Sửa đổi Luật ưu tiên quyền lợi nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương

16:52' - 28/01/2022
BNEWS Một trong những điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi lần này đang lấy ý kiến là Điều 6 quy định về bảo vệ quyền lợi nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Theo Bộ Công Thương, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà Bộ đang lấy ý kiến hiện có một số nội dung sửa đổi, bổ sung so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành ban hành năm 2010.


 
Cụ thể như khái niệm người tiêu dùng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, quyền của người tiêu dùng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, lĩnh vực thu hồi hàng hóa có khuyết tật, các phương thức bán hàng, giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng...
Đáng lưu ý, tại Điều 6 quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương là điều luật hoàn toàn mới so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành.
Người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo quy định của Dự thảo Luật này gồm người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số trong vùng dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật (gọi tắt là người dân tộc thiểu số) và các nhóm người dễ bị tổn thương khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Theo đó, đối với người tiêu dùng là người cao tuổi, các tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm đảm bảo thực hiện quyền ưu tiên về giá, phí và các ưu đãi khác cho người cao tuổi trong hoạt động mua bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan. Mặt khác, cung cấp cơ chế khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với quyền, nghĩa vụ của người cao tuổi theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Luật cũng quy định ngoài các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 16 của Luật này, chịu trách nhiệm với các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về người cao tuổi trong quá trình thực hiện giao dịch với một bên là người cao tuổi.
Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải có cơ chế, chính sách chống phân biệt đối xử, xúc phạm người cao tuổi trong việc thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin cá nhân của người cao tuổi theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan. Đặc biệt, Luật cũng quy định cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật đối với người cao tuổi.
Riêng với người tiêu dùng là người khuyết tật, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thực hiện quyền ưu tiên về giá, phí và các ưu đãi khác cho người khuyết tật trong quá trình mua bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan.
Hơn nữa, các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp cơ chế khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Ngoài các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 16 của Luật này, các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm với các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về người khuyết tật trong quá trình thực hiện giao dịch với một bên là người khuyết tật.
Đáng lưu ý, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải có cơ chế, chính sách chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng người khuyết tật trong việc thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin cá nhân của người khuyết tật theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan; có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật cho người khuyết tật.
Đối với người tiêu dùng là trẻ em, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm đảm bảo quyền ưu tiên về giá, phí, các ưu đãi khác cho trẻ em trong quá trình mua bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, không bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ bị cấm cho trẻ em theo quy định của pháp luật; cung cấp cơ chế khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với trẻ em theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh có chính sách chống xâm hại, lạm dụng, bóc lột trẻ em trong việc thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin cá nhân của trẻ em theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan; có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật cho trẻ em.
Đối với người tiêu dùng là người dân tộc thiểu số, tổ chức, cá nhân kinh doanh không được từ chối giải quyết khiếu nại, đề nghị giải quyết tranh chấp của người dân tộc thiểu số với lý do tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán của các dân tộc này theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, tổ chức, cá nhân có cơ chế, chính sách chống phân biệt đối xử, kỳ thị, lợi dụng trong việc thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin cá nhân của người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cũng nêu rõ, ngoài các hành vi bị cấm theo quy định tại Luật này, các tổ chức, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm với các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số trong quá trình thực hiện giao dịch với một bên là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số.
Trong khi đó, Điều 6 về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành sẽ được bỏ và thiết kế lại từ Điều 7 đến Điều 12 theo Luật sửa đổi./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục