Sự cố máy tính toàn cầu Microsoft gây tê liệt hoạt động ở nhiều lĩnh vực

19:35' - 19/07/2024
BNEWS Một sự cố công nghệ toàn cầu của Microsoft đã khiến các chuyến bay bị hoãn, nhiều ngân hàng ngừng hoạt động và các phương tiện truyền thông ngắt sóng trong ngày 19/7.

Đây là sự gián đoạn lớn ảnh hưởng đến nhiều công ty và dịch vụ trên toàn thế giới và cho thấy sự phụ thuộc vào phần mềm từ một số ít nhà cung cấp.

 

Sự cố máy tính quy mô lớn này đã gây ra tình trạng gián đoạn nghiêm trọng trên các máy tính được trang bị Windows, hiển thị màn hình lỗi màu xanh đặc trưng của hệ điều hành này.

Báo cáo đầu tiên vào đêm 18 và rạng sáng 19/7 tại Australia, sự cố đã làm ảnh hưởng đến các hệ thống máy tính trên toàn thế giới, buộc nhiều hãng hàng không và sân bay phải tạm dừng các chuyến bay. Các lĩnh vực khác cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sự cố toàn cầu này.

Công ty an ninh mạng CrowdStrike cho biết nguyên nhân gây ra sự cố nói trên không phải là sự cố bảo mật hoặc tấn công mạng. Sự cố này đã ảnh hưởng đến các ứng dụng và dịch vụ Microsoft 365 và tình trạng gián đoạn vẫn lan rộng hàng giờ sau khi Microsoft cho biết đang dần khắc phục.

Microsoft 365 đã đăng trên mạng xã hội X rằng công ty đang "chuyển hướng lưu lượng truy cập bị ảnh hưởng sang các hệ thống thay thế để giảm thiểu tác động một cách nhanh chóng hơn". Nhưng công ty này không giải thích thêm về nguyên nhân gây ra sự cố mất điện.

Các hãng tin ở Australia cho biết nhiều hãng hàng không, nhà cung cấp viễn thông và ngân hàng, cũng như các đài phát thanh truyền hình đã bị gián đoạn do không thể truy cập vào hệ thống máy tính. Tại các sân bay của Australia, các dịch vụ check-in trực tuyến và các khu tự phục vụ bị vô hiệu hóa. Hành khách ở Melbourne phải xếp hàng hơn một giờ để làm thủ tục check-in, mặc dù các chuyến bay vẫn hoạt động.

Ở Mỹ, Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) cho biết các hãng hàng không United, American, Delta và Allegiant đều đã bị hoãn chuyến.

Nhiều hãng hàng không, đường sắt và đài truyền hình ở Vương quốc Anh cũng đang bị gián đoạn do các vấn đề về máy tính. Hãng hàng không giá rẻ Ryanair, các nhà điều hành tàu hỏa TransPennine Express và Govia Thameslink Railway, cũng như đài truyền hình Sky News nằm trong số những đơn vị bị ảnh hưởng.

Trong ngày 19/7, nhiều sân bay và hệ thống đường sắt tại Anh đã bị gián đoạn hoạt động do lỗi sự cố công nghệ thông tin toàn cầu xảy ra đối với hệ thống máy tính sử dụng hệ điều hành Windows. Hành khách tại các sân bay của Anh bao gồm Heathrow, London Gatwick và Luton đã phải chờ đợi nhiều giờ để làm thủ tục chuyến bay do hệ thống làm thủ tục hàng không và hệ thống không lưu ngừng hoạt động.

Trong khi đó, các chuyến tàu Thameslink và Southern do công ty điều hành mạng lưới đường sắt lớn nhất tại Anh Govia Thameslink Railway (GTR) vận hành cũng không thể hoạt động do lỗi của hệ thống liên lạc.

Trong khi chờ khắc phục sự cố, các hãng hàng không đã chuyển sang sử dụng hệ thống làm thủ tục dự phòng kết hợp các biện pháp thủ công, đồng thời khuyến cáo hành khách nên đến sân bay sớm hơn thường lệ để tránh chậm chuyến.

Sân bay Heathrow cho biết việc ngừng hoạt động đã ảnh hưởng đến các hệ thống chọn lọc, nhưng các chuyến bay vẫn đang hoạt động và sân bay đang triển khai các kế hoạch dự phòng để giảm thiểu tác động nào đối với các hành trình.

Thông tin từ công ty phân tích dữ liệu hàng không Cirium cho biết, tính đến 11 giờ trưa theo giờ Anh (17 giờ Việt Nam), trên toàn cầu đã có 1.390 chuyến bay bị hủy. Tại Anh, có hơn 3.200 chuyến bay khởi hành từ Anh đã được lên lịch vào thứ Sáu, ngày bận rộn nhất của ngành hàng không kể từ năm 2019.

Sân bay Edinburgh cho biết sự cố mất kết nối hệ thống khiến thời gian chờ đợi lâu hơn bình thường. Sân bay Stansted ở London cho biết một số dịch vụ check-in của các hãng hàng không đang được thực hiện thủ công, nhưng các chuyến bay vẫn hoạt động.

Hoạt động hàng không ở Ấn Độ cũng bị gián đoạn, ảnh hưởng đến hàng nghìn người. Nhiều hãng hàng không cho biết đang thực hiện thủ tục check-in và lên máy bay thủ công, đồng thời cảnh báo về sự chậm trễ do các vấn đề kỹ thuật.

Trên mạng xã hội X, IndiGo - hãng hàng không lớn nhất Ấn Độ tính theo thị phần, cho biết hệ thống của hãng hiện đang chịu ảnh hưởng do sự cố ngừng hoạt động dịch vụ đám mây của Microsoft. Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ SpiceJet cho biết đã phải triển khai các thủ tục đăng ký lên máy bay cho hành khách bằng cách viết tay thông tin. Dịch vụ đặt chỗ và làm thủ tục trực tuyến của hãng Akasa Air cũng bị ảnh hưởng.

Cơ quan Quản lý Cảng hàng không Hong Kong cho biết sự cố trên đang ảnh hưởng đến một số hãng hàng không tại sân bay ở đây và các hãng này đã chuyển sang thủ tục check-in thủ công.

Sân bay Schiphol của Amsterdam (Hà Lan) cho biết sự cố mất kết nối đang có “tác động lớn đến các chuyến bay” đến và đi từ trung tâm giao thông nhộn nhịp của Châu Âu này. Sự cố xảy ra vào một trong những ngày cao điểm nhất trong năm đối với sân bay Schiphol, vào thời điểm bắt đầu kỳ nghỉ hè của nhiều người.

Còn tại Pháp, nới sắp diễn ra Thế vận hội mùa hè Paris 2024, các hoạt động thông tin liên quan đến sự kiện lớn này cũng đã bị ảnh hưởng từ sự cố toàn cầu. “Các đội kỹ thuật của Paris 2024 đã được huy động đầy đủ để hạn chế các tác động và chúng tôi đã kích hoạt các kế hoạch dự phòng để đảm bảo tiếp tục hoạt động của mình”, Ban tổ chức Paris 2024 cho biết trong một thông cáo báo chí.

Hãng hàng không quốc gia Air France cho biết hoạt động bay của hãng này đã “bị gián đoạn ở một số điểm” nhưng không nêu rõ điểm đến nào bị ảnh hưởng. Theo Cơ quan quản lý cảng hàng không Paris (ADP), các chuyến bay khởi hành từ/đến sân bay Charles-de-Gaulle và Orly, những điểm nhập cảnh chính vào Pháp để tham dự Thế vận hội Paris 2024, vẫn hoạt động bình thường.

Theo cơ quan này, ứng dụng và trang web của Air France không có dấu hiệu bị thay đổi, nhưng các nền tảng điện thoại quan hệ khách hàng “có thể bị gián đoạn” và đội ngũ chuyên trách của hãng “đang làm việc để giải quyết tình trạng này nhanh nhất có thể”.

Về phần mình, hãng hàng không KLM của Hà Lan, thành viên của tập đoàn Air France-KLM, tuyên bố buộc phải tạm dừng “phần lớn hoạt động” do không thể quản lý các chuyến bay.

Hiện tại, mạng lưới đường sắt SNCF chưa gặp phải bất kỳ khó khăn cụ thể nào.

Sự cố máy tính cũng đã ảnh hưởng đến các kênh truyền hình Pháp, trong đó có TF1 và Canal+. Chương trình “Chào buổi sáng!” của TF1 đã phải bắt đầu muộn, trong khi việc phát sóng các phóng sự đã không thể thực hiện được.

Sáng 19/7, chương trình phát sóng một số kênh chuyên đề (Canal360, Canal+ Sport, Canal+ Foot, Infosport+) của Canal+ đã bị gián đoạn nghiêm trọng, đồng thời các kênh miễn phí của tập đoàn này cũng gặp phải sự cố kỹ thuật rõ ràng, nhưng ở mức độ thấp hơn. “Tất cả các nhóm làm việc của chúng tôi được huy động mạnh mẽ để giải quyết sự cố trong thời gian nhanh nhất có thể”, tập đoàn này thông báo trên tài khoản X.

CERT-FR, trung tâm giám sát an ninh mạng và sự cố máy tính của Pháp đã thông báo về sự cố máy tính trên mạng xã hội, cho rằng hiện tại “chưa có yếu tố nào cho thấy sự cố có liên quan đến một cuộc tấn công máy tính”.

Tại Đức, sân bay Berlin sáng 19/7 thông báo với hành khách về trục trặc kỹ thuật làm trì hoãn và kéo dài khâu làm thủ tục lên máy bay. Sân bay cũng đã yêu cầu tạm ngừng bay đối với nhiều chuyến, cho đến 10h00 sáng cùng ngày theo giờ địa phương. Tại sân bay quốc tế Leonardo da Vinci gần thủ đô Rome (Italy), một số chuyến bay đến Mỹ đã bị trễ giờ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục