Tác động từ việc dân số Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau hơn 60 năm

05:30' - 28/01/2023
BNEWS Tốc độ gia tăng dân số của Trung Quốc bắt đầu chậm lại lần đầu tiên sau hơn hơn 60 năm. Đây là lần giảm dân số đầu tiên kể từ cuộc Đại nhảy vọt vào đầu những năm 1960.
Theo báo Liên hợp buổi sáng, dân số Trung Quốc chiếm hơn 1/6 dân số thế giới. Sau hơn 40 năm tăng trưởng đáng kinh ngạc, từ 660 triệu người lên 1,4 tỷ người, tốc độ gia tăng dân số của Trung Quốc bắt đầu chậm lại lần đầu tiên sau hơn hơn 60 năm. Đây là lần giảm dân số đầu tiên kể từ cuộc Đại nhảy vọt vào đầu những năm 1960.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 17/1 công bố dân số năm 2022 giảm 850.000 người so với năm 2021, là 1,41175 tỷ người. Mặc dù chính phủ đã khuyến khích người dân sinh con, nhưng số ca sinh năm 2022 đã giảm từ 10,62 triệu vào năm 2021 xuống còn 9,56 triệu và tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ sinh trung bình là 6,77/1.000 người, giảm so với tỷ lệ 7,52/2021 người ghi nhận 1 năm trước đó. Đây cũng là tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ ít nhất là những năm 1950 đến nay.

Đồng thời, số người tử vong là 10,41 triệu, tăng nhẹ so với khoảng 10 triệu trong những năm gần đây. Các ca tử vong do COVID-19 ở Trung Quốc bắt đầu gia tăng vào tháng 12/2022 sau khi nước này đột ngột từ bỏ chính sách "Không COVID". 

Trong vài năm trở lại đây, xã hội Trung Quốc thỉnh thoảng nhắc đến vấn đề già hóa và tỷ lệ sinh giảm, có thể nói "nỗi lo dân số" đã và đang tích tụ trong lòng công chúng. Tuy nhiên, số liệu dân số năm 2022 vừa được công bố vẫn khiến nhiều người bất ngờ.

Chứng khoán Trung Quốc cũng có phản ứng. Các cổ phiếu liên quan đến sản phẩm trẻ em hoặc chăm sóc trẻ em của Trung Quốc đã giảm ngay sau khi thông tin trên được đưa ra, chẳng hạn như cổ phiếu của Ningbo David Medical Devices, công ty chuyên sâu về lĩnh vực lâm sàng cho trẻ sơ sinh, đã giảm 11%. Nhà sản xuất sữa công thức niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) China Feihe cũng giảm hơn 3%.

Theo Reuters, về lâu dài, các chuyên gia của Liên hợp quốc (LHQ) dự đoán dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người vào năm 2050, gấp hơn ba lần so với mức giảm dân số được dự đoán vào năm 2019. "Sách xanh về dân số và lao động" do Trung tâm nghiên cứu dân số và kinh tế lao động thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ban hành đầu năm 2019 chỉ ra rằng dân số Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất sau 10 năm, tức là vào năm 2029, sau đó là tăng trưởng âm. Kế hoạch phát triển dân số quốc gia (2016-2030) của Trung Quốc cũng dự đoán tỷ lệ sinh sẽ ổn định ở mức 1,8 trong giai đoạn từ năm 2020- 2030 và dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm vào năm 2031.

Vậy, mức tăng trưởng dân số âm xuất hiện trước thời hạn có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới?

Theo Bloomberg, dân số Trung Quốc đang giảm nhanh hơn đáng kể so với dự kiến trước đây, điều này có thể dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa như nhà mới thấp hơn, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Do dân số giảm, Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc vượt qua quy mô nền kinh tế Mỹ.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời Dị Phúc Hiền, nhà khoa học tại Đại học Wisconsin-Madison đã nghiên cứu vấn đề dân số của Trung Quốc trong nhiều năm, cho rằng dân số giảm đồng nghĩa với nhu cầu về bất động sản, vốn là trụ cột tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, giảm theo. Ông cho rằng việc một số người kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi kết thúc chính sách "Không COVID" có thể là quá lạc quan.

Tờ New York Times cũng chỉ ra rằng xu hướng thu hẹp dân số đang đẩy nhanh một tình trạng đáng lo ngại khác. Một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ không còn đủ người trong độ tuổi lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, vốn từng đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tình trạng thiếu lao động cũng sẽ dẫn đến doanh thu thuế từ thấp hơn, gây căng thẳng cho hệ thống lương hưu.

Vài năm trở lại đây, một số hãng truyền thông liên tục đưa tin chi phí lao động ở Trung Quốc đang tăng cao do lực lượng lao động giảm. Do đó, nhiều công ty nước ngoài đã chuyển các hoạt động sản xuất sử dụng nhiều sức lao động với tỷ suất lợi nhuận thấp từ Trung Quốc sang các nước có lao động dồi dào và chi phí tương đối thấp, chẳng hạn như Việt Nam, Bangladesh và Ấn Độ.

Tuy nhiên các quan chức Trung Quốc cho rằng không nên bi quan. Khang Nghĩa, Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong cuộc họp báo ngày 17/1 cho biết hiện tại, tổng cung lao động ở Trung Quốc vẫn đang vượt cầu. Điều đó có nghĩa là tổng dân số giảm thì không phải lợi thế kinh tế từ dân số sẽ biến mất. Chất lượng lực lượng lao động của Trung Quốc vẫn đang được cải thiện.

Ông Khang Nghĩa cho rằng dân số tăng trưởng âm là kết quả của sự phát triển kinh tế và xã hội sau một giai đoạn nhất định và đây là xu hướng chung của nhiều quốc gia. Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước điển hình khi phải đối mặt với các vấn đề như tỷ lệ sinh giảm mạnh và dân số già, trong quá trình phát triển đất nước.

Tuy nhiên, quy mô dân số của Nhật Bản và Hàn Quốc không bằng Trung Quốc, "đối thủ" thực sự của Trung Quốc là Ấn Độ. Ấn Độ hiện có khoảng 1,4 tỷ dân, nhưng khác với Trung Quốc, dân số Ấn Độ vẫn đang tăng lên, dù với tốc độ chậm hơn. Theo dự báo được LHQ công bố hồi tháng 7/2022, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trong năm 2023, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Một số chuyên gia cho rằng kết quả này có thể tác động đến trật tự an ninh toàn cầu. Hãng truyền thông Anh BBC dẫn lời Will Moss, Vụ trưởng Vụ Dân số thuộc Ban Kinh tế và Xã hội của LHQ, cho biết với tư cách là quốc gia đông dân nhất thì quốc gia đó có quyền đấu tranh cho một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ. Ấn Độ là thành viên sáng lập của LHQ và khẳng định yêu cầu về một ghế thường trực là chính đáng.

Trang tin Axios của Mỹ cũng có bài viết đồng ý với điều này và cho rằng việc Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới có thể có tác động đáng kể về kinh tế và xã hội đối với Ấn Độ và Trung Quốc và cuối cùng có thể ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại và đảo lộn sự cân bằng quyền lực toàn cầu.

Bài báo cũng đề cập rằng trong bối cảnh dân số Ấn Độ ngày càng tăng và ngày càng có nhiều nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc do yếu tố địa chính trị, sự thống trị của Trung Quốc với tư cách là công xưởng thế giới sẽ tiếp tục bị suy yếu và Ấn Độ sẽ được hưởng lợi từ đó.

Apple đã bắt đầu lắp ráp những chiếc iPhone mới nhất của mình tại Ấn Độ. Trước đây, hầu hết iPhone được lắp ráp tại các công ty Đài Loan (Trung Quốc) như Foxconn tại các nhà máy lớn ở Trung Quốc Đại lục, và đây là một bước đột phá lớn.

Quay trở lại chủ đề Trung Quốc lần đầu giảm dân số, nhiều báo cáo và chuyên gia đã đưa ra những phân tích và nhận định sâu sắc, trong đó nguyên nhân khách quan bao gồm chính sách một con, chi phí chăm sóc trẻ tăng cao và dịch bệnh COVID-19 tàn phá thế giới trong 3 năm qua.

Lo ngại về gánh nặng kinh tế xã hội do dân số quá đông, Trung Quốc đã thực hiện chính sách một con vào những năm 1970. Năm 1982, chính sách kế hoạch hóa gia đình một con trở thành chính sách quốc gia cơ bản của Trung Quốc. Kể từ đó, điều này đã làm thay đổi quan niệm về sinh đẻ của người dân Trung Quốc. Cả một thế hệ người Trung Quốc đã được giáo dục về sinh ít hơn từ mẫu giáo, điều này góp phần đến dân số ngày nay đang bị thu hẹp.

Bành Tú Kiện, nhà nghiên cứu tại Đại học Victoria ở Australia, nói với AFP rằng người Trung Quốc đã quen với những gia đình nhỏ vì chính sách một con đã tồn tại hàng chục năm qua. Tuy nhiên, khoảng 30 năm sau, khi tỷ lệ sinh tiếp tục giảm, chính sách một con của Trung Quốc dần được nới lỏng. Năm 2013, Trung Quốc đã cho phép một cặp vợ chồng có thể sinh con thứ hai với điều kiện một trong hai người là con một. Đến năm 2015, Trung Quốc thực hiện đầy đủ chính sách 2 con, đến năm 2021 nới lỏng hạn chế xuống cho phép mỗi gia đình được sinh 3 con.

Chính phủ Trung Quốc cũng ban hành một loạt ưu đãi cho các cặp vợ chồng và gia đình nhỏ để khuyến khích việc sinh đẻ, bao gồm trợ cấp tiền mặt, cắt giảm thuế, thậm chí mua nhà với giá ưu đãi. Ví dụ, ở Thâm Quyến, chính quyền địa phương cung cấp trợ cấp thai sản và trợ cấp chăm sóc trẻ cho đến khi đứa trẻ được 3 tuổi.

Tuy nhiên những biện pháp này hầu như không thay đổi được thực tế cơ bản là nhiều thanh niên Trung Quốc đơn giản là không muốn sinh con. Đối với họ, chi phí nuôi con ngày càng cao mà kinh tế lại không ổn định. Đồng thời, ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ đặt việc phát triển sự nghiệp lên trước việc lập gia đình, xa rời những giá trị mà thế hệ trước đề cao, chẳng hạn như tập trung nuôi con tại nhà sau khi sinh.

Ngoài ra, chính sách Không COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc trong 3 năm qua, bao gồm xét nghiệm quy mô lớn, cách ly và phong tỏa, cũng khiến một số gia đình phải ly tán trong thời gian dài và khiến nhiều người từ chối sinh con.

Giáo sư Nguyên Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội Dân số Trung Quốc, đã đăng bài trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, cho rằng mức tăng trưởng dân số âm của Trung Quốc cho thấy sự phát triển dân số của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới, sẽ mang lại những thách thức mới cho hệ thống kinh tế và xã hội, nhưng cũng sẽ mang lại những cơ hội dân số mới tương ứng.

Là quốc gia đông dân nhất trong nhiều năm, Trung Quốc đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Đây là một thực tế mới, đồng thời cũng là thách thức trong 100 năm qua, mấu chốt nằm ở chỗ Trung Quốc có thể tập trung nâng cao chất lượng dân số và thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ "lợi thế dân số" sang "lợi thế tài năng" hay không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục