Sóng ngầm sông Lô - Bài 1: Tàn phá đất nông nghiệp, đe dọa sạt lở đê

13:07' - 10/10/2017
BNEWS Hàng trăm ha đất nông nghiệp màu mỡ bị xóa sổ, nhiều tuyến đê kè sạt lở dọc hai bờ sông Lô thuộc địa bàn các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... do nạn khai thác cát, sỏi trái phép.
Tàu khai thác cát làm sạt lở đất nông nghiệp tại khu vực sông Lô thuộc địa bàn hai xã Trưng Vương và xã sông Lô (Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Hàng trăm ha đất nông nghiệp màu mỡ bị xóa sổ và đang dần bị xóa sổ, nhiều tuyến đê kè sạt lở và tiếp tục bị đe dọa nghiêm trọng là thực trạng đang diễn ra dọc hai bờ sông Lô thuộc địa bàn các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc.

Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến là nạn khai thác cát, sỏi rầm rộ, quá mức cho phép trong những năm gần đây.

Sông Lô những ngày nước lớn, là điều kiện thích hợp để các tàu khai thác cát hoạt động. Ngược dòng sông Lô từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc lên Tuyên Quang, đâu đâu cũng bắt gặp các tàu khai thác cát rầm rập trên sông, cùng với đó là hàng trăm xà lan vận chuyển cát, sỏi, hối hả chạy ngược, xuôi để tiêu thụ.

Giữa dòng là vậy, còn hai bên bờ sông, hàng trăm ha đất bãi, bờ soi màu mỡ của người dân đang bị mất dần.

Chỉ trên một đoạn sông ngắn chảy qua huyện Phù Ninh (Phú Thọ), hàng chục tàu cuốc, tầu cẩu đang hoạt động, rúng động cả khúc sông.

Trên sông Lô, thuộc địa phận xã Tử Đà, huyện Phù Ninh, một số tàu của Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn đã tiến sâu vào bờ khai thác cát, hậu quả là bờ sông bị sạt lở, tạo thành những vách dựng đứng cao 4-5m, làm hàng ngàn m3 đất trồng ngô của người dân đã bị cuốn trôi.

Cũng vì sợ nước cuốn trôi ngô, nhiều người dân phải vội chặt những cây ngô sắp cho bắp để làm thức ăn cho trâu, bò.

Đáng quan tâm là trạm bơm thủy lợi cung cấp nước cho cánh đồng lúa của xã Tử Đà, ở gần vị trí mỏ khai thác cũng đang đứng trước nguy cơ bị đổ sập.

Không chỉ diện tích đất soi bãi đang dần biến mất mà đất ở của người dân dọc hai bờ sông Lô cũng đang đứng trước hoàn cảnh tương tự, khiến người dân bức xúc và lo lắng.

Bà Hồ Thị Thanh Kiên, ở khu 1, xã Hạ Giáp (huyện Phù Ninh) cho biết, Công ty cổ phần xây dựng và cơ khí Phương Nam khai thác cát sỏi ở khu vực này.

Từ ngày 10/7, hiện tượng sạt lở đã tiến sát tường rào của gia đình bà. Bà Kiên đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên và cán bộ huyện cũng đã về xem xét nhưng vẫn chưa giải quyết được.

Soi Đông Trai, thuộc xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) với diện tích hơn 10ha cũng đã biến mất hoàn toàn khỏi bản đồ sau khi các đơn vị tiến hành khai thác cát tại khu vực này.

Nhiều đoạn đê kè xung yếu của sông Lô đoạn qua xã Lâm Xuyên, huyện Sơn Dương, bị sạt lở nghiêm trọng, khoảng cách từ chân đê đến mép sông rộng từ hơn 100m nay bị thu hẹp chỉ còn 30m, khiến người dân không khỏi bức xúc, lo lắng cho sự an toàn của tuyến đê.

Chị Dương Thị Liên, thôn Quyết Tiến, xã Lâm Xuyên, huyện Sơn Dương, cho biết việc khai thác cát sỏi trên sông Lô khiến nhiều diện tích đất hoa màu của bà con bị sạt lở.

Trước đây, gia đình chị có hơn 1.000 m2 nhưng bị sạt lở chỉ còn khoảng 300 m2. Bờ sông giờ cũng đã tiến gần đến sát chân đê, vừa qua nước lên to mấp mé tràn đê.

Bà con nơi đây mong muốn chính quyền kiên quyết ngăn chặn tình hình trạng khai thác cát sỏi tràn lan ở lòng sông, để người dân yên tâm sản xuất.

Theo bà Dương Thị Phương Nhung - Chủ tịch UBND xã Lâm Xuyên (huyện Sơn Dương), tuyến đê xung yếu qua địa phận xã dài hơn 4km, đã xuất hiện một số vị trí sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực cống Cầu Xa.

UBND xã đã có báo cáo và kiến nghị lên cấp trên để có hướng khắc phục.

Còn tại Vĩnh Phúc, để chống sạt lở đất nông nghiệp đoạn qua xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô, năm 2016 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư dự án kè chống sạt lở với tổng số vốn thực hiện là 19 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay do đất nông nghiệp nằm tiếp giáp với dự án kè tiếp tục bị sạt lở nên nhà thầu không thể thi công dự án theo bản vẽ thiết kế thi công đã được phê duyệt.

Theo chị Nguyễn Thị Loan, thôn Yên Mỹ, xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thái An khai thác cát trên đoạn sông này đã làm sạt lở nhiều diện tích đất nông nghiệp của bà con.

Đặc biệt tuyến đê xung yếu của địa phương trước đây đã từng bị vỡ, được Nhà nước đầu tư xây dựng lại, nay cũng bị sạt lở nhiều nơi. Người dân đã có nhiều kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Ông Dương Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) cũng thừa nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, trong đó có việc nạo vét dòng sông, khai thác cát, sỏi.

Bởi vì bản chất của khai thác cát sỏi là lấy đi cát sỏi của lòng sông, mỗi năm có thể tới hàng triệu khối, khiến mực nước ngày càng tụt sâu, dẫn tới nguy cơ sạt lở càng lớn.

Một nghịch lý là, doanh nghiệp khai thác cát sỏi thu lợi nhuận đã gây sạt lở đê kè, đất ở, bờ soi, đất sản xuất nông nghiệp của người dân, nhưng chính quyền sở tại vẫn tiếp tục cho các đơn vị này hoạt động.

Trong khi đó, hàng năm, nhiều tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước lại được chi ra để xây dựng đê, kè chống sạt lở do chính những hệ lụy từ việc khai thác cát, sỏi tràn lan gây nên./.

(Bài 2: Cấp phép dày đặc nhưng buông lỏng quản lý)

Xem thêm:

>>>Làm rõ việc khai thác cát trái phép trên sông Hồng, sông Luộc theo phản ánh của TTXVN

>>>Báo động khai thác cát quá mức, gây mất an toàn cho hồ Dầu Tiếng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục