Hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội tại Long An

09:11' - 16/09/2022
BNEWS Qua nguồn vốn vay, hơn 85.000 hộ đã thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Long An từ 9,8% (giai đoạn 2001-2025), xuống còn 1,3% (tính từ 1/6/2022 theo chuẩn giai đoạn 2022-2025).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa cho biết, qua 20 năm thực hiện chủ trương giảm nghèo nhanh và bền vững từ Chương trình cho vay hộ nghèo theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP, tỉnh giúp gần 353.000 lượt hộ nghèo được vay vốn để sản xuất chăn nuôi, buôn bán nhỏ với số tiền 2.721 tỷ đồng.

 

Qua nguồn vốn vay, hơn 85.000 hộ đã thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 9,8% (giai đoạn 2001-2025), xuống còn 1,3% (tính từ 1/6/2022 theo chuẩn giai đoạn 2022-2025).
Chương trình cho vay hộ nghèo đã giúp các địa phương trong tỉnh có thêm nguồn lực để khai thác các thế mạnh, tiềm năng về đất đai, lao động, tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy phát triển kinh tế; phát huy tinh thần tự lực của người dân trong phát triển sản xuất, giúp cho nhân dân bám đất, bám làng ở các vùng biên giới, vùng khó khăn, từng bước ổn định và nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu.

Qua đó, góp phần giúp 112/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 69,56% tổng số xã toàn tỉnh), 21/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 18,75% tổng số xã nông thôn mới); huyện Châu Thành và huyện Tân Trụ đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Tân An và thị xã Kiến Tường được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đạt kết quả trên, cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội của tỉnh Long An luôn được thường xuyên được củng cố và nâng cao thông qua việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp.

Ngân hàng Chính sách xã hội bình xét cho vay công khai dân chủ, đúng đối tượng; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về trách nhiệm trả nợ, sử dụng vốn đúng mục đích.

Ngân hàng thường xuyên quan tâm đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để đảm bảo sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách có hiệu quả; tăng cường kiểm tra giám sát, đôn đốc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.
Ngoài nguồn vốn cho vay được bổ sung hàng năm, trong 20 năm qua, Long An đã có hơn 9.000 tỷ đồng được thu hồi để cho vay quay vòng, chiếm 66,61% trong tổng doanh số cho vay. Nhờ quản lý vốn chặt chẽ và áp dụng đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên.
Thời gian tới, tỉnh Long An triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021-2030 và các chương trình tín dụng chính sách mới, đặc biệt là các chương trình tín dụng ưu đãi.

Đồng thời, tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo lồng ghép có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh tổ chức tập huấn và hướng dẫn người dân các kiến thức cơ bản về tài chính, ngân hàng, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, sử dụng vốn vay hiệu quả, khuyến khích người vay tham gia xây dựng các mô hình sản xuất, chuỗi liên kết, tổ hợp tác... nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội.
Cùng với đó, Long An thực hiện tốt điều tra rà soát bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo, kịp thời xác định các đối tượng thụ hưởng theo quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ khác được triển khai tại Ngân hàng Chính sách xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục