Sức mua tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh tăng chậm

10:38' - 23/01/2025
BNEWS Đại diện sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, do kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 có khoảng cách khá gần, nên nhiều người tiêu dùng đã mua sắm Tết sớm vào dịp Tết Dương lịch.

Tối ngày 22 và rạng sáng ngày 23/1, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng làm Trưởng đoàn, cùng sở, ngành đã thực hiện kiểm tra hoạt động kinh doanh, phân phối và bình ổn thị trường nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố.

 

Tại buổi làm việc với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Huây, Tổng giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại chợ cung ứng mặt hàng rau củ quả, trái cây và hoa tươi từ các tỉnh, thành phố trong cả nước cung ứng về chợ như Hải Dương,Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Giang, Lâm Đồng, Phan Thiết, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Long An … và một số huyện nội thành có Hóc Môn, Củ Chi …; trong đó, nguồn hàng rau nội chủ lực đến từ tỉnh Lâm Đồng chiếm 36 - 40% tổng lượng rau về chợ; còn trái cây nội từ các tỉnh miền Tây chiếm 50% tổng lượng trái cây về chợ.

Ngoài những chủng loại hàng trong nước, bên cạnh có hàng ngoại nhập từ các nước, gồm: Mỹ, Australia, Chi lê, Thái Lan, Ấn Độ, Newzeland, Canada… chủ yếu là mặt hàng trái cây. Riêng hàng Trung Quốc vừa nhập rau chiếm khoảng 9% tổng lượng rau và nhập trái cây chiếm khoảng 24% tổng lượng trái cây về chợ.

Với kinh nghiệm kinh doanh nhiều năm, các thương nhân kinh doanh tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đã duy trì mối quan hệ gắn kết giữa người kinh doanh và nhà sản xuất, nên sản lượng cung cấp về chợ luôn được duy trì và ổn định. Nhiều thương nhân kinh doanh tại chợ cũng đã hợp đồng với nhà vườn dự trữ hàng hoá phục vụ Tết, đa số là người kinh doanh chờ dịp Tết mới tăng mạnh về số lượng hàng hóa, nhất là cao điểm trong 4 ngày cuối năm (từ 24 đến 27 tháng Chạp âm lịch).

Trong khi đó, tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, huyện Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh, nhiều thương lái, thương nhân dự báo số lượng lợn thu mua từ trang trại vẫn đảm bảo đủ sản lượng cung cấp cho thị trường phục vụ Tết. Còn để đảm bảo nguồn hàng rau của, quả, trái cây không bị đứt gãy khi có sự cố về cung ứng, hầu hết đơn vị kinh doanh có kế hoạch dự trữ hàng hóa tại kho lạnh xung quanh chợ đạt khoảng 2.000 tấn rau củ quả; xe container lạnh lưu đậu tại bãi xe và kho lạnh trong chợ đạt khoảng trên 1.000 tấn và nhữngnguồn hàng này sẽ được luân chuyển bổ sung mới thường xuyên, kịp thời.

Mặt khác, dự báo lượng hàng về chợ tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sẽ đảm bảo ổn định, đủ khả năng cung ứng cho thị trường; đồng thời một số mặt hàng thiết yếu phục vụ cho ngày Tết sẽ tăng mạnh về số lượng, đảm bảo 100% cung ứng kịp thời cho thị trường. Bên cạnh đó, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn sẽ theo dõi sát việc cung, cầu hàng hóa của tất cả mặt hàng, nhất là những mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, trái cây, rau củ... nếu có biến động bất thường sẽ báo cáo nhanh đến cơ quan chức năng để có biện pháp kịp thời ổn định tình hình thị trường.

Về giá cả do thị trường quyết định (nguồn hàng và sức mua), tuy nhiên ông Lê hoàng Phong, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cũng cho hay, chợ vẫn không ngừng tuyên tryền, kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Dự tính, một số mặt hàng có giá bán thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, gồm: cà rốt Đà Lạt có giá bán 10.000 đồng/kg, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước; xoài cát Hòa Lộc có giá bán 30.000 đồng/kg, giảm 25%...

Ngược chiều, có một số mặt hàng tăng giá so với cùng kỳ năm trước như bông cải trắng (Hà Nội) có giá bán 10.000 đồng/kg, tăng 20%; mặt hàng thịt lợn mảnh loại một có giá bán 92.000 đồng/kg tăng 27%... Riêng những mặt hàng đứng giá có thể kể đến là bắp cải, củ hành đỏ Vĩnh Châu... nên nhìn chung giá cả tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn đến thời điểm này ổn định.

Đặc biệt, qua khảo sát cho thấy, các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đều đảm bảo hoạt động kinh doanh, phân phối đủ nguồn hàng, đảm bảo an toàn thực phẩm và an ninh trật tự. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, sức mua tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố tăng chưa cao bằng cùng kỳ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Lý giải nguyên nhân sức mua Tết năm nay chưa tăng chưa cao bằng cùng kỳ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đại diện sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, do kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 có khoảng cách khá gần, nên nhiều người tiêu dùng đã mua sắm Tết sớm vào dịp Tết Dương lịch. Ngoài ra, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 khá dài so với những năm trước, nên người dân có xu hướng mua sắm quà Tết, thực phẩm phục vụ nhu cầu du lịch... nên kênh phân phối hiện đại với chương trình khuyến mãi, gairm giá duy trì luân phiên chiếm ưu thế hút khách hơn kênh bán lẻ truyền thống.

Hơn thế nữa, sau đại dịch COVID-19, nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng ưa chuộng mua sắm trực tuyến (online), nên không ít thương nhân, tiểu thương chuyển sang kênh bán hàng online và duy trì bán hàng đa kênh nên sức mua bị phân bổ đa kênh. Điều này cũng ảnh hưởng đến sức mua tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm, cụ thể là sức mua trên thị trường Tết năm nay tăng chậm so với những năm trước.

Qua hoạt động khảo sát thực tế và làm việc tại chợ với đơn quản lý các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, về nguồn hàng thành phố rất cần, nhưng phải đảm bảo an toàn thực phẩm và quy trình sản xuất, kinh doanh, phân phối... Điển hình, đối với mặt hàng thịt lợn thì nhu cầu thành phố lớn là rất lớn, nhưng thành phố định hướng đến nguồn cung đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển sàn giao dịch hàng hóa.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng cũng đề xuất, hàng năm khi Tết đến Xuân về thì sức mua tăng cao và có khi tăng đột biến ở những nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, nên đòi hỏi các đơn vị quản lý chợ đầu mối nông sản và cộng đồng thương nhân, tiểu thương phải tăng cường quản lý giá và bình ổn thị trường. Về phía ngành Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, cần phối hợp chặt chẽ với những đơn vị liên quan để bám sát thị trường Tết, nhất là những ngày cận Tết và cao điểm mua sắm Tết nhằm hỗ trợ đơn vị kinh doanh, phân phối, bán lẻ đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu, an toàn và chất lượng phục vụ người dân mua sắm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục