Sức hút của Mobile Money ở nhiều nước đang phát triển

20:13' - 16/03/2021
BNEWS Mobile Money hay còn gọi là tiền di động, là dịch vụ cho phép dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ.

Về cơ bản, dịch vụ Mobile Money cung cấp cho khách hàng một tài khoản gắn liền với thuê bao di động. Chỉ được nghe đến cách đây hơn một thập kỷ, nhưng dịch vụ Mobile Money (hay còn gọi là tiền di động) đã phát triển nhanh chóng ở nhiều nước đang phát triển. 

 * Tốc độ phát triển và những ưu thế của Mobile Money

Trên thế giới, dịch vụ Mobile Money bắt đầu được nhắc đến cách đây chỉ hơn một thập kỷ nhưng sau đó đã phát triển rất nhanh chóng, thể hiện rõ ưu thế so với tiền mặt về sự tiện lợi, an toàn.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội kinh doanh di động toàn cầu (GSMA), năm 2019, Mobile Money đã tạo dựng một cột mốc quan trọng, đó là số tài khoản đăng ký sử dụng Mobile Money lần đầu vượt 1 tỷ, tăng 134 triệu tài khoản so với cuối năm 2018. Mức giao dịch Mobile Money hàng ngày đạt gần 2 tỷ USD, tăng gần 54% so với mức 1,3 tỷ USD của năm 2018. Cũng trong năm 2019, lần đầu tiên giao dịch Mobile Money vượt 50% tổng giao dịch số hóa, đạt 57%.

Hiện nay, Mobile Money có 290 loại hình giao dịch theo thời gian thực tại 95 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 372 triệu tài khoản hoạt động. Tại phần lớn quốc gia và vùng lãnh thổ đang phát triển và kém phát triển, Mobile Money đã trở thành xu thế chủ đạo và phương tiện tài chính tiện lợi.

Báo cáo của GSMA cũng cho thấy một số xu hướng lớn về Mobile Money. Đó là, dù không phải tất cả các hoạt động triển khai Mobile Money đều có lãi, nhưng ngày càng có nhiều dịch vụ Mobile Money có thể phát triển bền vững.

Cụ thể, có tới 60% nhà cung cấp đạt lợi nhuận dương trước thuế và thu nhập trực tiếp từ Mobile Money đang hỗ trợ đầu tư phát triển các sản phẩm sáng tạo, mở mang mạng lưới... Đồng thời, xuất hiện ngày càng nhiều nhà cung cấp mang tới dịch vụ Mobile Money bền vững với quy mô lớn.

Trong 5 năm qua, số lượng đại lý Mobile Money trên thế giới đã tăng gần gấp đôi với độ bao phủ gấp 7 lần trạm ATM và 20 lần chi nhánh ngân hàng. Dẫu vậy, dư địa phát triển của Mobile Money vẫn còn rất lớn bởi trên thế giới hiện nay vẫn có khoảng 2 tỷ người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng, nhưng trong số đó lại có khoảng 1,7 tỷ người sở hữu điện thoại di động. Bên cạnh đó, thế giới còn có hơn 250 triệu lao động đang sống tha hương và họ vẫn định kỳ gửi tiền về để chu cấp tài chính cho gia đình.

Lý giải sức hút của Mobile Money, các chuyên gia cho rằng với việc tiếp cận dễ dàng đã khiến Mobile Money trở nên cực kỳ hữu ích ở những khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa trên thế giới, nơi không có bất kỳ chi nhánh ngân hàng nào hoạt động. Hầu như bất cứ ai có điện thoại di động đều có thể có tài khoản Mobile Money.

Những tiện ích có thể nhìn ngay thấy trước tiên là Mobile Money có thể được nhận, lưu trữ, chi tiêu từ tài khoản trên điện thoại di động của bất cứ ai, ở bất cứ đâu có tín hiệu điện thoại di động mà không cần thông qua bất kỳ người trung gian nào.

Việc chuyển Mobile Money cũng không đòi hỏi người sử dụng phải điền tờ mẫu, xếp hàng chờ đợi tại ngân hàng. Chi phí lại “mềm” hơn rất nhiều so với việc sử dụng dịch vụ của ngân hàng truyền thống.

Bên cạnh đó, một số giao dịch bằng thẻ tín dụng (credit card) hay thẻ ghi nợ (debit card) có thể sẽ phải chịu hạn mức tùy theo loại thẻ của ngân hàng cung cấp, nhưng với Mobile Money, hạn mức có thể là tối đa số tiền người sử dụng có trong tài khoản.

Một tiện lợi khác của Mobile Money cũng rất quan trọng, đó là sự an toàn. Thử tưởng tượng khi đồng nội tệ bị mất giá nghiêm trọng như ở Somalia hay Zimbabwe, đi chợ mua sắm, người dân phải vác cả bao tải tiền. Việc lưu trữ hay gửi tiền cho ai đó đương nhiên sẽ khó khăn, bất tiện và mất an toàn hơn nhiều.

Nhưng với Mobile Money, người dùng sẽ được bảo vệ bởi ứng dụng mã hóa với mật khẩu và mã PIN mà chỉ có người chủ mới biết được. Trong trường hợp bị mất điện thoại, người sử dụng cũng không phải lo lắng, chỉ cần gọi đến công ty cung cấp dịch vụ thông báo, thay thế điện thoại và SIM, sau đó tiếp tục truy cập vào tài khoản bình thường.

Không những vậy, Mobile Money còn giúp thu hẹp khoảng cách giới về tài chính. Không cần gì nhiều, chỉ với một chiếc điện thoại di động, phụ nữ ở các nước đang phát triển giờ đây có thể kiểm soát tốt hơn tài chính của họ. Biết rõ mình có bao nhiêu tiền trong tài khoản ở bất cứ thời điểm nào, phụ nữ sẽ chủ động hơn trong việc sử dụng, bao gồm phân chia cho quỹ xử lý trường hợp khẩn cấp, quỹ học hành hoặc quỹ để kinh doanh.

Ngoài ra, Mobile Money có thể hoạt động như một tài khoản ngân hàng cơ bản cho những người trước đây không thể có tài khoản ngân hàng. Cho nên, Mobile Money giáo dục và khuyến khích tiết kiệm bằng cách mang tới cho người sử dụng cơ hội theo dõi thu nhập của mình, lên kế hoạch tiết kiệm, cho tiêu, chuẩn bị cho tương lai.

Với những tiện lợi đó nên Mobile Money đã phát triển nhanh chóng, nhất là ở các nước đang phát triển và kém phát triển. Giờ đây, nhận và gửi Mobile Money đã trở thành hoạt động thiết yếu hàng ngày ở Ghana, Somalia và hàng loạt quốc gia đang phát triển khác.

* Triển khai thí điểm Mobile Money tại Việt Nam trong vòng 2 năm

Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt triển khai thí điểm dùng tiền di động thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) trong vòng 2 năm. Việc cho phép triển khai thí điểm dịch vụ chuyển tiền di động nhằm góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.  

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện Việt Nam có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, hơn 30% khách hàng chưa có tài khoản còn lại là những khách hàng khó mở rộng, tiếp cận nhất, đây cũng là đối tượng rất cần tới tài chính toàn diện. Chưa kể ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận dịch vụ tài chính số cùng còn nhiều trở ngại.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/3/2021 đã ban hành Quyết định 316/QĐ-TTg phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) trong 2 năm. Đây là một hình thức thanh toán trên điện thoại không cần sử dụng đến tiền mặt.

Theo nhận định của ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) mang nhiều ý nghĩa lớn.

Đây là một trong những nhiệm vụ cụ thể, mang tính chất thí điểm, nhằm thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-TƯ ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng là một chính sách để thực hiện mục tiêu mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính đã được Thủ tướng phê duyệt trong Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đặc biệt, Mobile Money sẽ giúp tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam, đảm bảo quyền bình đẳng của mọi người dân trong tiếp cận  dịch vụ thiết yếu trong lĩnh vực thanh toán không sử dụng tiền mặt; tận dụng hạ tầng, cơ sở dữ liệu, mạng lưới viễn thông tại Việt Nam - nơi có độ phủ sóng mạng di động lên tới 99,8% dân số và mang lại tiện ích cho người dân, giảm chi phí xã hội.

Việc cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp cũng sẽ là giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Đối với các khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, hoặc chưa có điều kiện, khả năng sử dụng dữ liệu, mạng Internet, các ứng dụng yêu cầu smartphone, người dân có thể sử dụng tài khoản Mobile Money để thanh toán hàng hoá, dịch vụ qua các kênh điện thoại truyền thống như tin nhắn SMS, tạo sự gần gũi, thân thiện, thuận tiện trong việc tiếp cận sử dụng dịch vụ, qua đó từng bước xây dựng thói quen trong việc chuyển dịch sang sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Do đó, việc cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam được nhận định sẽ mang lại không chỉ lợi ích cho các doanh nghiệp thí điểm mà còn xây dựng thị trường khách hàng tiềm năng cho các ngân hàng, tổ chức tài chính khi nhu cầu sử dụng của người dân tăng dần và trở thành đối tượng phục vụ của cả hệ thống các ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Quyết định về thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc liên tục với các doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện thí điểm để hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện Hồ sơ đáp ứng các quy định theo yêu cầu.

Để Mobile Money đi vào hoạt động, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh các doanh nghiệp viễn thông cần khẩn trương xây dựng hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money, đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện quy định của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện việc thẩm định nội dung liên quan đến các vấn đề quản lý. Nếu hồ sơ xin cấp phép của các nhà mạng được chuẩn bị có chất lượng và các điều kiện được quy định trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì dịch vụ Mobile Money sẽ sớm được triển khai./.

         

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục