SSI nhận định nhiều nhóm ngành có thể bị ảnh hưởng tiêu cực vì dịch vius Corona

16:56' - 03/02/2020
BNEWS Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra diễn biến ngày càng phức tạp, hàng loạt nhóm ngành được dự báo sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn.
SSI nhận định nhiều nhóm ngành có thể bị ảnh hưởng tiêu cực vì dịch vius Corona. Ảnh minh họa: TTXVN
Báo cáo Đánh giá tác động của dịch nCoV tới các nhóm ngành, do Công ty cổ phần Chứng khoán SSI công bố ngày 3/2 cho rằng, trong bối cảnh xuất nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, bất kỳ sự gián đoạn nào đến từ các nhà cung ứng quan trọng như Trung Quốc có thể sẽ là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam đã đóng cửa một số cửa khẩu đến Trung Quốc (Lào Cai, Lạng Sơn…) cho đến ngày 8/2/2020. Điều này, đồng nghĩa với việc hạn chế giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam ở một mức độ nhất định. Thêm vào đó, Việt Nam đã thực hiện hạn chế cấp thị thực đối đối với những khách đến từ các khu vực tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi virus Corona.

Với diễn biến trên, các chuyên gia của SSI nhận định, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và hoạt động du lịch sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi, ít nhất là trong ngắn hạn. Trong 23 nhóm ngành do SSI khảo sát, có tới 10 nhóm ngành sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do nCoV, bao gồm ngân hàng, dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không. Trong khi đó, chỉ có 4 ngành được đánh giá tích cực là dược phẩm, công nghệ thông tin, điện và nước.

Chẳng hạn đối với ngành dệt may, SSI cho rằng, dịch bệnh không có tác động trực tiếp đến nhu cầu các sản phẩm may mặc, tuy nhiên, GDP Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể gây tác động tiêu cực trong dài hạn lên tiêu dùng. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa trong tháng 1 và 2. Hiện tại, Trung Quốc là thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam.

Với ngành bán lẻ, lượt khách mua sắm tại các cửa hàng sẽ giảm do người tiêu dùng hạn chế đến những nơi công cộng để tránh khả năng lây nhiễm và tiêu dùng sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cần thiết (dược phẩm) thay vì các mặt hàng như ICT. Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng có thể sẽ chuyển từ thương mại truyền thống (chợ truyền thống) sang hình thức thương mại hiện đại và mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn vệ sinh

Nhu cầu tiêu dùng bia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, do người tiêu dùng tránh đến những nơi công cộng, giảm tụ tập và chi tiêu bên ngoài.

Trong báo cáo Triển vọng VN-Index tháng 2/2020, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cũng cho rằng, từ nay đến thời điểm dịch bệnh được khống chế, các hoạt động kinh tế và thị trường tài chính được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều thử thách.

VN-Index được dự báo sẽ vận động khó khăn trong tháng 2 trong bối cảnh nhà đầu tư bi quan về dịch nCoV và triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2020. Trong trường hợp tiêu cực, VN-Index có thể kiểm định mốc tâm lý quan trọng 900-910 điểm.

Theo các chuyên gia của Mirae Asset, đà giảm của VN-Index có thể chững lại hoặc gia tăng cường độ tùy thuộc vào tiến trình khống chế dịch nCoV. Nhóm doanh nghiệp dịch lữ hành – hàng không, bất động sản nghỉ dưỡng – khách sạn, bán lẻ, xuất khẩu (phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc), năng lượng – dầu khí được dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch này trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư cần cẩn thận khi đầu tư, tuy nhiên cũng không nên quá bi quan với thị trường. Thị trường chứng khoán vẫn có những điểm sáng hấp dẫn nhà đầu tư. Đặc biệt, với kết quả kinh doanh quý 4/2019 khá tích cực ở nhóm bất động sản, ngân hàng, công nghệ thông tin, bán lẻ; triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp Việt Nam 2020 mặc dù chịu nhiều áp lực nhưng cơ bản vẫn đạt mức tích cực… sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường trong thời gian tới./.

Cập nhật tin tức mới nhất về dịch do virus Corona tại đây

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục