Sơn La: Cho vay vốn tín dụng chính sách bình quân mỗi năm tăng 21%

21:12' - 16/09/2022
BNEWS Ngày 16/9, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Qua 20 năm thực hiện Nghị định này, đến nay tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội toàn tỉnh Sơn La đạt 5.426 tỷ đồng, tăng 34 lần so với năm 2002, bình quân mỗi năm tăng 21%.

 

Trong số đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 4.620 tỷ đồng; nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân đạt 645 tỷ đồng. Cho vay được ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội và thông qua mạng lưới 204 điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn và 3.836 tổ tiết kiệm vay vốn.

Đặc biệt, từ 2 chương trình tín dụng và nguồn vốn ủy thác của địa phương nhận bàn giao, đến nay Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang thực hiện 17 chương trình tín dụng ưu đãi, các chương trình tín dụng đã được Chi nhành triển khai đến 100% số bản trong tỉnh.

Nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp cho 112.757 lượt hộ nghèo trong tỉnh vay vốn thoát ngưỡng nghèo. Bên cạnh đó, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 315.000 lao động; trên 850 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; hơn 23.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; cho vay hỗ trợ xây dựng cải tạo trên 190.000 công trình nước sạch.

Ngoài ra, nguồn vốn còn hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 26.000 ngôi nhà cho hộ nghèo, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Vì vậy, tính hết năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh Sơn La chỉ còn 21,66%.

Chị Lò Thị Hà, bản Tưn, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ chia sẻ, năm 2014, thông qua Trưởng bản và Hội Nông dân của xã phổ biến, chị Hà được vay vốn của hộ nghèo với số tiền 30 triệu đồng để mua 3 con bò mẹ về nuôi sinh sản. Trong quá trình chăn nuôi phát triển kinh tế, chị được tham gia các buổi sinh hoạt tổ, các buổi tập huấn khuyến nông và hướng dẫn sử dụng vốn vay sao cho hiệu quả.

Ngoài ra, gia đình chị còn kết hợp tăng gia sản xuất, làm nương trồng ngô, lúa, chăn nuôi gà, vịt và trồng 1,5 ha cây măng bát độ…. Đến nay, gia đình chị có 12 con bò sinh sản, 200 gốc nhãn, 200 gốc xoài và 1.000 m2 trồng dứa đã bắt đầu cho thu hoạch. Trừ chi phí, gia đình chị có mức thu nhập ổn định từ 100 đến 150 triệu đồng/năm và trở thành hộ khá giả của xã, trả được một phần nợ gốc cho ngân hàng.

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, hàng năm HĐND, UBND tỉnh Sơn La và các huyện, thành phố bố trí một phần ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay triển khai thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Đồng thời, quan tâm bố trí địa điểm, thời gian, an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại 100% các điểm giao dịch cấp xã; chỉ đạo củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn…

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La Nguyễn Thái Hưng biểu dương kết quả đã đạt được trong triển khai các chương trình cho vay ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa về tín dụng chính sách, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, tiếp tục cải tiến thủ tục cho vay để các đối tượng chính sách, người nghèo tiếp cận nguồn vốn.

Đặc biệt, phát huy thật tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể trong việc bảo lãnh cho vay, hướng dẫn tổ chức sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu quả vốn vay, giám sát và thu hồi vốn vay, đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch và hiệu quả.

Tại Hội nghị, Trưởng Ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La Đặng Ngọc Hậu đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu và đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Ông Đặng Ngọc Hậu cũng đề xuất Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và việc nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh chủ động triển khai, tham mưu với cấp có thẩm quyền cải cách thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục