Tách thành công hai bé gái song sinh dính nhau hậu môn và tủy sống

18:35' - 29/08/2017
BNEWS Hai bé gái song sinh 13 tháng tuổi dính nhau vùng hậu môn và tủy sống vừa được các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh tách rời thành công.
Hai bé gái song sinh dính nhau hậu môn và tủy sống Điểu Thị Bảo Hân - Điểu Thị Bảo Ân trước khi phãu thuật. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 2

Giáo sư Trần Đông A - cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đơn vị này đã thực hiện thành công ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh Điểu Thị Bảo Hân - Điểu Thị Bảo Ân.

Hai bé song sinh Bảo Hân - Bảo Ân, ngụ tỉnh Bình Phước, 13 tháng tuổi, nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 vào tháng 8/2016 và đã trải qua ba lần phẫu thuật đặt túi giãn da, một lần mổ cắt lọc lấy túi giãn da ra.

Sau quá trình điều trị kéo dài một năm, các bác sỹ quyết định phẫu thuật tách lìa hai bé, bởi theo Giáo sư Trần Đông A, càng để lâu nguy cơ tử vong trong quá trình phẫu thuật càng cao.

Tuy nhiên, do trường hợp cặp song sinh này dính nhau ở vùng cùng cụt và chung nhau một đoạn tủy sống S2-S4 nên có nguy cơ 2 chi dưới của các bé không thể hoạt động sau phẫu thuật.

Đồng thời, việc đóng màng tủy cũng không dễ dàng, có thể dẫn đến nhiễm trùng não và tử vong khiến các bác sỹ cân nhắc rất lâu.

Để hạn chế mọi rủi ro có thể xảy ra cho ca phẫu thuật, hơn 40 bác sỹ gồm cả các bác sỹ của khoa Phẫu thuật - Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành hội chẩn nhiều lần.

Ngày 23/8, dưới sự cố vấn của Giáo sư Trần Đông A, 40 bác sỹ được chia thành 8 ê - kíp thực hiện tách dính cho hai bé. Ca phẫu thuật kéo dài trong suốt gần 12 giờ và thành công hơn mong đợi.

Theo bác sỹ Đặng Đỗ Thanh Cần, Trưởng khoa Ngoại - Thần kinh, khó nhất là làm sao sau khi tách rời đảm bảo chi dưới của hai bé vẫn hoạt động được do ở phần dính nhau, các dây thần kinh của hai bé như chùm đuôi ngựa, đan xen, phải xác định được dây thần kinh nào chi phối từng bé để bóc tách.

Ngoài ra, hai bé còn chung nhau một đoạn tủy, cần phải tách phần tủy này ra. Trong khi đó cấu trúc thần kinh của cặp song sinh lại rất lộn xộn, hai bé quá nhỏ, do đó các bác sỹ phải sử dụng máy kích thích thần kinh để dò chức năng thần kinh của từng bé, sử dụng kính hiển vi và dụng cụ vi phẫu để phẫu thuật.

“Khi tách xong, chúng tôi phải làm sao đóng kín màng cứng để tránh xì dò dịch não tủy, đồng thời tính toán kỹ lưỡng khi đóng da bởi nếu da quá ít, không thể đóng kín, phẫu thuật coi như thất bại”, bác sỹ Cần cho biết thêm.

Hiện sức khỏe hai bệnh nhi đã ổn định, có thể uống sữa và đi ngoài bình thường. Giáo sư Trần Đông A cho biết, việc tách cặp song sinh đã đạt được thành công bước đầu ngoài mong đợi, nếu bảo đảm tách thần kinh tốt, sau này hai bệnh nhi sẽ phát triển bình thường. Tuy nhiên, để đánh giá được điều này phải chờ thêm thời gian.

Cũng theo Giáo sư Trần Đông A, song sinh dính liền nhau trước đây tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung chủ yếu là dính phần ngực bụng, đây là cặp song sinh đầu tiên dính hậu môn và tủy sống ở Việt Nam từ năm 1975 đến nay.

Y văn thế giới cũng mới ghi nhận 29 trường hợp song sinh dính nhau tương tự. Thành công bước đầu trong việc tách rời hai trẻ song sinh dính nhau phức tạp đã đánh dấu thêm một bước tiến của các bác sỹ Việt Nam đang tiệm cận với tiến bộ của y học thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục