Sức ép tăng lãi suất khiến thị trường chứng khoán Âu - Mỹ giảm điểm

09:59' - 18/10/2018
BNEWS Sự sa sút trên các thị trường chứng khoán Âu - Mỹ cho thấy phiên khởi sắc ngày 16/10 không thể giúp thị trường “rũ bỏ” hết những nghi ngại về việc tăng lãi suất ở Mỹ và tình hình căng thẳng thương mại
Chứng khoán Âu - Mỹ giảm điểm vì căng thẳng thương mại và khả năng tăng lãi suất của Fed. Ảnh: TTXVN
Trong phiên giao dịch ngày 17/10, hầu hết các thị trường chứng khoán thế giới đều giảm điểm trước những quan ngại về chính sách lãi suất của Mỹ, trong khi các cuộc đàm phán Brexit ít có dấu hiệu tiến triển.

Tại Phố Wall, chỉ số công nghệ Nasdaq và chỉ số S&P 500 giảm nhẹ 0,1% xuống các mức lần lượt là 7.642,70 điểm và 2.809,21 điểm. Trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones sụt giảm 0,4% xuống còn 25.706,68 điểm do cổ phiếu của IBM giảm 7,6% sau khi “ông lớn” về công nghệ này cho biết doanh thu quý III tụt lùi 2% xuống còn 18,8 tỷ, thấp hơn mức dự đoán của giới phân tích.

Phía bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE 100 tại thị trường London (Vương quốc Anh) giảm 0,1% xuống 7.059,40 điểm, trong lúc chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cùng giảm 0,5% và khép phiên ở các mức lần lượt là 11.715,03 điểm và 5.144,95 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 lùi 0,4% và đóng phiên ở mức 3.243,08 điểm.

Sự sa sút trên các thị trường chứng khoán Âu - Mỹ cho thấy phiên khởi sắc ngày 16/10 không thể giúp thị trường “rũ bỏ” hết những nghi ngại về việc tăng lãi suất ở Mỹ và tình hình căng thẳng thương mại đã gây ra hiện tượng bán cổ phiếu ồ ạt hồi tuần trước.

Biên bản cuộc họp tháng Chín của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xác nhận rằng hầu hết các nhà hoạch định chính sách đều dự kiến sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất và điều này phù hợp với tình hình lạm phát đang gia tăng dần, trong khi thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục như hiện tại.

Tuy nhiên, một số thành viên của Fed cho rằng khá nhiều nền kinh tế mới nổi sẽ đứng trước nguy cơ nợ gia tăng và dễ bị tổn thương hơn khi Mỹ tăng lãi suất, mà sự bất ổn ở các thị trường này có thể lan rộng ra nền kinh tế và các thị trường tài chính trên toàn cầu.

Trong khi đó, quá trình đàm phán Brexit ít có dấu hiệu tiến triển, một phần do sự bế tắc trong các cuộc đàm phán giữa Liên minh châu Âu (EU) và nước Anh liên quan đến vấn đề đường biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh và Ireland sau Brexit.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục