Sức bật của kinh tế Hàn Quốc trong năm 2021

05:30' - 11/01/2021
BNEWS Tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc dự kiến sẽ phục hồi nhanh hơn nhiều so với các quốc gia phát triển khác trong năm 2021.

Lý do chủ yếu là Hàn Quốc đã có phản ứng nhanh với đại dịch COVID-19 trong khi các doanh nghiệp thích ứng nhanh với hoạt động kinh doanh "không tiếp xúc". Tuy nhiên, không loại trừ một số rủi ro có thể tác động bất lợi đến đà phục hồi kinh tế của Hàn Quốc. 

* Sự phục hồi mạnh mẽ

Trả lời phỏng vấn của tờ Thời báo Hàn Quốc, Giáo sư Sohn Sung-won từ Đại học Loyola Marymount, cho rằng: "Nền kinh tế Hàn Quốc sẽ cho thấy sự hồi phục trở lại thời kỳ hoàng kim trước đại dịch COVID-19 nhanh nhất trong số các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)". 

Theo nhà kinh tế này, cuộc khủng hoảng do virus SARS-CoV-2 gây ra đối với "xứ sở kim chi" đã được xử lý tương đối tốt mà không gây ảnh hưởng quá nhiều đến nền kinh tế (so với các nước khác).

Đây là lý do tại sao Giáo sư Sohn Sung-won kiên định cái nhìn lạc quan đối với Hàn Quốc. Ông cho biết thêm sau khi giảm khoảng 1% vào năm 2020, nền kinh tế Hàn Quốc dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng từ 3% trở lên vào năm 2021.

Christian de Guzman, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tín dụng cấp cao của Moody's Sovereign Risk Group, cho rằng, Hàn Quốc sẽ quay trở lại mức GDP thực của năm 2019 trước tất cả các nền kinh tế phát triển khác trong nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bao gồm Mỹ, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), Nhật Bản, Canada và Australia. 

Những lý do đưa ra để khẳng định kinh tế Hàn Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn bao gồm thành công lớn của Hàn Quốc trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm COVID-19 bất chấp những đợt bùng phát cục bộ gần đây - cũng như thành phần trong "giỏ hàng xuất khẩu" bao gồm nhiều mặt hàng mà mức cầu vẫn được duy trì trong đại dịch, chẳng hạn như như điện tử.

* Rủi ro nợ công

Hàn Quốc hiện đối mặt với trong làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba. Nếu nước này không kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, quá trình phục hồi nền kinh tế, vốn đang cần thêm một vài gói kích thích, sẽ bị trì hoãn trong năm 2021. Thực tế cho thấy, nếu không có gói kích cầu, rất có thể tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng bởi người dân chưa thể tiếp cận được vắc-xin ngừa COVID-19, trong khi nền kinh tế đất nước lại ở thế bấp bênh.

Vấn đề này tiếp tục khiến các cơ quan quản lý tài chính và tiền tệ của Hàn Quốc rơi vào tình trạng bị bó buộc bởi nợ chồng chất. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà kinh tế sở tại lo ngại chính là tốc độ gia tăng nợ quá nhanh. Tuy nhiên, tiếng nói của tập thể lại bị "thổi phồng" quá mức khi cho rằng Hàn Quốc có thể đạt thặng dư tài khoản vãng lai.

Antonio Fatas, Giáo sư kinh tế tại INSEAD, cho rằng: "Đây không phải là lúc để lo lắng về nợ - cả nợ doanh nghiệp và nợ công - nhất là Hàn Quốc". Ông nói thêm rằng: "Nguy cơ phục hồi chậm lại vẫn còn đáng kể. Do đó, chúng ta nên tiếp tục với các chính sách tài khóa và tiền tệ tích cực. Đó là cách tốt nhất để tránh xảy ra khủng hoảng tài chính".

Theo nhà phân tích cấp cao của Moody's, rủi ro do nợ chính phủ tăng cùng với thị trường bất động sản quá nóng và già hóa dân số đã trở nên rõ ràng trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát và chính sự kết hợp của ba yếu tố này sẽ gây ra rủi ro, hạn chế cho nền kinh tế nói chung.

Ông nói: "Trong khi các biện pháp bảo đảm vĩ mô của chính phủ chỉ cho thấy hiệu quả hạn chế trong việc kiểm soát việc tăng giá, các rủi ro liên quan đến bất ổn tài chính được giảm thiểu nhờ các yếu tố cơ bản tương đối mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng".

Điều này cũng được Jeremy Zook, Giám đốc Xếp hạng khu vực châu Á tại Fitch Ratings, nhắc lại: "Sự thu hẹp nền kinh tế tương đối khiêm tốn đã giúp hạn chế sự suy thoái tài chính công so với các nước khác được xếp hạng.

Với bốn gói ngân sách bổ sung để hỗ trợ nền kinh tế, chúng tôi ước tính thâm hụt tài khóa của Hàn Quốc năm 2020 đạt 4,4% GDP bao gồm cả an sinh xã hội. Tỷ lệ nợ ước tính của Hàn Quốc vào cuối năm 2020 là 43,9% GDP.

Tương tự, vấn đề bong bóng bất động sản, theo Giáo sư Sohn Sung-won, là sản phẩm phụ của chính sách tiền tệ mở rộng và tình trạng thiếu hụt nguồn cung chứ không phải là kết quả của lãi suất cho vay thấp kỷ lục.

Ông nhận định bong bóng thị trường bất động sản không có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã sai lầm trong việc hạ lãi suất. Nền kinh tế vĩ mô tổng thể của Hàn Quốc được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ. Khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhu cầu về nhà ở sẽ hạ nhiệt. Các sáng kiến của chính phủ nhằm tăng nguồn cung sẽ hỗ trợ phần nào.

* Nguy cơ tái diễn xung đột Mỹ-Trung

Việc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tái diễn có thể làm suy yếu sự phục hồi toàn cầu và theo đó nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Giáo sư Sohn Sung-won nói: "Xung đột thương mại và chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp diễn sẽ có tác động trực tiếp đến nền kinh tế Hàn Quốc".

Theo quan điểm của ông, quan hệ Mỹ-Trung sẽ được "tập trung" trở lại sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc, thể hiện rõ ở cách tiếp cận khác sẽ được Chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden áp dụng với việc chuyển sang chú trọng chủ nghĩa đa phương thay vì chủ nghĩa đơn phương của ông Donald Trump. Ông nói thêm: "Như câu nói của người Hàn Quốc là 'Khi cá voi đánh nhau, tôm sẽ bị thương', Hàn Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả do những điều kiện mà họ không thể kiểm soát".

Chuyên gia Christian de Guzman lưu ý rằng việc Mỹ trở lại chủ nghĩa đa phương là dấu hiệu tốt cho một cách tiếp cận mang tính hợp tác hơn trong lĩnh vực thương mại nhưng có thể vẫn còn quá sớm để phân biệt cách Chính quyền mới của Mỹ cân bằng các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu chiến lược và an ninh rộng lớn hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục