Sớm gỡ rào cản cho điện gió ngoài khơi

18:50' - 02/06/2022
BNEWS Việt Nam có tiềm năng lớn với điện gió ngoài khơi, có thể lên tới 160 GW và hiện trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phát triển 7 GW điện gió ngoài khơi.

Chia sẻ tại hội thảo: "Ảnh hưởng của xu hướng giá thành điện gió ngoài khơi thế giới đến Việt Nam" do Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương tổ chức vào chiều 2/6, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn với điện gió ngoài khơi, có thể lên tới 160 GW và hiện trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phát triển 7 GW điện gió ngoài khơi. Tuy vậy, các ý kiến nhận định, vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ cho loại hình năng lượng này phát triển.

Trao đổi tại  hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, đại diện Viện Năng lượng - Bộ Công Thương cho hay, tiềm năng điện gió ngoài khơi ở Việt Nam là rất tốt đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Nam. Song, tình trạng thiếu điện ở miền Bắc được dự báo và có thể phải truyền tải nhiều điện hơn ra khu vực phía Bắc. Vậy, vấn đề đặt ra là có thể tăng truyền tải điện ra Bắc hay cân nhắc phát triển điện gió ngoài khơi ở miền Bắc.
 

Trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, thực hiện cam kết phát thải ròng = 0 vào năm 2050, các nguồn nhiệt điện than đã dừng, phát triển điện khí LNG cũng bị hạn chế. Như vậy, năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi sẽ có vai trò quan trọng.

Theo tờ trình Quy hoạch Điện VIII đặt ra mục tiêu 7.000 MW đến năm 2030 (phía Bắc 4.000 MW và Nam Trung bộ, Nam bộ 3.000 MW, do giới hạn truyền tải điện từ khu vực miền Trung, Nam ra Bắc hạn chế). Hiện ở phía Bắc, các tỉnh có biển đăng ký khoảng 51.000 MW điện gió ngoài khơi, nhưng theo tờ trình chỉ có 4.000 MW nên sẽ phải lựa chọn dự án khả thi, đấu nối điện.

Theo phân tích của ông Nguyễn Mạnh Cường, các vấn đề tồn tại khi đấu nối hiện nay là: chưa có quy hoạch hệ thống tuyến cáp ngầm dưới biển kết nối các dự án điện gió ngoài khơi để giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái, giao thông vận tải biển và sinh kế ngư dân.

Do vậy, cần nghiên cứu sâu hơn, đưa các tuyến cáp như "hành lang cao tốc" dưới biển. Ngoài ra, phạm vi nghiên cứu đầu tư, đấu nối giữa nhà đầu tư với Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên và các ràng buộc đầu tư lưới điện cũng như dự án điện gió ngoài khơi để đồng bộ. Cùng đó, thủ tục đầu tư và cấp phép dự án hiện vẫn còn nhiều phức tạp vì sự chồng chéo về quản lý giữa nhiều bộ, ngành như: Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, các tỉnh có dự án... dẫn tới nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện đầu tư. 

Theo chia sẻ của ông Stuart Livesay, Giám đốc quốc gia Việt Nam, Tổng giám đốc Dự án điện gió La Gàn, Việt Nam đặt mục tiêu 7 GW đến năm 2030, nhưng vấn đề về triển khai, lộ trình, hợp đồng mua bán điện nếu không có sự đảm bảo nhất định thì sẽ khó để thực hiện được

Cũng theo đại diện dự án La Gàn, khi đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, các khâu từ lựa chọn dự án, khảo sát, đầu tư xây dựng đều rất phức tạp và cần nguồn vốn lớn. Tất cả các công việc đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện trước năm 2030 và phải làm tuần tự; cùng đó là các nghiên cứu địa kỹ thuật, tác động môi trường, sinh vật biển...phục vụ cho xây dựng. Do vậy, để tránh các rủi ro tiềm ẩn, Việt Nam cần sớm có các quy hoạch liên quan, hướng dẫn chi tiết để doanh nghiệp định hướng, triển khai.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cho biết, Luật Điện lực đang được sửa đổi là đột phá của Chính phủ, thực hiện xã hội hóa cho phép tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải. Ở thế giới, việc cho phép tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải rất ít và đây cũng là quyết tâm của Đảng và Chính phủ.

Tuy nhiên, sau khi có Luật sửa đổi thì việc ban hành Nghị định, hướng dẫn cũng rất quan trọng. Bộ đã họp với các đơn vị, góp ý kiến cho các văn bản hướng dẫn. Hiện nay, một số nhà đầu tư tư nhân đã tham gia đầu tư lưới như Trung Nam, Xuân Thiện,...nhưng trục xương sống truyền tải liên miền, liên vùng vẫn phải do nhà nước. Còn lại các nhánh đấu nối từ các trung tâm nguồn điện hoặc vị trí không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng thì có thể xem xét, hướng dẫn tư nhân đầu tư,

Cũng theo ông Phạm Nguyên Hùng, để thực hiện dự án điện gió ngoài khơi mất từ 7-8 năm, như vậy thời điểm này phải bắt tay vào triển khai mới có thể đạt được mốc quy hoạch đến năm 2030. Các công việc cần làm là Quy hoạch Điện VIII sớm được phê duyệt, hiện Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quy hoạch. Sau đó đến kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương cũng phải chuẩn bị. Nếu kế hoạch triển khai chậm sẽ làm giảm hiệu quả của quy hoạch điện. Về khung pháp lý, điện gió ngoài khơi có chu trình đầu tư khác biệt nhiều so với điện gió trên bờ, phạm vi quản lý biển dưới 6 hải lý thuộc cấp tỉnh, trên 6 hải lý phải cấp cao hơn... Đây cũng là vấn đề cần "hóa giải"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục