Sức hút đào phai Đông Sơn

15:08' - 02/02/2024
BNEWS Đã thành thông lệ, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, từ trục đường chính dẫn khu vực trồng đào phai Đông Sơn, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) lại nhộn nhịp, rôm rả tiếng nói cười.

Hàng chục năm nay, đào phai Đông Sơn là sản phẩm Tết không thể thiếu của nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thậm chí nhiều khách hàng ở các tỉnh lân cận cũng về đây để lựa chọn những gốc đào mang thương hiệu Đông Sơn.

 

Tại vườn đào phai của gia đình ông Phạm Ngọc Hậu, Trưởng làng đào phai thôn 3, xã Đông Sơn khoảng chục ngày nay luôn tấp nập khách ra vào chọn lựa đào. Ông Hậu cho biết, theo mô hình kinh tế vườn đồi của địa phương, gia đình cũng theo nghề trồng đào phai khoảng 20 năm nay với diện tích trên 2 mẫu đất trồng đào.

Thời kỳ đầu làm nghề, gia đình ông Hậu chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của những người đi trước, sau đó tự đúc rút kinh nghiệm và phát triển cây đào phai tại vườn nhà. Hiện gia đình ông trồng khoảng 700 gốc đào; trong đó, có khoảng 400 gốc đến tuổi thu hoạch. Với vai trò là Trưởng làng nghề, ngoài những lúc chăm sóc vườn đào của nhà mình, ông Hậu còn tận tình trao đổi kinh nghiệm với các hộ trồng đào khác trong thôn, đặc biệt là trong việc uốn nắn những thế đào mới. Ông Hậu chia sẻ, hiện toàn thôn có 65 hộ trồng đào với diện tích 16 ha. Đào phai Tam Điệp đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận, có chất lượng rất tốt, sắc hoa thắm, cánh nở căng, độ bền của hoa lâu.

Là khách hàng quen thuộc của làng đào Đông Sơn nhiều năm nay, ông Tuấn Anh, thành phố Ninh Bình cho biết, năm nào gia đình cũng dành thời gian vào tận vườn đào Đông Sơn để lựa chọn cây đào phù hợp với khuôn viên bài trí tại gia đình. Không chỉ lựa chọn được cây đào ưng ý, giá cả lại rất hợp lý. Ông Tuấn Anh cho rằng, đào phai Đông Sơn dường như không lẫn với bất cứ giống đào nào khác, bởi cánh hoa to, dầy cánh, lại có màu đỏ phai hấp dẫn; đây là năm thứ 10 gia đình vào vườn đào Đông Sơn để lựa chọn cây.

Cũng với diện tích trên 2 mẫu đất trồng đào phai tại thôn 3 xã Đông Sơn, gia đình ông Phạm Bá Ngọc những ngày này rất bận rộn với việc tiếp khách mua đào, đánh gốc, cưa cây, buộc cành để phục vụ khách hàng mang đi xa. Ông Ngọc cho biết, có những khách hàng ở các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam cũng về tận vườn đào Đông Sơn để tìm mua đào, bởi họ quen với việc có cành đào Đông Sơn ở trong nhà mỗi dịp Tết đến. Phần lớn các gốc đào trồng tại vườn nhà ông Ngọc đều có tuổi đời từ 3 đến 5 năm, dự kiến năm nay gia đình ông Ngọc bán ra khoảng 350 gốc đào với doanh thu khoảng 200 triệu đồng.

Với diện tích trồng đào phai chỉ chiếm khoảng 10% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn xã Đông Sơn, nhưng thương hiệu đào phai Đông Sơn từ lâu nay đã khẳng định được vị trí của mình trong tâm thức khách hàng. Để tiếp tục duy trì và phát triển diện tích đào phai, Đảng ủy, UBND xã Đông Sơn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Ông Phạm Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết, nghề trồng đào phai tại địa phương có từ hàng chục năm nay, hiện Đông Sơn có 10/12 thôn được chứng nhận làng nghề trồng và kinh doanh các sản phẩm từ đào phai với diện tích đất sản xuất khoảng 130 ha. Trên địa bàn xã có khoảng 700 hộ trồng đào phai.

Để hỗ trợ cho các hộ trồng đào phai gắn bó lâu dài với nghề và phát triển các sản phẩm mới, hàng năm UBND xã Đông Sơn đều phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc thành phố Tam Điệp cũng như Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chất lượng sản phẩm cây đào phai; tổ chức các lớp phổ biến kiến thức từ chính những người có kinh nghiệm trồng đào tại địa phương cho những hộ mới trồng để cho ra những cây đào phai chất lượng nhất.

Đơn cử như việc chăm sóc, tỉa cành, tỉa lá cây đào như nào để hoa đào nở rộ đúng dịp Tết Nguyên đán đã giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập từ nghề trồng đào. Đào phai Đông Sơn không chỉ phục vụ thị trường Tết, khi ra quả được nhân dân thu hái bán cho Hợp tác xã sản xuất rượu vang đào hoặc làm mứt đào bán ra thị trường, cũng đem lại nguồn thu không nhỏ cho nhân dân.

Theo thống kê của UBND xã Đông Sơn, tổng doanh thu từ cây đào phai của Đông Sơn những năm gần đây luôn dao động từ 14 đến 15 tỷ đồng/vụ. Nghề trồng đào phai đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từ nghề trồng đào phai đã có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giầu chính đáng; là một trong nhiều yếu tố giúp Đông Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 và hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.

Tin liên quan

  • Vắng thương lái, người trồng hoa Tết lo lắng Hàng hoá

    Vắng thương lái, người trồng hoa Tết lo lắng

    15:16' - 01/02/2024

    Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng 2 làng nghề hoa cảnh của tỉnh Trà Vinh khá vắng thương lái đặt mua hoa. Giá các loại hoa cũng thấp hơn 10.000 đồng/cặp so với năm trước.

  • "Thủ phủ" mai vàng Kỳ Nam vào vụ Tết Hàng hoá

    "Thủ phủ" mai vàng Kỳ Nam vào vụ Tết

    14:30' - 20/01/2024

    Truyền thống trồng mai cảnh đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, từ chục năm trở lại đây, người nông dân ở Kỳ Nam mới chú trọng tạo ra những sản phẩm có giá trị, thẩm mỹ và được người chơi mai đánh giá cao.

  • Rộn ràng mùa nấm Tết Hàng hoá

    Rộn ràng mùa nấm Tết

    10:41' - 17/01/2024

    Chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các làng nghề sản xuất thực phẩm tại Bà Rịa-Vũng Tàu đang rộn ràng vào vụ Tết - vụ mùa được mong đợi nhất, trong đó có nghề trồng nấm.


Tin cùng chuyên mục