng ông Công ông Táo đã sôi động và các mặt hàng cũng rất đa dạng, phong phú.

Lễ cúng ông Công ông Táo năm nay vào ngày cuối tuần (thứ bảy 14/1 dương lịch tức ngày 23 tháng Chạp âm lịch) nên nhiều gia đình cũng sẽ làm lễ cúng tiễn Táo quân về trời đúng ngày. Tuy nhiên, ngay từ ngày 11/1 (tức 20 tháng Chạp) thị trường đồ lễ phục vụ cúng ông Công ông Táo đã sôi động và các mặt hàng cũng rất đa dạng, phong phú.

Nhìn chung, đến thời điểm này giá cả thị trường hoa quả, thực phẩm tươi sống, hay vàng mã, cá chép để cúng ông Công, ông Táo khá ổn định, hàng hóa dồi dào, không có tình trạng khan hàng, sốt giá.

 

Dạo qua các chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ đầu mối như Kim Liên (Đống Đa), chợ Thành Công (Ba Đình), chợ gốc Đề (Hoàng Mai), chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm Đức Viên (Hai Bà Trưng), chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai)… bên cạnh các mặt hàng trang trí Tết thì các mặt hàng phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo cũng đã được các tiểu thương bày bán khá đa dạng, giá cả thị trường năm nay khá ổn định, hàng hóa dồi dào.

Giá các mặt hàng vàng mã năm nay không nhiều biến động so với mọi năm, bộ Táo quân có giá dao động từ 50.000 đến 200.000 đồng/bộ; tiền vàng, thỏi vàng thần tài giá 10.000 đến 25.000 đồng/lễ.

Chị Minh Trang, chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm quà tặng trên phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, năm nay, các mặt hàng vàng mã phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo khá đa dạng, mẫu mã đẹp, giá cả lại không tăng so với mọi năm.

Cụ thể giá 120.000 đồng/cặp táo quân và giao thừa cỡ nhỏ, 140.000 đồng/cặp táo quân và giao thừa cỡ to; 190.000 đồng/cặp táo quân và giao thừa cỡ đại, vàng tiền 10.000 đồng/đinh, vàng hoa giá từ 80.000 - 120.000 đồng/cây.

Chị Nguyễn Thị Hằng, ở phố Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết, gia đình cúng ông Công ông Táo sớm hơn mọi năm, với mong muốn một năm mới may mắn, an khang thịnh vượng. Năm nay, các mặt hàng vàng mã phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo rất đẹp mà giá cả lại phải chăng, cá chép cũng vậy.

Bên cạnh đồ cúng vàng mã, cá chép cũng là vật không thể thiếu trong ngày lễ này. Sáng ngày 12/1 (tức 21/12 âm lịch), không khí tại chợ cá Yên Sở nhộn nhịp, tấp nập "người mua kẻ bán", rực rỡ sắc đỏ vàng khắp chợ.

Cá chép đỏ được coi là một trong những đồ cúng vô cùng quan trọng và không thể thiếu bên mâm cỗ cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Trước ngày 23 tháng Chạp, chợ cá lớn nhất miền Bắc tại làng Sở Thượng (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tấp nập bởi các tiểu thương và người dân tìm tới mua cá chép đỏ. Tại chợ Yên Sở, bán chủ yếu là 2 loại cá chép đỏ và cá chép vàng. Cả 2 loại cá này đều được được các lái buôn nhập từ các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…

Theo các tiểu thương, giá cả năm nay tại chợ giá giảm mạnh, do cá đã đặt từ trước, giá bán ra lại quá rẻ nên nhiều tiểu thương than lỗ nặng. Loại cá chọn tại chợ có giá từ 90.000 - 120.000 đồng/kg, còn mua theo cân, múc xô lên thì giá khoảng chỉ khoảng 60.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá cá chép tại một số chợ dân sinh dao động từ 30.000 – 70.000 đồng/bộ 3 con. Tại chợ đầu mối phía Nam, giá cá chép có mức giá thấp hơn khoảng 20.000 đồng/bộ 3 con. Cá chép được bán tại các chợ khá nhỏ và chưa được bày bán nhiều.

Ngoài đồ vàng mã, cá chép thì mâm cỗ cúng Tết ông Công, ông Táo cũng được nhiều gia đình coi trọng. Giá cả, thực phẩm những ngày này gần như không có nhiều biến động so với ngày trước đó.

Giá gà sống tại các chợ dân sinh như gốc Đề, Kim Liên, Thành Công hiện ở mức 120.000 – 130.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà mái ở mức thấp hơn khoảng 110.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với những ngày trước đó.

Giá thịt lợn hiện đang ở mức từ 130.000 – 150.000 đồng/kg tùy loại; giá thịt bò ở mức từ 220.000 – 270.000 đồng/kg tùy loại.

Hoa tươi cũng là mặt hàng khá đắt khách, giá hoa cũng tăng hơn so với năm trước một chút, vì năm nay thời tiết khắc nghiệt ít mưa nên hoa nở sớm. Các loại hoa tươi như hoa cúc, hoa hồng giá 7.000 đến 10.000 đồng/bông, hoa lay ơn giá 60.000 đến 100.000 đồng/chục, hoa ly 15.000 đồng/cành 3 tai… ; cành đào nhỏ khoảng từ 50.000 - 60.000 đồng/cành.

Các loại trái cây cũng khá phong phú về giá cả. Cụ thể, phật thủ có giá từ 30.000 - 500.000 đồng/quả tùy loại; thanh long ruột trắng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ từ 40.000 -  65.000 đồng/kg; quýt Sài Gòn từ 35.000- 40.000 đồng/kg, vú sữa từ 45.000 - 65.000 đồng/kg, bưởi diễn năm nay khá rẻ chỉ khoảng từ 15.000 - 30.000 đồng/quả; giá dưa hấu từ 10.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại; cau tươi thắp hương khoảng từ 10.000 - 12.000 đồng/quả.

Giá rau xanh trong những ngày này cũng giảm khá nhiều so với 2 tuần trước, su hào 5.000 - 7.000 đồng/củ; súp lơ xanh và trắng khoảng từ 10.000 -15.000 đồng/cái, cà rốt từ 5.000-10.000 đồng/kg, khoai tây từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, bắp cải 7000- 10.000 đồng/kg, rau cải ngồng 12.000 đồng/kg, dưa chuột từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, xà lách 10.000 đồng/kg, khoai tây 12.000 đồng/kg, cà chua từ 8.000 - 12.000 đồng/kg, khoai lang Nhật 25.000 đồng/kg……

Theo các tiểu thương, nhịp độ mua sắm thắp hương cúng ông Công, ông Táo sôi động bắt đầu từ ngày thứ tư (11/1 dương lịch tức ngày 20 tháng Chạp).

Chị Bùi Hằng Trang, ở phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết, 23 tháng Chạp năm nay lại đúng vào ngày nghỉ nên gia đình chị Trang cũng làm lễ cúng ông Công ông Táo đúng ngày. Tuy nhiên, chị vẫn đi mua sắm đồ lễ cúng ông Công, ông Táo chuẩn bị sớm. Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng gia đình chị vẫn mua sắm thắp hương đầy đủ để tiễn ông Táo chầu trời.

Không chỉ sắm sửa thắp hương ông Công, ông Táo, nhiều người tranh thủ mua lá dong về chuẩn bị gói bánh chưng, giá lá dong được dao động trong khoảng từ 70.000 - 120.000 đồng/bó 20 lá.

Theo phong tục cổ truyền của người Việt, ngày 23 tháng Chạp, ông Công và ông Táo sẽ cưới cá chép về trời để trình báo những chuyện xảy ra trong gia đình người dân với Ngọc Hoàng. Đến đêm giao thừa, cả hai vị thần mới trở lại để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình.

Vì vậy, hằng năm vào ngày này, người dân khắp cả nước đều chuẩn bị lễ với các vật phẩm gồm bộ mũ cáo, cá chép sống, gà luộc, xôi trắng, tiền vằng, trầu cau, nước, rượu, trà, hoa quả… để ông táo về chầu trời./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục