Sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua

08:22' - 02/02/2025
BNEWS Mỹ áp thuế hàng nhập từ Canada, Mexico và Trung Quốc; DeepSeek tạo "cơn địa chấn" trên thị trường công nghệ toàn cầu; Fed giữ nguyên lãi suất... là những sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

1. Mỹ sẽ áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico cùng thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc từ ngày 1/2 nhằm gây áp lực buộc ba nước này giảm thâm hụt thương mại với Mỹ và trấn áp hoạt động buôn bán fentanyl (một loại thuốc giảm đau).

Các nhà kinh tế nhận định rằng động thái của Mỹ làm tăng giá hàng hóa trong nước bởi ba nước này chiếm khoảng 40% tổng lượng nhập khẩu của Mỹ vào năm 2023. Các quan chức Canada, Trung Quốc và Mexico tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả.

2. DeepSeek tạo "cơn địa chấn" trên thị trường công nghệ toàn cầu. Mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mã nguồn mở do công ty khởi nghiệp DeepSeek (Trung Quốc) công bố vào dịp Tết Nguyên đán đã vượt qua ChatGPT để đứng số một trong App Store của Apple và làm dấy lên những câu hỏi về vị thế của các tập đoàn công nghệ phương Tây cũng như tương lai của AI. Sự ra mắt ấn tượng của DeepSeek do ông Liang Wenfeng sáng lập khiến cổ phiếu của các "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ như NVIDIA giảm tới 17% trong phiên 27/1.

3. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25-4,5% khi kết thúc cuộc họp hai ngày (28-29/1) và cho biết sẽ không vội cắt giảm lãi suất thêm nữa, trong bối cảnh lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 30/1, đưa lãi suất tiền gửi xuống 2,75%. Đây là lần thứ 5 liên tiếp kể từ tháng 6/2024 ECB hạ lãi suất giữa bối cảnh kinh tế Eurozone trì trệ.

4. Xuất khẩu gạo của Thái Lan có thể chỉ đạt khoảng 7,5 triệu tấn trong năm 2025, giảm đáng kể so với mức 9,95 triệu tấn vào năm ngoái do sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Anukool Pruksanusak cho biết nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, trong khi trên thế giới sản lượng gạo đang tăng ở cả nước xuất khẩu và nhập khẩu nhờ tình hình hạn hán lắng xuống.

5. Đầu tư năng lượng sạch toàn cầu đạt kỷ lục 2.100 tỷ USD trong năm 2024, theo báo cáo “Các xu hướng đầu tư chuyển đổi năng lượng năm 2025” do Bloomberg NEF thực hiện. Bloomberg BNEF nhận định trong giai đoạn từ năm 2025-2030, tổng mức đầu tư toàn cầu cho chuyển đổi năng lượng cần ước đạt khoảng 5.600 tỷ USD/năm. Trong giai đoạn này, dự báo Trung Quốc vẫn là nước đứng đầu về tăng trưởng nguồn lực đầu tư, tiếp theo đó là Đức và Anh.

6. Hãng sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota dẫn đầu doanh số toàn cầu 5 năm liên tiếp nhờ bán ra hơn 10,82 triệu xe trên toàn cầu trong năm 2024. Toyota đã vượt qua Volkswagen (Đức) với doanh số bán chỉ đạt hơn 9 triệu xe.

7. Số người thất nghiệp ở Đức cao nhất trong 10 năm với 2,993 triệu người trong tháng 1/2025, tăng 187.000 người so với tháng 1/2024 trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu suy yếu đã ảnh hưởng đến thị trường lao động.

8. Giá vàng thế giới lập đỉnh mới 2.817,23 USD/ounce trong phiên 31/1 khi nhu cầu tìm kiếm “tài sản trú ẩn an toàn” gia tăng do lo ngại về các biện pháp thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định áp đặt, có khả năng kiềm chế tăng trưởng toàn cầu và tạo áp lực lạm phát. Kết thúc tháng 1/2025 giá vàng tăng hơn 7%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2024.

9. Giá cà phê Arabica tăng lên mức cao chưa từng có 3,7685 USD/lb (1 lb = 0,454 kg) trong phiên 30/1 sau khi Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, thông báo sắp cạn nguồn cung xuất khẩu và những lo ngại về vụ thu hoạch sắp tới vẫn tiếp diễn. Tính từ đầu năm tới nay giá cà phê Arabica đã tăng 15%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục