Sức ép ngân sách lên Saudi Arabia ngày càng tăng

14:38' - 23/05/2017
BNEWS Sức ép lên vấn đề tài chính của Saudi Arabia sẽ khiến nước này muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận kéo dài thời hạn cắt giảm sản lượng dầu tại cuộc họp OPEC diễn ra tuần này tại Vienna (Áo).
Sức ép ngân sách lên Saudi Arabia ngày càng tăng. Ảnh: Khaleej Times
Sức ép lên vấn đề tài chính của Saudi Arabia sẽ khiến nước này muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận kéo dài thời hạn cắt giảm sản lượng dầu tại cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) diễn ra trong tuần này tại Vienna (Áo).

Chính phủ Saudi Arabia khó thể cắt giảm nhanh mức thâm hụt ngân sách khổng lồ trong những tháng tới trong bối cảnh Riyadh phải chi nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm chạp.

Thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia đã giảm 71% xuống còn 26 tỷ riyal (6,9 tỷ USD) trong quý I năm nay, chủ yếu nhờ nguồn thu từ dầu tăng từ mức 52 tỷ riyal lên 112 tỷ riyal.

Dự kiến, mức thâm hụt ngân sách cho năm 2017 sẽ gần mức dự báo ban đầu của Riyadh là 198 tỷ riyal, khả quan hơn so với mức thâm hụt 297 tỷ riyal của năm 2016, tương đương 8% GDP, song con số này vẫn còn quá cao.

Chuyên gia kinh tế Monica Malik thuộc Ngân hàng thương mại Abu Dhabi ước tính giá dầu trung bình tăng 1 USD trong một năm, thâm hụt ngân sách của Saudi sẽ giảm khoảng 0,3-0,4 điểm phần trăm nếu chi tiêu vẫn không thay đổi.

Trong khi đó, các nhà cải cách kinh tế Saudi Arabia đặt niềm tin vào việc tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2018, mà được dự báo sẽ mang về ít nhất 2.000 tỷ USD.

Theo các chuyên gia phân tích, Saudi Arabia, nước sẽ tham dự cuộc họp của OPEC tại Vienna vào ngày 25/5, đã quyết định tối đa hóa nguồn thu từ dầu mỏ dựa vào giá bán dầu cao, ngay cả khi nước này phải cắt giảm mạnh sản lượng.

Do giá dầu Brent Biển Bắc ở mức 51 USD/thùng, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho biết ông muốn thỏa thuận cắt giảm sản lượng được gia hạn thêm 9 tháng đến tháng 3/2018. Hiện Riyadh đã cắt giảm sản lượng vượt cam kết lúc đầu. Trong tháng Tư, nước này đã cắt giảm tương đương 118% hạn ngạch được phân bổ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục