Sức ép nâng chất lượng lao động khi hội nhập

15:23' - 14/10/2016
BNEWS Khi hội nhập, hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng tiêu dùng Việt Nam ngày càng nhiều, lại đa dạng, chất lượng tốt sẽ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.

 “Đánh giá tác động của các cam kết lao động trong Chương phát triển bền vững của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU” là nội dung Hội thảo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức sáng 14/10 tại Hà Nội.

Bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu tại Hội thảo. Ảnh:Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Theo bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động và thương binh xã hội), tiêu chuẩn lao động quốc tế đầu tiên và trước hết là vì sự phát triển của con người. Cùng với đó, sự phát triển kinh tế bao gồm tạo việc làm và điều kiện lao động trong đó con người có thể làm việc tự do, an toàn và nhân phẩm. Thành quả của tự do thương mại phải được được chia sẻ cho người lao động- những người trực tiếp làm ra sản phẩm.

Bà Lê Kim Dung cho biết thêm, thời gian qua các công ty làm hàng gia công hoặc cung ứng hàng cho các đối tác để bán ở thị trường Hoa Kỳ và Châu âu hầu như đều phải thực hiện các bộ quy tắc do bạn hàng yêu cầu, trong đó nội hàm chủ yếu vẫn là vấn đề về lao động. Vì thế, đưa nội dung lao động- xã hội vào các thỏa thuận thương mại không còn là hiện tượng cá biệt, theo ý muốn chủ quan của một vài đối tác thương mại mà đã thành một đòi hỏi, một xu thế chung toàn cầu.

Tại Hội thảo, bà Jana Herceg- Phó trưởng ban Kinh tế và Thương mại của Phái đoàn Châu âu tại Việt Nam nhấn mạnh: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU.  Hiện tại, hai bên đang tiến hành rà soát lại văn bản hiệp định và lên kế hoạch ký kết hiệp định trong năm 2016.

Dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Do đó, đây là dịp để rà soát lại các cam kết về lao động và xã hội trong các Hiệp định Thương mại Tự do, đặc biệt là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU; đánh giá tác động của các cam kết này đối với lĩnh vực lao động – xã hội; dự kiến các kế hoạch sửa đối pháp luật lao động của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới, những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do, và góc nhìn từ thanh tra lao động đối với việc tuân thủ pháp luật lao động tại doanh nghiệp.

Đưa ra những khó khăn khi thực hiện các tiêu chuẩn lao động và các yêu cầu khi tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, luật sư Trần Văn Chương, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định: Bất kỳ một Hiệp định thương mại tự do nào cũng bao gồm nhiều thách thức mới, bên cạnh những cơ hội phát triển.

Hơn nữa, khi tham gia hội nhập, lao động Việt Nam sẽ phải chịu những bất lợi từ việc mở cửa thị trường. Điều này sẽ khiến hàng hóa của các nước nhất là hàng tiêu dùng nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng càng lớn và đa dạng, chất lượng tốt và tâm lý sính hàng ngoại sẽ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.

Do vậy, Chính phủ cần có những điều chỉnh phù hợp, chủ động nâng cao chất lượng nguồn lao động để đảm bảo việc làm, tăng thu nhập và giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do sẽ hỗ trợ cải cách và có hiệu quả hơn đối với người Việt Nam.

Tuy vậy, các FTA này lại không kích hoạt cải cách, vì thế Nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường một cách bình đẳng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục