Suy thoái kinh tế Trung Quốc có đáng ngại?

05:30' - 01/11/2018
BNEWS Theo báo “Liên hợp buổi sáng” của Singapore, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định: “Tôi không sợ suy thoái kinh tế của Trung Quốc phá hủy sự ổn định thị trường của chúng ta".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Mnuchin cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại ở mức thấp nhất kể từ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi khác và sẽ không làm suy yếu sự ổn định của thị trường tài chính Mỹ. 

Số liệu kinh tế do Trung Quốc công bố ngày 19/10 vừa qua cho thấy kinh tế Trung Quốc quý III năm 2018 chỉ tăng  6,5%, thấp hơn mức dự kiến (6,6%) và quý II năm 2018 (6,7%). Đây cũng là mức tăng trưởng quý thấp nhất tại Trung Quốc kể từ quý I của năm 2009, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra sâu sắc.

Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức. Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng phát, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã xuất hiện tình trạng bán tháo, tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) cũng giảm mạnh, điều này khiến dư luận lo ngại về triển vọng phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Khi được hỏi liệu suy thoái kinh tế của Trung Quốc có làm nổi bật tầm quan trọng của đối thoại Mỹ-Trung hay không, ông Mnuchin đã trả lời: “Không, điều quan trọng nhất là tập trung vào việc tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng hơn”. Hiện nay Mỹ-Trung đã tạm dừng đàm phán thương mại song phương.

Ông Mnuchin cũng cho biết Mỹ giữ thái độ cởi mở trong việc thay đổi tiêu chí nhận định về các nước thao túng tiền tệ. Điều này sẽ làm tăng đáng kể khả năng chính quyền Trump sẽ xác định Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ, ông Trump đã cố gắng mượn cớ này để xác định lại các điều khoản thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Mnuchin hiện đang cân nhắc sử dụng một dự luật thương mại từ năm 1988, với một định nghĩa rộng về thao túng tiền tệ để xác định liệu một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không, ngay cả khi không hài lòng với các điều kiện thử nghiệm cụ thể mà pháp luật năm 2015 quy định. Theo ông, nói cách khác, là điều chỉnh các tiêu chí để xác định xem liệu một quốc gia có hạ thấp tỉ giá tiền tệ mang tính cạnh tranh hay không.

Bộ Tài chính Mỹ đã thông qua 3 bài trắc nghiệm để xác định liệu một nước có nên được gắn mác là kẻ thao túng tiền tệ hay không: ít nhất mỗi năm có thặng dư thương mại với Mỹ 20 tỷ USD; thặng dư các hạng mục bình thường chiếm 3% GDP nước đó và nhiều lần can thiệp vào thị trường tỷ giá.

Khuôn khổ các bài trắc nghiệm này do Quốc hội Mỹ đặt ra, nhưng ngưỡng cụ thể do Bộ Tài chính Mỹ tự quyết định. Ông Mnuchin nói: "Ở một thời điểm nhất định, chúng tôi có thể đánh giá liệu các tiêu chuẩn kiểm tra có nên được điều chỉnh hay không. Chúng tôi luôn quan tâm đến các vấn đề liên quan”. 

Trong bản báo cáo do Bộ Tài chính Mỹ công bố tuần trước, Mỹ đã không liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, nhưng vẫn tiếp tục đưa Trung Quốc vào danh sách theo dõi và bày tỏ lo ngại về thặng dư thương mại Mỹ-Trung. Báo cáo cũng bày tỏ “rất đáng thất vọng” về việc Trung Quốc không xác nhận thông tin can thiệp vào tỷ giá. 

Theo ông Mnuchin, nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ đã thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, nâng giá đồng USD và làm giảm tỷ giá tiền tệ của các thị trường mới nổi.

Ông Mnuchin thừa nhận “rõ ràng có vấn đề kinh tế” đằng sau sự suy yếu của đồng NDT. Khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, tỷ giá đồng NDT so với USD đã giảm khoảng 10% trong 6 tháng qua. Trước đó, ông Mnuchin từng đề cập đến vấn đề sụt giá của đồng NDT tại cuộc gặp Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương hồi đầu tháng 10. Khi đó, ông Dịch Cương đã không có ý kiến gì về việc đồng NDT tiếp tục mất giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục