Sự trỗi dậy của các nền kinh tế Đông Âu

06:30' - 15/09/2021
BNEWS Sự thụt lùi về chính trị của Đông Âu, vốn đang bị chỉ trích là nơi ươm mầm chủ nghĩa dân túy, đặc biệt là ở Ba Lan và Hungary, lại khiến sự phát triển kinh tế của khu vực này trở nên hấp dẫn hơn.

Hiếm có nền kinh tế nào nào có thể tiến từ mức nghèo đói lên giàu có. Trong số 195 nền kinh tế được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, chỉ có 39 nền kinh tế được xếp vào nhóm "tiên tiến".

Trong số này, chỉ có 18 nền kinh tế tiếp tục lọt vào danh sách các nền kinh tế "tiên tiến" sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và thường có xu hướng tập trung thành các khu vực. Đầu tiên là Nam Âu, trong đó có Hy Lạp và Bồ Đào Nha; tiếp theo là Đông Á, dẫn đầu là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Và giờ đây, tiêu điểm mới là Đông Âu.

Trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ gần đây bước vào nhóm "tiên tiến", 4 trong số đó là các quốc gia nhỏ hoặc vùng lãnh thổ như Puerto Rico và San Marino. Số còn lại là các nước Đông Âu như Cộng hòa Czech, Slovakia, Litva, Latvia, Estonia và Slovenia. Nền kinh tế lớn gần đây nhất (top 25 thế giới tính theo GDP) được xếp hạng "tiên tiến" là Hàn Quốc vào năm 1997, và nền kinh tế tiếp theo có thể sẽ đến từ Đông Âu.
Mặc dù định nghĩa nền kinh tế "tiên tiến" của IMF bao gồm chất lượng về thể chế và các yếu tố chủ quan khác, song các quốc gia Đông Âu có một điểm chung là thu nhập bình quân đầu người đạt mức trên 17.000 USD. Trong số ít các quốc gia gần đạt đến ngưỡng này, quốc gia lớn duy nhất là Ba Lan, với thu nhập bình quân đầu người trên 15.000 USD. Hungary là gần 16.000 USD và Romania là 13.000 USD.
Bí quyết để trở thành nền kinh tế phát triển là liên tục tăng trưởng mạnh. Trong một thập kỷ sau chiến tranh, thu nhập trung bình của hầu hết các nền kinh tế mới nổi đều tụt hậu so với các nước phát triển. Sau một thập kỷ phát triển mạnh, thông thường các nền kinh tế khó có thể lặp lại một thời kỳ tiếp theo như vậy. Thách thức này ngày càng trở nên gay gắt hơn trong thời kỳ đảo ngược toàn cầu hóa, với thương mại và dòng vốn chậm lại.
Trong bối cảnh này, Đông Âu đã nổi lên. Trong ba thập kỷ qua, Ba Lan đạt mức tăng trưởng trung bình hơn 4%/năm mà không năm nào có tăng trưởng âm (thời kỳ trước đại dịch). 

Giống như Đông Á, chìa khóa cho tăng trưởng dài hạn của Đông Âu là năng lực sản xuất. Sản xuất có thể tạo ra nguồn thu từ xuất khẩu thường xuyên, mà sau đó được tái đầu tư vào các nhà máy và đường sá mới. Sản xuất có thể trở thành một động lực tăng trưởng cho khu vực này.

Trong số 18 nền kinh tế đạt hạng "tiên tiến" sau năm 1945, không có nước nào xuất khẩu dầu mỏ hoặc các mặt hàng có xu hướng tăng giá và gây bất ổn cho tăng trưởng. Bốn trong số các nền kinh tế này là các trung tâm tài chính hoặc du lịch nhỏ như Macau (Trung Quốc). Số còn lại là các "nền kinh tế công xưởng", trong đó sản xuất chiếm khoảng 15-25% GDP và chiếm khoảng 60% xuất khẩu, hoặc cao hơn.

Các nền kinh tế Đông Âu đang phát triển thuộc nhóm này và lĩnh vực sản xuất của họ chủ yếu dựa vào các nhà máy xuất khẩu gần các thị trường Tây Âu. Nhiều xe ô tô cao cấp của Đức được sản xuất tại Hungary hoặc Romania. Ba Lan xuất khẩu không thiếu thứ gì, từ phụ tùng ô tô tới màn hình.

Kinh tế kỹ thuật số hiện đang phát triển nhanh nhất tại các nền kinh tế đang phát triển và Ba Lan là một trong những nước đi đầu. Xét về tỷ lệ doanh thu kinh tế kỹ thuật số trong tỷ trọng GDP, Ba Lan nằm trong top 20 các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đối với các nhà đầu tư, Ba Lan nổi lên như một quốc gia với các công ty đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính), trò chơi và các ngành kỹ thuật số khác.

Trong giai đoạn 1989-2020, ước tính dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy, 6 quốc gia Đông Âu gần đây lọt vào danh sách các nền kinh tế "tiên tiến" đã nhận được trợ cấp hàng năm từ EU với tỷ lệ trung bình chiếm hơn 1% GDP.

Ngoài ra, EU cũng rót trợ cấp với tỷ lệ tương tự cho Ba Lan, Hungary và Romania. Các dự báo gần đây cho thấy, trong 5 năm tới, EU sẽ tiếp tục trợ cấp cho các nước này với tỷ lệ hàng năm khoảng 1% GDP.

Nếu dự báo trên là đúng, thu nhập bình quân đầu người của Ba Lan sẽ đạt 17.000 USD vào năm 2022 và có lẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi nước này gia nhập câu lạc bộ các nền kinh tế "tiên tiến". Dù thời điểm đó đến vào lúc nào, thì các quốc gia Đông Âu đã nổi lên như những câu chuyện về sự phát triển thành công kể từ sau những kỳ tích ở Đông Á./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục