Tác động của việc Trung Quốc gỡ bỏ phong tỏa đối với kinh tế toàn cầu

07:10' - 01/02/2023
BNEWS Giới quan sát kỳ vọng việc Trung Quốc gỡ bỏ phong toả sẽ tạo ra hiệu ứng bước ngoặt then chốt đối với nền kinh tế toàn cầu đang mắc kẹt giữa lạm phát và suy thoái.

Theo China Times, Trung Quốc bắt đầu gỡ bỏ hoàn toàn phong tỏa từ ngày 8/1/2023. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm 18,3% tỷ trọng GDP toàn cầu, do đó việc Trung Quốc mở cửa trở tại sau 3 năm phong tỏa để phòng chống dịch bệnh chắc chắn sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Giới quan sát kỳ vọng việc này sẽ tạo ra hiệu ứng bước ngoặt then chốt đối với nền kinh tế toàn cầu đang mắc kẹt giữa lạm phát và suy thoái.
Từ đầu năm đến nay thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh, trong thời gian gần một tháng, chỉ số công nghệ Nasdaq của Mỹ tăng 11% cho thấy nhà đầu tư hoàn toàn "phớt lờ" các đợt cắt giảm nhân viên quy mô lớn và lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng của nhiều "ông lớn" công nghệ như Google, Intel…
Bên cạnh những thông tin tích cực như lạm phát và thất nghiệp suy giảm, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Davos, Thụy Sỹ gần đây cũng phổ biến cho rằng kết quả tươi sáng của thị trường chứng khoán lần này về cơ bản xuất phát từ kỳ vọng gỡ bỏ phong tỏa của Trung Quốc.     
Thứ nhất, điều mà hầu hết mọi người kỳ vọng là tiêu dùng gia tăng sau khi Trung Quốc gỡ bỏ phong tỏa, từ đó đóng góp mạnh hơn cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và toàn cầu. Trong một năm rưỡi trở lại đây, Mỹ, châu Âu và các nước trên thế giới lần lượt gỡ bỏ phong tỏa, ngay cả khi rủi ro lây nhiễm virus gia tăng, nhưng "tiêu dùng trả thù" lại xuất hiện ở mọi quốc gia gỡ bỏ phong tỏa, không có ngoại lệ.
Chẳng hạn, theo dữ liệu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), tỷ lệ tiết kiệm của Mỹ tăng từ mức bình quân 7,25% trước đại dịch lên 17,9% trong thời gian đại dịch, nhưng tiêu dùng tăng mạnh sau khi gỡ bỏ phong tỏa vào tháng 7/2021 đã khiến cho tỷ lệ tiết kiệm giảm xuống còn mức 3,4% hiện nay.
Hơn nữa, do tiêu dùng tăng mạnh nên tỷ trọng của tiêu dùng đối với GDP đã tăng từ 66,5% (giai đoạn đầu đại dịch) lên 68,6% (sau khi gỡ bỏ phong tỏa). Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Mỹ đạt 5,9%, xấp xỉ mức trung bình 6% của toàn cầu, điều này và "tiêu dùng trả đũa" của người dân có mối quan hệ rất lớn.        
Hiện nay, tỷ lệ tiết kiệm của người dân Trung Quốc lên đến 36%, cao hơn mức 30% trước đại dịch, do đó ngay cả khi mức tăng trưởng tiêu dùng của người dân thấp do lo ngại về tình hình kinh tế khó khăn, nhưng nhu cầu tiêu dùng bị kìm hãm 3 năm vẫn là một động lực rất lớn.
Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố gỡ bỏ phong tỏa đến nay, thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh, đặc biệt những khu vực châu Á được điểm danh có thể hưởng lợi từ khách du lịch Trung Quốc như Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản…, cũng như những mặt hàng chất lượng cao được khách du lịch Trung Quốc tiêu thụ nhiều nhất đều ghi nhận mức tăng lớn sau khi thông tin gỡ bỏ phong tỏa được thông báo.
Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu LVMH - tập đoàn hàng hóa xa xỉ phẩm xuyên quốc gia lớn nhất toàn cầu - tăng gần 18%. Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng được hưởng lợi từ việc gia tăng xuất khẩu sau khi Trung Quốc phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng thể hiện sự kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc (ước đạt 4,4%) cao hơn mức trung bình của toàn cầu (2,7%), phục hồi vai trò đóng góp đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.     
Thứ hai, Trung Quốc gỡ bỏ phong tỏa sẽ có lợi cho việc phục hồi chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, đồng thời cũng có lợi cho việc giảm nhẹ áp lực lạm phát của toàn cầu, đặc biệt là Mỹ và châu Âu.

Mặc dù đợt lạm phát này chủ yếu xuất phát từ việc phát hành quá nhiều tiền trong thời gian đại dịch, nhưng giá các mặt hàng chiến lược như dầu mỏ và nguyên vật liệu… leo thang, sự hình thành các nút thắt cổ chai nguồn cung và xung đột Nga-Ukraine bùng nổ cũng đều là những nhân tố quan trọng gây nên tình trạng lạm phát cao.
Trong ba năm qua, việc phong tỏa nhà máy và thành phố ở Trung Quốc diễn ra liên tục đã khiến cho các loại hàng hóa trên toàn cầu thường xuyên thiếu hụt do đứt gãy nguồn cung. Năm 2021, sau khi các nước lần lượt gỡ bỏ phong tỏa, tình trạng mất cân đối cung-cầu (cung không đủ cầu) ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến lạm phát toàn diện ở nhiều nơi, bao gồm Mỹ và châu Âu.    
Xét từ tình hình hiện nay, việc Fed 7 lần tăng lãi suất với tổng cộng 425 điểm cơ bản trong năm 2022 đã phát huy tác dụng rõ ràng. Ngày 12/01/2023, Mỹ công bố tỷ lệ lạm phát tháng 12/2022 đã giảm xuống 6,5% từ mức đỉnh 9,1% trước đó. Tuy nhiên, do lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed nên chu kỳ tăng lãi suất lần này vẫn chưa kết thúc.
Nếu vấn đề nút thắt cổ chai nguồn cung có thể được hóa giải cùng với việc khắp nơi trên thế giới gỡ bỏ phong tỏa, đặc biệt là Trung Quốc, thì sẽ giúp giải tỏa đáng kể áp lực lạm phát, tăng lãi suất, suy thoái kinh tế…
Theo "Chỉ số hàng khô Baltic" (Baltic Dry Index - BDI) thường được sử dụng để đánh giá nguồn cung liệu có xuất hiện nút thắt cổ chai hay không, chỉ số này trong một tháng qua đã giảm từ 1.723 điểm xuống 703 điểm, tương ứng gần 60%, điều này cũng cho thấy lợi ích của việc Trung Quốc gỡ bỏ phong tỏa đối với sự thông suốt của chuỗi cung ứng toàn cầu.    
Cuối cùng, điều không thể xem nhẹ là sau khi Trung Quốc gỡ bỏ phong tỏa sẽ làm tăng mạnh nhu cầu các loại hàng hóa chiến lược như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, đồng, sắt và lương thực…, làm trầm trọng thêm áp lực giá cả hàng hóa gia tăng do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra, không có lợi cho việc hạ nhiệt lạm phát.
Năm nay do Mùa Đông ấm bất thường ở châu Âu nên nhu cầu năng lượng giảm mạnh. Vì vậy, giá khí đốt tự nhiên, dầu mỏ… hiện ở mức thấp. Tuy nhiên, nếu như giá đồng quốc tế tăng 10% trong gần một tháng qua, thì giá các loại lương thực như đậu tương, lúa mỳ, ngô… cũng có thể tăng lên do nhu cầu tiêu thụ sau khi Trung Quốc gỡ bỏ phong tỏa, đây là xu hướng cần phải tiếp tục quan sát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục