Lời giải cho bài toán tín dụng “đen”

15:06' - 17/08/2020
BNEWS Thực tế cho thấy, sự vào cuộc ráo riết của các cơ quan chức năng trong thời gian qua đã phần nào hạn chế những chiếc “vòi bạch tuộc” đang tìm cách xiết cổ những người lỡ sa vào ma trận tín dụng “đen”.

Có ý kiến cho rằng, tín dụng “đen” là vấn nạn quốc gia, cần có chương trình quốc gia để xử lý như chương trình xóa đói giảm nghèo... Điều này đòi hỏi tất cả bộ, ban, ngành phối hợp, cũng như cần sự đồng hành của người dân cùng vào cuộc một cách đồng bộ thì mới giải quyết triệt để được vấn nạn này.

Thực tế cho thấy, sự vào cuộc ráo riết của các cơ quan chức năng trong thời gian qua đã phần nào hạn chế những chiếc “vòi bạch tuộc” đang tìm cách xiết cổ những người lỡ sa vào ma trận tín dụng “đen”.

Tuy nhiên, để ngăn chặn một cách hiệu quả, bên cạnh việc khắc phục những lỗ hổng pháp lý với hoạt động tín dụng “đen” thì việc mở rộng các đối tượng và hình thức tín dụng cũng được xem là một giải pháp căn bản để ngăn chặn tệ nạn này.

Ráo riết ngăn chặn

Bắt 2 đối tượng từ Thanh Hóa vào Bình Định cho vay lãi suất “cắt cổ”; Khởi tố 2 "giang hồ" đất Bắc vào Quảng Bình cho vay với lãi suất "khủng" 365%/năm; Đắk Lắk: Khiếp đảm với cách cho vay lãi suất 480%/năm; Triệt phá đường dây cho 300 người vay nặng lãi với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng; Triệt phá nhóm “tín dụng đen” cho vay lãi 180%/năm; Triệt phá nhóm tín dụng đen F98credit.vn; Tín dụng đen hoành hành hậu COVID-19: Lãi suất "cắt cổ" đến 700%, người vay “dở sống, dở chết”...

Hàng loạt thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng liên quan đến việc triệt phá các đường dây, tổ chức hoạt động tín dụng “đen” khắp trong Nam ngoài Bắc cho thấy sự vào cuộc ráo riết của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sau Chỉ thị 12/CT-TTG 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”; đồng thời cũng cho thấy sự hoành hành của hoạt động tín dụng “cắt cổ” này.

Theo một thống kê từ Tổ chức Ngân hàng Thế giới, 46,8% người Việt Nam có các giao dịch vay mượn, nhưng chỉ có 18% trong số đó là vay từ các tổ chức chính thống như ngân hàng.

Nhiều giao dịch vay mượn của người dân vẫn diễn ra trên thị trường tín dụng “đen”, vốn được cảnh báo có thể gây mất an toàn cho người đi vay, cũng như bất ổn cho xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một bộ phận người dân muốn có ngay khoản tiền cho nhu cầu gấp gáp phục vụ nhu cầu, nhưng lại không đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng.

Song nguyên nhân quan trọng nhất tạo khe hở để tín dụng “đen” vẫn tồn tại là do mức độ hiểu biết của người dân còn hạn chế nên họ chưa thể hình dung được tác động xấu của tín dụng "đen" ảnh hưởng sâu xa thế nào đối với gia đình họ cũng như trật tự an toàn xã hội.

Cũng chính sự hiểu biết hạn chế khiến cho người dân càng dễ mắc bẫy tín dụng “đen”. Trong khi đó quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng “đen” còn vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Có một thực tế hiện hữu là không có tổ chức tài chính, tín dụng chính thống nào sẵn sàng cung cấp các khoản vay theo kiểu "vay 1 triệu đồng, trả lãi 3.000 đồng/ngày”, hay có các khoản vay cho khách hàng dưới chuẩn tiềm ẩn rủi ro cao. Trong khi trên thực tế, đây là các hình thức vay cá nhân với nhu cầu rất cao.

Vì thế, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, các biện pháp giải quyết vấn nạn tín dụng “đen” hiện mới chỉ tiếp cận dưới góc độ nhà quản lý, trong khi tín dụng “đen” lại có thể nảy sinh, tồn tại và phát triển dựa trên cả góc độ pháp lý và trên cơ sở thị trường, hay nói cách khác là cung - cầu.

Chỉ khi nào người dân tiếp cận được nguồn vốn từ kênh tài chính chính thống một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất thì họ sẽ không tìm đến tín dụng “đen”.

Mở rộng tín dụng đáp ứng nhu cầu

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc khắc phục những lỗ hổng pháp lý với hoạt động tín dụng “đen” thì việc mở rộng các đối tượng tín dụng cũng được xem là một giải pháp ngăn chặn tệ nạn này.

Trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước được biết, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bị giảm doanh thu, thu nhập hoặc phải hoạt động cầm cự, thậm chí nguy cơ phá sản, ngành ngân hàng đã có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Qua đó, giảm áp lực trả nợ vay đến hạn trong bối cảnh khó khăn, góp phần hạn chế người dân tìm đến tín dụng “đen”.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2018; trong đó nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ nhằm đáp ứng tốt hơn nguồn vốn cho người dân tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi tín dụng “đen” hoạt động mạnh.

Với quan điểm đó, các ngân hàng phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp với lãi suất hợp lý; tiếp tục cải tiến, đổi mới, hiện đại hóa quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo hướng đơn giản hóa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.

 

 

Triển khai từ tháng 9/2019, Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã cung cấp cho nông dân sản phẩm dịch vụ cho vay thấu chi qua thẻ ATM với hạn mức 30 triệu đồng. Việc triển khai Đề án này của Agribank có ý nghĩa quan trọng đẩy lùi nạn tín dụng “đen”, góp phần gia tăng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Cầm trên tay tấm thẻ thấu chi của Agribank để thanh toán hơn chục bao phân bón, anh Nguyễn Công Bằng ở xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường (Long An) chia sẻ: “Thực sự, tôi chẳng nghĩ có ngày nông dân như chúng tôi được cầm thẻ thấu chi ra đại lý mua hàng. Trước nay tôi nghĩ thẻ thấu chi chỉ dành cho cán bộ, công chức, chứ ai nghĩ nông dân giờ cũng... “sang” thế này!”.

“Có cái này đỡ nhiều lắm!”, xoay xoay tấm thẻ trên tay, đôi mắt hiền lành, chân chất trên khuôn mặt đen sạm của người nông dân miền Tây đã từng một thời lao đao vì gánh nặng nợ nần như còn vương sự xúc động.

“Không chỉ là vấn đề tiền bạc đâu, trong tấm thẻ này, thực sự tôi còn thấy cả sự thấu hiểu, chia sẻ của ngân hàng với nông dân, bởi trồng lúa như nhà nông chúng tôi thì chỉ có tiền vào mùa thu hoạch, trong khi nhu cầu thì trăm thứ bà rằn mỗi ngày. Có món phát sinh đột xuất thì chỉ vay lãi hoặc ký nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, cứ loanh quanh thế mà dính vào tín dụng “đen” lúc nào không hay!”.

Theo ông Nguyễn Kim Thài, Giám đốc Agribank Long An, sản phẩm thẻ thấu chi với hạn mức lên đến 30 triệu đồng dành cho các đối tượng là khách hàng cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp và đặc biệt là sự quan tâm của nông dân.

Dễ dàng tiếp cận với thủ tục mở thẻ đơn giản, không cần thế chấp, chính sách lãi suất ưu đãi khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn, việc sử dụng thẻ thấu chi để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, học phí, viện phí, thanh toán mua hàng tại các cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, bách hóa, cơ sở sửa chữa máy nông ngư cơ, siêu thị... đã giúp nông dân giải quyết cơ bản những nhu cầu thiết yếu, đặc biệt trong lúc chờ tới mùa vụ thu hoạch. Từ đó, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng “đen” trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Lý, Nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam cũng cho biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo…

LienVietPostBank cũng đang xây dựng hệ thống app ứng dụng cho vay online phục vụ trên 24/7. Thông qua ứng dụng này, người dân có thể khai báo nhân thân của mình, nhu cầu vay... sau đó ngân hàng sẽ kiểm tra, thẩm định hồ sơ vay vốn và sẽ trả lời có cho vay hay không; nếu được vay thì vay bao nhiêu…

Thời gian duyệt thì phụ thuộc vào bộ lọc của app và tùy vào người khai báo, hạn mức có thể từ 20-50 triệu đồng, nếu điểm tín dụng cao thì hạn mức tăng lên gấp đôi, nhưng hạn mức vay đều trong ngưỡng an toàn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, ngành ngân hàng đã tích cực vào cuộc cùng với các bộ, ngành, chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn đẩy lùi nạn tín dụng “đen”.

Về khung khổ pháp lý, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty tài chính, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của loại hình này thông qua quản lý về quy mô, điều kiện kinh doanh, phạm vi địa bàn hoạt động, khuôn khổ lãi suất… để ngăn chặn tình trạng và nguy cơ mất an toàn và tiếp tay cho tín dụng “đen” hoạt động; khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân; phát triển các sản phẩm cho vay tín dụng tiêu dùng lành mạnh, đặc biệt sản phẩm tín dụng trong sinh hoạt đối với các vùng công nghiệp, khu vực đông dân...

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã nghiên cứu để đưa ra thực hiện gói tín dụng tiêu dùng cho người nghèo và các đối tượng chính sách để đề xuất sửa đổi, nâng mức cho vay kéo dài thời gian cho vay phù hợp đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách; đồng thời nắm sát hoạt động cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tích cực phối hợp với Bộ Công an, các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của ngành ngân hàng về các chương trình chính sách tín dụng, cách thức tiếp cận vốn vay; đồng thời cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy nặng nề mà tín dụng “đen” gây ra.

Tuy nhiên, để hạn chế, đẩy lùi tín dụng “đen”, không chỉ ngành ngân hàng mà cần sự phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương tuyên truyền chính sách, pháp luật về hoạt động ngân hàng, các quy định pháp luật về phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng “đen” tới các tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Cùng đó, các ngành liên quan đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức về tài chính ngân hàng và khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đối với công chúng, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, hạn chế người dân phải tìm đến tín dụng phi chính thức./.

>>Bài 1: Ma trận tín dụng “đen” giăng bẫy

>>Bài 2: Thủ đoạn lách luật và chiêu trò thời công nghệ

>>Bài 3: Vì sao khó triệt tận gốc tín dụng “đen”?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục