Tác động tiềm ẩn của Brexit tới kinh tế Anh

07:00' - 22/11/2022
BNEWS Sau gần hai năm có hiệu lực, thỏa thuận sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) này đang trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm các hoạt động đầu tư và thương mại tại Anh.
Cờ Anh (phải) và cờ EU tại London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo Le Monde vừa có bài viết “Đằng sau suy thoái của Anh là sự tan rã do Brexit gây ra” cho biết sau gần hai năm có hiệu lực, thỏa thuận sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) này đang trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm các hoạt động đầu tư và thương mại tại Anh.

Khi trình bày về ngân sách ngày 17/11, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt đã nhấn mạnh rằng sự suy thoái mà đất nước ông đang trải qua, GDP quý III/2022 giảm 0,2% và dự báo giảm 1,4% cho cả năm 2023, là do từ một nơi khác gây ra. Và ông cũng cho biết Anh không phải là một trường hợp đặc biệt: “Lạm phát ở Anh có cao (11,1% trong tháng 10/2022), nhưng vẫn chưa bằng ở Đức, Hà Lan và Italy. Lãi suất ở Anh có tăng (từ 0,1% lên 3% trong một năm), nhưng ở Mỹ, Canada và New Zealand còn tăng cao hơn”.

Nhưng còn Brexit thì sao? Ông Hunt chỉ đề cập đến vấn đề có một lần rồi chuyển sang ca tụng “những quyền tự do” mà ông có thể có trong chính sách kinh tế của mình. Điều này khiến nhiều người không khỏi khó chịu. Ông David Bailey, Giáo sư Đại học Aston ở Birmingham, cho rằng Brexit “là con voi trong phòng nhưng không ai muốn nói đến. Không thể chấp nhận được việc chính phủ từ chối nói về vấn đề này. Đã đến lúc phải nói chuyện về chủ đề này”.

Thỏa thuận Brexit được thông qua tháng 6/2016 và việc Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu có hiệu lực từ đầu năm 2021. Đại dịch và xung đột ở Ukraine khiến việc phân tích số liệu thống kê trở nên rất khó khăn, nhưng nhiều người cho rằng bây giờ đã có thể bắt đầu rút ra những kết luận nghiêm túc đầu tiên về điều này.

Chuyên gia John Springford, thuộc Trung tâm cải cách châu Âu - một nhóm tư vấn có trụ sở tại London, nhận xét rằng “Brexit thực sự không gây ra suy thoái, nguyên nhân là do xung đột ở Ukraine và giá cả tăng cao, giống như ở mọi nơi khác. Nhưng rõ ràng Brexit đã làm giảm tốc độ phát triển của nền kinh tế Anh”.

So sánh Anh với nền kinh tế của 22 quốc gia khác, ông Springford cho biết đại dịch COVID-19 gây sụp đổ kinh tế và sau đó có sự phục hồi rất nhanh, điều đó đã khiến việc tập trung dữ liệu trở nên rất khó khăn. Từ năm 2008 đến 2016, các chỉ số của Anh không có khác biệt mấy so với các nước được nghiên cứu trên. Nhưng kể từ năm 2016, kinh tế Anh đã chững lại, với tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn 5,2%, đầu tư giảm 13,7% và xuất khẩu giảm 13,6% so với nhóm trên.

Tuy nhiên, không phải nền kinh tế Anh đã sụp đổ, bởi trong quý II/2016 (thời điểm trưng cầu dân ý) đến quý II/2022, tăng trưởng tích lũy của nước này đạt 6,8%. Con số này kém hơn Mỹ (12,9%) hoặc Pháp (7,6%), nhưng tốt hơn Đức (5,5%) hoặc Italy (4,2%). Theo chuyên gia Springford, đơn giản mọi thứ đều chỉ ra rằng Anh sẽ làm tốt hơn nếu không có Brexit. Trong khi Giáo sư Bailey cho biết “đó là một sự xói mòn tốc độ chậm chứ không phải sự sụp đổ”.

Cần phải giải thích đánh giá này như thế nào? Có thể lấy ngành công nghiệp ô tô làm ví dụ điển hình. Sau cuộc trưng cầu dân ý, hầu hết các tập đoàn lớn đều ngừng đầu tư vào Vương quốc Anh do lo ngại có quá nhiều bất ổn, trong khi các mối quan hệ thương mại tương lai với Liên minh châu Âu (EU) đang được đàm phán. Thỏa thuận Brexit, được ký vào lúc chót của đêm Giáng sinh năm 2020, cuối cùng đã giúp Anh tránh được hàng rào thuế, nhưng cũng khiến nước này đánh mất vài năm quý giá.

Cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, ông Bailey cho rằng sự đáng tiếc xảy ra khi công nghiệp ô tô đang chuyển sang sản xuất xe điện và cần rất nhiều đầu tư. Nhà máy sản xuất động cơ của Ford ở Bridgend đóng cửa vào năm 2020, của Honda ở Swindon vào tháng 6/2021 và BMW vừa thông báo rằng việc sản xuất xe mini phiên bản chạy điện sẽ được chuyển sang Trung Quốc.

Về mặt chính thức, không có quyết định nào trong số ba quyết định này là kết quả trực tiếp của Brexit, nhưng thỏa thuận rút khỏi EU vẫn là một yếu tố quan trọng. Thậm chí Bailey còn nghi ngờ viễn cảnh các tập đoàn sản xuất ô tô biến mất khỏi “xứ sở sương mù”.

Một ví dụ khác đến từ Trung tâm tài chính London (City of London). Với Brexit, “hộ chiếu tài chính” của châu Âu, cho phép các sản phẩm được bán khắp EU từ London, đã không còn giá trị. Hàng chục nghìn nhân viên ngân hàng đã rời City of London để đến với các thành phố của EU, chẳng hạn Dublin, Frankfurt, Paris, Luxembourg hay Amsterdam.

Nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện. William Wright, người đứng đầu tổ chức tư vấn New Financial, cũng nêu một hiện tượng khác. Kể từ cuối năm 2019, số việc làm trong lĩnh vực tài chính ở Anh đã giảm đi 76.000 vị trí (trong tổng số 1,07 triệu việc làm), trong khi tại Mỹ, Canada, Pháp và Thụy Sỹ lại chứng kiến một xu hướng tiến bộ rõ rệt của lĩnh vực này.

Theo chuyên gia này, Brexit đã có “một vai trò quan trọng” trong sự suy yếu của City of London, liên quan trực tiếp đến hàng chục nghìn việc làm phải di dời, nhưng trước hết là gián tiếp bởi các tổ chức tài chính quốc tế lớn đã chọn đầu tư vào các nơi khác. “Kể từ năm 2016, Vương quốc Anh đã có 5 Thủ tướng so với chừng ấy thủ tướng của 37 năm trước. Rõ ràng, bất ổn chính trị này là một lực cản đối với các hoạt động đầu tư”.

Đối với công nghiệp ô tô cũng như đối với lĩnh vực tài chính, hai chuyên gia Bailey và Wright đều nhấn mạnh rằng còn nhiều nhân tố khác cũng đang gặp thách thức lớn. Ví dụ như điện khí hóa các phương tiện giao thông hoặc phát triển trí tuệ nhân tạo trong tài chính. Việc rời khỏi EU đã thêm “những hạt cát bổ sung”, góp phần làm xói mòn nền kinh tế Anh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục