SỰ KIỆN KINH TẾ THẾ GIỚI NỔI BẬT TUẦN QUA

08:02' - 13/04/2025
BNEWS Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng đối với hơn 75 đối tác thương mại, trừ Trung Quốc, trong 90 ngày; Giá vàng thế giới phá ngưỡng 3.200 USD/ounce... là một số sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
1. Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng đối với hơn 75 đối tác thương mại, trừ Trung Quốc, trong 90 ngày. Quyết định được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra chỉ vài giờ sau khi có hiệu lực trong ngày 9/4 do lo ngại các sắc thuế này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế toàn cầu. Động thái bất ngờ của Mỹ đã khiến thế giới "thở phào", song lại làm gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

2. Giá vàng thế giới phá ngưỡng 3.200 USD/ounce trong phiên 11/4 do nỗi lo suy thoái lan rộng đã thúc đẩy dòng tiền đổ mạnh vào thị trường kim loại quý này như một bến đỗ an toàn. Vàng đang được xem là tài sản trú ẩn được ưa chuộng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump khiến thế giới đảo lộn.

3. Apple để mất vị trí công ty có giá trị nhất lớn thế giới vào ngày 8/4, sau khi cổ phiếu của “gã khổng lồ” công nghệ giảm mạnh một ngày trước thời điểm mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực. Cổ phiếu Apple mất 5% trong ngày 8/4, khiến giá trị vốn hóa của hãng sản xuất iPhone giảm xuống dưới 2.600 tỷ USD, thấp hơn mức 2.650 tỷ USD của Microsoft - công ty phần mềm danh tiếng đang nổi lên như đối thủ số một về giá trị thị trường.

4. Khối tài sản của tỷ phú Elon Musk “bốc hơi” gần 135 tỷ USD tính từ đầu năm đến ngày 7/4 do giá cổ phiếu Tesla giảm hơn 50% so với mức cao kỷ lục hồi giữa tháng 12 năm ngoái. Chỉ riêng trong ngày 7/4 ông Musk đã mất 4,4 tỷ USD, khiến giá trị tài sản của ông chủ Tesla lần đầu tiên giảm xuống dưới 300 tỷ USD kể từ tháng 11/2024. Ông Musk đứng thứ sáu trong danh sách những người chịu thiệt hại lớn nhất tính theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg (gồm 500 người giàu nhất thế giới).

5. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo thuế quan của Mỹ có thể làm giảm đáng kể tăng trưởng của khu vực, đồng thời khuyến nghị các nước châu Á tăng cường hợp tác nội khối và đối thoại với Mỹ để giảm thiểu tác động tiêu cực. Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á công bố ngày 9/4, với các số liệu được tính toán trước khi Tổng thống Donald Trump công bố về thuế quan vào ngày 2/4, ADB dự báo tăng trưởng ở khu vực châu Á đang phát triển sẽ giảm nhẹ từ mức 5,0% trong năm 2024 xuống 4,9% trong năm 2025 - tốc độ chậm nhất kể từ năm 2022, sau đó giảm xuống 4,7% vào năm 2026.

6. Số doanh nghiệp Mỹ phá sản tăng lên mức cao nhất trong 15 năm vào quý I/2025. Theo Công ty phân tích thị trường S&P Global Market Intelligence, tính đến hết quý I/2025 đã có 188 công ty lớn nộp đơn xin phá sản, vượt xa con số 139 của cùng kỳ năm ngoái và chỉ kém kỷ lục 254 đơn của quý I/2010.

7. Giá gạo xuất khẩu từ Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm. Nguyên nhân được cho là do động thái áp thuế nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump và tình trạng dư cung trên thị trường. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm xuống 395-400 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022.

8. Thuế quan sẽ gây thiệt hại 108 USD cho ngành ô tô Mỹ, theo nghiên cứu mới của Trung tâm Nghiên cứu Ô tô (CAR), có trụ sở tại Ann Arbor, Michigan. Mức thuế 25% đối với ô tô do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt hồi đầu tháng Tư sẽ làm mỗi chiếc xe sản xuất trong nước sẽ tốn thêm gần 5.000 USD chi phí do thuế quan áp dụng lên các linh kiện nhập khẩu, còn mỗi chiếc xe nhập khẩu sẽ tăng thêm khoảng 8.600 USD.

9. Argentina đạt thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế về khoản vay 20 tỷ USD. Bộ trưởng Kinh tế Argentina, Luis Caputo, cho biết khoản vay này sẽ cho phép "tái cấp vốn cho Ngân hàng trung ương để củng cố giá trị đồng nội tệ và để tiếp tục quá trình giảm lạm phát. Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng kèm việc nới lỏng kiểm soát ngoại hối cũng như dỡ bỏ quản lý biến động giá trị đồng nội tệ peso so với đồng USD.

10. Chính phủ Anh hành động khẩn cấp để cứu nhà máy thép chiến lược Scunthorpe thuộc tập đoàn thép British Steel. Ngày 12/4 Thủ tướng Anh Keir Starmer đã triệu tập Quốc hội nước này họp khẩn để đẩy nhanh việc thông qua một dự luật nhằm cứu nhà máy sản xuất thép Scunthorpe trước nguy cơ đóng cửa. Nhà máy Scunthorpe có vai trò thiết yếu đối với cơ sở hạ tầng công nghiệp và chiến lược của quốc gia. Đây là nhà máy thép cuối cùng tại Anh còn khả năng sản xuất thép từ quặng sắt.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục