Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm

13:09' - 06/10/2016
BNEWS Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng qua, tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đang chậm so với kế hoạch với 49 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Trong đó có một số tổng công ty lớn như Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam, Tổng công ty 36…

Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm. Ảnh minh họa: TTXVN

Tổng giá trị thực tế của 49 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là gần 32.000 tỷ đồng; trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là gần 23.290 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 49 đơn vị là 23.030 tỷ đồng; trong đó nhà nước nắm giữ 11.100 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.473 tỷ đồng, bán cho người lao động 343,6 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 6,7 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.105 tỷ đồng.

Đồng thời, trong 9 tháng năm 2016, Bộ Tài chính đã thực hiện bán phần vốn Nhà nước thu về Qũy hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp Trung ương được 3,2 nghìn tỷ đồng; các đơn vị đã thoái 3,2 nghìn tỷ đồng vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm, thu về 6,3 nghìn tỷ đồng.

Theo Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong 9 tháng năm 2016, công tác cổ phần hóa vừa phải tiếp tục thực hiện tại các đơn vị chưa hoàn thành theo kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015 đồng thời triển khai kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nên tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn còn chưa đạt được như kỳ vọng.

Ngoài ra do đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cũng có nhiều thời gian để chuẩn bị.

Thời gian tới, Cục Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước và theo lộ trình hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất. Đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, khẩn trương có phương án thoái vốn để cắt lỗ, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đồng thời, đẩy mạnh việc tái cơ cấu và nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh việc minh bạch, công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục