Tạo đà để xuất khẩu hiệu quả sang thị trường tín chỉ carbon

17:49' - 16/10/2023
BNEWS Trước những yêu cầu chuyển đổi trong sản xuất hướng tới tiêu chí bền vững đang tạo ra áp lực với doanh nghiệp, hợp tác xã khi xuất khẩu, nhất là nông sản vào EU.

Theo các chuyên gia, quy trình đánh giá, xác nhận tín chỉ rất phức tạp do thị trường quốc tế có nhiều tổ chức tham gia, trong khi Việt Nam chưa hoàn thiện quy trình này. Bởi vậy, với kinh nghiệm hạn chế, thiếu nguồn lực về kỹ thuật và tài chính nên việc thực hiện tín chỉ carbon của hợp tác xã đã khó lại chồng khó.

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2 (carbon dioxide) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2tđ). Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ.

Tham gia thị trường tín chỉ carbon, các chủ mô hình sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lợi về sau khi được quyền quy đổi lượng CO2. Hiện tại, 1 tấn CO2 bằng 1 tín chỉ - tại châu Âu có giá 83 USD và dự báo sẽ lên đến 280 USD vào năm 2026.

Do đó, giá trị thu về từ bán tín chỉ carbon là không nhỏ, nhất là khi Việt Nam có nhiều điều kiện có thể phát triển thành những mô hình sản xuất xanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngay như trong lĩnh vực lâm nghiệp, khi người dân, hợp tác xã trồng thêm nhiều rừng đồng nghĩa với việc nguồn tiền thu về sẽ càng lớn mà không phải chặt hạ cây, từ đó sẽ giúp tăng cường tái đầu tư vào quản lý, bảo vệ rừng.

 

Thế nhưng, để có tín chỉ carbon cũng như sản phẩm xanh đòi hỏi những bước chuyển mình cụ thể của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; trong đó, có bước kiểm kê toàn bộ quy trình, hoạt động xem đâu đang là quy trình sản sinh ra nhiều khí nhà kính để hợp tác xã ưu tiên nguồn lực cải thiện. Điều này đòi hỏi cả sự hiểu biết, tài chính, sự sắp xếp tái cấu trúc hoạt động của đơn vị sản xuất.

Chia sẻ từ một số hợp tác xã tại địa bàn Cần Thơ, Đồng Tháp cho thấy, mặc dù nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa tại nhiều hợp tác xã nhưng do vấn đề liên kết ngành hàng vẫn còn yếu nên chính thành viên hợp tác xã, nông dân gặp khó trong cả sản xuất và tìm kiếm đầu ra.

Hơn nữa, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tài liệu tập huấn đào tạo về sản xuất hữu cơ còn hạn chế, chưa phổ biến. Chẳng hạn như cách sử dụng phân bón hữu cơ vẫn chủ yếu do thành viên hợp tác xã tự tìm hiểu hoặc có cơ quan khuyến nông địa phương hỗ trợ nhưng cũng chưa nhiều, chưa đồng bộ theo quy trình.

Theo các hợp tác xã, tuy mỗi năm Việt Nam có khoảng 157 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp và hợp tác xã cũng đã tận dụng để sản xuất phân hữu cơ nhưng số lượng phân tự sản xuất vẫn còn khiêm tốn nên vẫn phải mua thêm. Nếu các loại phân bảo đảm các tiêu chuẩn hữu cơ nước ngoài thì chi phí cũng rất cao. Vì vậy, hợp tác xã nào không có tiềm lực kinh tế rất khó đi theo hướng hữu cơ lâu dài.

Không những thế, nông nghiệp hữu cơ được coi là sản phẩm tiêu chuẩn cao nên giá thành sản xuất tăngvà kén người dùng. Hơn nữa, sản phẩm hữu cơ của hợp tác xã làm ra phải đảm bảo có doanh nghiệp bao tiêu mới bảo đảm thu nhập cho thành viên. Ngược lại, việc lời hay lỗ của hợp tác xã sẽ phụ thuộc vào may rủi. Đây cũng là lý do mà nhiều hợp tác xã khó thu hút thành viên mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ.

Ngoài ra, nhiều hợp tác xã dù rất muốn nhưng chưa thể canh tác nông nghiệp hữu cơ theo đúng nghĩa, đúng quy định hoặc nhầm lẫn giữa sản xuất an toàn với sản xuất hữu cơ. Tương tự, không ít mô hình mất nhiều năm chuyển đổi từ sản xuất an toàn lên sản xuất hữu cơ nhưng cũng chưa thành công.

Các hợp tác xã này cũng nêu rõ, gia vị là một trong những mặt hàng được nhiều hợp tác xã quan tâm sản xuất và hướng đến xuất khẩu. Tuy vậy, xuất khẩu cũng là thách thức với không ít hợp tác xã vì còn thiếu thông tin về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng thế giới cũng như kênh tiếp cận thị trường.

Chẳng hạn, muốn xuất khẩu hồ tiêu sang châu Âu, hợp tác xã phải mất nhiều thời gian để sản xuất đúng quy trình hữu cơ, đầu tư nhiều tiền bạc để có máy móc sơ chế, đóng gói nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe.

Cùng đó, các thị trường "khó tính" như EU yêu cầu rất cao về chất lượng. Nhiều loại gia vị của Việt Nam xuất sang thị trường này đều phải trải qua các đợt kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, và họ yêu cầu mức dư lượng tối đa đối với một số hoạt chất như tricyclazone (hoạt chất trừ nấm, trừ sâu) chỉ ở mức 0,01 thậm chí là 0.

Trong khi đó, không chỉ hồ tiêu mà hầu hết các loại cây gia vị thường bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thời tiết, khí hậu, nhất là những loại cây ăn lá, nên để có được một vùng nguyên liệu gia vị đủ lớn để xuất khẩu không hề dễ dàng.

Hơn nữa, hợp tác xã phải thu mua từ nhiều vùng nguyên liệu khác mới bảo đảm đơn hàng lớn nhưng điều này lại không bảo đảm được tiêu chí về mã vùng trồng mà một số thị trường như EU đang yêu cầu.

Hay đơn cử như quy trình sản xuất hành củ của Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng các giống hành có nhiều tép, gây khó khăn trong sơ chế, làm sạch. Trong khi người tiêu dùng thế giới lại ưa chuộng loại hành chỉ có một tép...cũng là những rào cản với các hợp tác xã.

Xác định bảo vệ môi trường, phát triển bền vững là yếu tố then chốt, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Hòa (tỉnh Đồng Tháp) áp dụng kỹ thuật cung cấp nước "ngập - khô xen kẽ" trong sản xuất lúa hàng hóa. Đây là phương pháp canh tác lúa tiết kiệm nước, giảm phát khí thải nhà kính được hợp tác xã áp dụng nhiều năm qua.

Theo đó, các thành viên duy trì mực nước ở ruộng từ 5 - 10cm, vừa đủ cho lúa nuôi hạt, khi lúa bắt đầu chín sẽ rút nước đi. Kỹ thuật "ngập - khô xen kẽ", giảm lượng nước tưới trên ruộng lúa là phương pháp giúp giảm ít nhất khoảng 3,5 lần lượng khí thải nhà kính so với các ruộng lúa để nước ngập suốt cả vụ. Phương pháp này còn giúp người dân, hợp tác xã tiết kiệm được chi phí mà không làm giảm năng suất.

Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất lúa, mà nhiều mô hình từ trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng… của các hợp tác xã đã làm rất tốt việc đổi mới công nghệ, kỹ thuật hướng đến giảm khí thải nhà kính. Tuy nhiên, làm sao để các hợp tác xã có thể biến quy trình sản xuất xanh thành tín chỉ carbon, thành một loại hàng hóa, còn rất nhiều việc phải làm.

Bởi để có tín chỉ carbon, hợp tác xã sẽ trải qua nhiều quy trình đánh giá tác động sản xuất kinh doanh. Nếu hợp tác xã đã thay đổi quy trình sản xuất kinh doanh để giảm phát thải nhà kính thì có thể quy thành tín chỉ carbon. Tuy nhiên, tín chỉ carbon này phải đủ chất lượng, được xác nhận mới có thể thành hàng hóa.

Thực tế cho thấy, nhiều nước đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất xanh, thực hiện mua bán tín chỉ carbon nhằm hạn chế hiện tượng biến đổi khí hậu, vì đây được coi là “của để dành” và khi mang ra mua bán sẽ giúp nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để tái đầu tư. Bởi vậy, dù muốn hay không, hợp tác xã cũng cần biết và tham gia tích cực vào thị trường này.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, trong điều kiện thị trường hiện nay, hợp tác xã cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ (theo tiêu chuẩn nước ngoài).

Theo đó, cần phải có hợp đồng tiêu thụ để bảo đảm sản xuất được chắc chắn. Nếu chưa thể liên kết chặt chẽ, hợp tác xã có thể tập trung sản xuất an toàn để bảo đảm đầu ra và tạo thuận lợi cho chuyển đổi sản xuất lên hữu cơ sau này.

Ngoài ra, nông nghiệp là ngành chủ lực nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có quy hoạch cụ thể về sản xuất hữu cơ và chưa có các cơ chế chính sách riêng hỗ trợ sản xuất hữu cơ. Các chính sách cho nông nghiệp hữu cơ hiện nay chỉ chung chung, lồng ghép trong các đề án, dự án khác như chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản...

Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định về kỹ thuật, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng chính sách rõ ràng, khả thi để hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi. Đi liền với đó là cần có quy hoạch cụ thể về đất đai, nguồn nước… để các hợp tác xã có kế hoạch cụ thể trong sản xuất kinh doanh.

Cùng quan điểm này, nhiều luồng ý kiến cũng đề xuất cơ quan quản lý, địa phương cần tạo điều kiện cho những mô hình này thực hiện thí điểm hoặc tham gia dự án trong thời điểm chờ đợi thiết chế cụ thể về tín chỉ carbon.

Ngoài ra, hợp tác xã cần chủ động trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, phù hợp qua nhiều phương pháp sản xuất bền vững nhưng tiết kiệm chi phí trong sản xuất và vẫn đạt hiệu quả cao, đáp ứng tiêu chí của nhà nhập khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục