Sử dụng hiệu quả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

12:33' - 27/07/2018
BNEWS Nếu tính chung hiệu suất sử dụng phân hóa học là 50% thì Việt Nam lãng phí tương đương 2 tỷ USD/năm.
Hội nghị “Phân bón và Thuốc vào vệ thực vật”. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Tại hội nghị “Phân bón và Thuốc vào vệ thực vật” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 27/7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch, Tổng Thứ ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hiện nay là yêu cầu cấp thiết.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, vấn đề không chỉ là hiệu quả kinh tế dù chi phí phân bón chiếm tới gần 50% tổng giá thành của sản phẩm trồng trọt mà còn là chất lượng của nông sản phẩm. Hơn nữa, còn liên quan đến vấn đề bảo vệ tài nguyên và môi trường vì hầu hết phân vô cơ (trừ đạm) đều được sản xuất từ các nguyên liệu hoá thạch, không tái tạo.
Sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón ở Việt Nam còn nhiều thách thức mới phát sinh trong quá trình hướng đến phát triển sản xuất bền vững, sản xuất sạch an toàn trước diễn biến của biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, hiệu quả sử dụng phân bón chưa cao. Hiệu suất sử dụng chỉ đạt trung bình từ 45 – 50% với phân đạm, 25 – 35% với lân và khoảng 60% với kali. Trên phạm vi toàn cầu, trung bình hiệu suất sử dụng đạm chỉ đạt 40%.
"Như vậy, nếu tính chung hiệu suất sử dụng phân hóa học là 50% thì chúng ta lãng phí tương đương 2 tỷ USD/năm. Đó là chưa kể, lượng phân bón sử dụng quá nhu cầu của cây trồng còn làm tăng nguy cơ dịch bệnh và hậu quả là chúng ta phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn và năm sau lại cao hơn năm trước. Ngoài ra, lãng phí phân bón còn làm giảm chất lượng nông sản, ô nhiễm nguồn nước và tăng lượng khí thải nhà kính, đặc biệt từ phân đạm, phân hữu cơ và đất rơm rạ.", ông Nguyễn Trí Ngọc đánh giá.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, ông Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, cần nghiên cứu và áp dụng các loại phân bón phù hợp, phân bón mới, phân bón chức năng (như áp dụng công nghệ nano; phân bón nhả chậm…). Nghiên cứu quy trình phân bón hợp lý, cân đối và quản lý dinh dưỡng tổng hợp. Đồng thời, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón 5 đúng và 1 cần; thường xuyên đào tạo và tập huấn cho nông dân. Bên cạnh đó, khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn phân bón hữu cơ.
Với thuốc bảo vệ thực vật, cần nghiên cứu và áp dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị cho từng loại đối tượng gây hại. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học và thảo mộc để hạn chế tác hại của thuốc đến môi trường, cây trồng, sinh vật và con người. Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
Nông dân cần thăm đồng và đánh giá thường xuyên mức độ gây hại của các đối tượng gây hại để có các biện pháp kịp thời để phòng ngừa và ngăn chặn dịch lây lan. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chú trọng việc áp dụng nguyên tắc “4 đúng”… từ đó hạn chế mức thấp nhất việc dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Song hành với đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường quản lý, kiểm soát kinh doanh cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để nông dân được sử dụng những sản phẩm tốt và hiệu quả.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, nông dân cần sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, hiệu quả. Khi sử dụng phân bón không đúng cách sẽ gây gia tăng sâu bệnh và như vậy, nông dân lại phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, cần tăng cường hướng dẫn, tập huấn cho họ để họ sản xuất hợp lý, nâng cao được hiệu suất sử dụng và an toàn.
Nhu cầu phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho nông nghiệp ở nước ta rất lớn. Mỗi năm nhu cầu sử dụng khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại; trong đó, phân bón vô cơ chiếm khoảng 90% nhu cầu. Thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm sử dụng trung bình 100.000 tấn.
Tuy nhiên, ngành phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang tồn tại nhiều khó khăn, thách thức bởi đang có sự mất cân đối nghiêm trọng. Trong số 4.000 sản phẩm thuốc bảo vật thực vật, chỉ có 19% là thuốc sinh học, còn lại là thuốc hoá học; phân bón vô cơ chiếm khoảng 90% tổng nhu cầu hàng năm. Trong khi đó, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và phân bón vô cơ vẫn đang diễn ra ở nhiều đia phương. Thị trường phân bón và thuốc bảo vệ thực vật còn phức tạp, hàng giả, kém chất lượng, bao bì nhãn mác mập mở đang làm méo mó thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục