Sửa đổi chỉnh sửa trên 80% nội dung Bộ luật Hàng hải Việt Nam hiện hành

11:56' - 03/11/2015
BNEWS Theo dự kiến Bộ Luật Hàng hải Việt Nam sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Tại dự thảo Bộ luật sửa đổi có một số quy định mới được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý mới để ngành hàng hải bứt phá trong thời gian tới.

Là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam sửa đổi, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đã có cuộc trao đổi với phóng viên (PV) Thông tấn xã Việt Nam về nội dung dự thảo Bộ Luật này.

Hoạt động vận chuyển, bốc dỡ container hàng hóa XNK tại cảng Cái Lái, Tp Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN.

PV: Xin ông cho biết những điểm mới của dự thảo Bộ Luật Hàng hải (sửa đổi) lần này?

Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang: Có thể nói về mặt nội dung, Bộ luật Hàng hải Việt Nam sửa đổi chỉnh sửa trên 80% nội dung Bộ Luật Hàng hải hiện hành . Trong đó có một số nội dung mang tính đột phá.

Cụ thể, như việc xây dựng Ban quản lý và khai thác cảng. Đầu tiên dự kiến là đưa vào tên là Chính quyền cảng (Port Authority) như tên gọi thông dụng mà các nước tiên tiến đang áp dụng. Tuy nhiên theo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội cho rằng tên đó có thể gây nhầm lẫn với chính quyền các cấp hiện nay nên đổi tên thành Ban quản lý và khai thác cảng. 

Theo đó, việc quy định trong dự thảo về Ban quản lý và khai thác cảng ngoài chức năng khai thác cảng ra còn có một số chức năng mang tính quản lý nhà nước được giao nhằm khắc phục những bất cập trước đây về quản lý và khai thác cảng biển. 

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS.

Bởi từ trước đến nay chúng ta có hai đơn vị, một là cơ quan quản lý nhà nước về cảng biển và luồng hàng hải đó chính là Cục Hàng hải Việt Nam và dưới đó là Cảng vụ, thứ hai là các doanh nghiệp cảng trực tiếp quản lý và khai thác các cảng thuộc sở hữu của doanh nghiệp.

PV: Như ông vừa chia sẻ, một trong những nội dung mang tính đột phá của dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam sửa đổi lần này là đề xuất xây dựng Ban quản lý và khai thác cảng, ông có thể cho biết rõ hơn về ý nghĩa của việc thành lập đơn vị này?

Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang: Thời gian vừa qua với việc xã hội hóa cảng, sở hữu các cảng có nhiều thành phần như cảng của doanh nghiệp nhà nước, của doanh nghiệp liên doanh, của doanh nghiệp tư nhân. Việc phát triển cảng với nhiều loại hình đầu tư như vậy đã góp phần rất lớn vào phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu về bốc xếp hàng hóa thông qua cảng.

Tuy nhiên có một hệ lụy, đó là do có nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở một số chỗ còn manh mún, không phát huy hết được khả năng khai thác của cảng và không có sự phân kỳ đầu tư xây dựng cảng theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu thực tế dẫn đến dư thừa công suất cục bộ; đặc biệt là việc phối hợp các cảng với nhau để có thể tiếp nhận các tàu cỡ lớn, hình thành các khu trung chuyển quốc tế.

Một vấn đề khác là do nhiều doanh nghiệp cảng vừa qua đã có những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, dẫn tới giá giảm dưới mức bình thường, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư cũng như hoạt động của các doanh nghiệp cảng này.

Trước tình hình này, qua tham khảo mô hình quản lý khai thác cảng của một số nước có ngành hàng hải phát triển, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề xuất áp dụng mô hình Ban quản lý và khai thác cảng để quy định trong Bộ Luật Hàng hải Việt Nam làm cơ sở cho các bước triển khai sau này. Theo đó, nếu Bộ luật được thông qua và mô hình được triển khai thì đây là một trong những bước đột phá của công tác quản lý về quản lý và khai thác cảng biển.

Mặt khác, Ban quản lý và khai thác cảng được giao quản lý vùng đất và vùng nước cảng sẽ có vai trò quan trọng trong việc quy hoạch chi tiết khu vực cảng, xác định chính xác quy mô, chức năng của từng cầu, bến cảng. Đồng thời quyết định đầu tư xây dựng các cầu bến cảng theo từng giai đoạn, phù hợp và đáp ứng kích cỡ tàu ra vào cảng cũng như nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khu vực, khắc phục triệt để tình trạng manh mún trong quy mô và dư thừa trong xây dựng cầu bến cảng.

Ngoài ra, Ban quản lý và khai thác cảng còn có vai trò quan trọng trong việc điều tiết hàng hóa thông qua trong khu vực cảng cũng như giám sát giá các dịch vụ tại cảng biển, điều chính các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động tại cảng biển.

Tàu vào bốc xếp tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN.

PV: Nhiều người lo ngại rằng việc thành lập Ban quản lý và khai thác cảng sẽ chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với cảng vụ hàng hải hiện nay, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang: Thứ nhất chúng ta đã biết cảng vụ hàng hải là cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải tại khu vực trong đó có chức năng rất quan trọng về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường. Kể cả trong trường hợp có Ban quản lý khai thác cảng biển thì chức năng chính của cảng vụ không có gì thay đổi. Cảng vụ vẫn là cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành hàng hải đối với toàn bộ khu vực kể cả khu vực do Ban quản lý khai thác cảng biển quản lý.

Dự thảo Bộ luật dự kiến là sẽ giao một số chức năng mà trước đây thuộc chức năng của cảng vụ cho ban quản lý nhằm tạo điều kiện hơn nữa, chủ động hơn nữa trong công tác của ban quản lý. Ví dụ như chức năng liên quan đến xây dựng, quy hoạch chi tiết, trước đây không phải do doanh nghiệp làm nhưng nếu là cơ quan quản lý thì sẽ giao cho ban quản lý để xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Phải khẳng định là cảng vụ hàng hải vẫn là cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành hàng hải ở khu vực do cảng vụ đó quản lý nhưng sẽ được giao chuyên trách cho Ban quản lý và khai thác cảng phụ trách.

Việc giao một vùng đất, vùng nước cho Ban quản lý thì Ban quản lý và khai thác cảng sẽ là đơn vị xây dựng quy hoạch chi tiết cả khu vực đó và quyết định lộ trình đầu tư, phân kỳ đầu tư cho toàn bộ khu vực, làm sao hiệu quả đầu tư là cao nhất và Ban quản lý và khai thác cảng cũng là đơn vị quản lý công tác khai thác, mặc dù ban quản lý sau này sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khác thuê cơ sở hạ tầng để khai thác, nhưng việc quản lý khai thác vẫn thuộc thẩm quyền của Ban quản lý và khai thác cảng điều phối chung. Đấy chính là chức năng để ngăn ngừa được việc cạnh tranh không lành mạnh.

Trong khi, cảng vụ là cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải, như việc có quyền làm thủ tục cho tàu biển ra vào, kiểm tra điều kiện an toàn, an ninh hàng hải của các tàu thuyền, kể cả của cảng biển, các quy định về phòng ngừa ô nhiễm môi trường, hay cảng vụ có quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính. Toàn bộ công việc đấy là thuộc cảng vụ. Còn Ban quản lý và khai thác cảng sẽ không có thẩm quyền như cơ quan quản lý nhà nước.

PV: Xin cảm ơn Cục trưởng!

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục