Tài nguyên nước - vũ khí sắc bén của Trung Quốc

05:30' - 06/09/2017
BNEWS Nước đã trở thành một "vũ khí hữu hình" và được xem như đòn bẩy chính trị đáng kể của Trung Quốc đối với các nước láng giềng phía Nam.
Đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trang tin National Interest (Mỹ) mới đây có bài phân tích của tác giả  Eugene K. Chow, chuyên gia viết về chính sách đối ngoại và các vấn đề quân sự.

Theo tác giả, mặc dù thế giới đã chú ý nhiều hơn đến các trang thiết bị quân sự mới đáng sợ của quốc gia châu Á này, nhưng ít ai chú ý tới một loại vũ khí đáng gờm mà Trung Quốc hầu như luôn lảng tránh và không bao giờ đề cập đến - đó là những con đập.

Với hơn 87.000 con đập và khả năng kiểm soát vùng cao nguyên Tây Tạng, nơi bắt nguồn 10 con sông lớn cung cấp sinh kế cho 2 tỷ người, Trung Quốc đang sở hữu thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Chỉ cần ấn nút, Trung Quốc có thể giải phóng hàng trăm triệu gallon nước từ các đập lớn, gây lũ lụt thảm khốc làm thay đổi toàn bộ hệ sinh thái ở các quốc gia khu vực hạ lưu. Trung Quốc từ lâu cũng đã biết tới sức mạnh hủy diệt của nước.

Trong Chiến tranh thế giới thứ II, nhằm ngăn chặn quân đội Nhật Bản, Tướng Lương Khải Siêu, chỉ huy Quân Đội Trung Quốc lúc bấy giờ, đã cho phá hủy một con đê dọc theo sông Hoàng Hà làm ngập hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp, khiến 800.000 người Trung Quốc thiệt mạng và gần 4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Trên thực tế, có rất ít khả năng Trung Quốc sẽ thực hiện hành động này đối với các nước láng giềng, nhưng đây vẫn là đòn bẩy của Trung Quốc, với vị thế là một quốc gia ở khu vực thượng lưu có khả năng kiểm soát nguồn lực thiết yếu nhất của cuộc sống.

Dãy Himalaya được mệnh danh là "Tháp nước của châu Á". Bảy trong số những con sông lớn nhất của lục địa bắt đầu từ đây, bao gồm: sông Mê Công, sông Hằng, sông Dương Tử, sông Indus và sông Irrawaddy.

Nước bắt nguồn từ tuyết tan trên cao nguyên Tây Tạng tạo thành những dòng sông hùng vĩ chảy qua biên giới của Trung Quốc trước khi đến Nam Á. Để giải quyết nhu cầu về điện và phần nào giảm sự phụ thuộc vào than, Trung Quốc đã xây dựng một loạt các con đập.

Năm 1949, Trung Quốc có khoảng 40 đập thuỷ điện nhỏ, nhưng hiện tại con số này còn nhiều hơn tổng số đập của cả Mỹ, Brazil và Canada. Riêng trên sông Mekong, Trung Quốc đã xây dựng 7 con đập lớn và có kế hoạch xây dựng thêm 21 con đập nữa.

Chỉ tính riêng một con đập mới của Trung Quốc thôi cũng có khả năng sản xuất thủy điện nhiều hơn tất cả các đập của Việt Nam và Thái Lan trên sông Mekong cộng lại. Sự gia tăng mạnh mẽ trong hoạt động xây dựng đập đã có tác động lớn đến môi trường, gây lo ngại cho các quốc gia phía hạ lưu.

Milap Chandra Sharma - nhà nghiên cứu khí hậu học thuộc đại Học Jawaharlal Nehru ở Ấn Độ nhận xét rằng ngoài những vấn đề về môi trường, các đập ở Tây Tạng có thể khiến (Ấn Độ) rơi vào tình trạng thảm khốc. "Chúng có thể vỡ trong các trận động đất, việc phá vỡ đập dù vô tình hay cố ý đều có thể trở thành vũ khí chống lại Ấn Độ trong một cuộc chiến tranh”.

Trong quá khứ, Ấn Độ đã cáo buộc Trung Quốc xả các con đập gây ra lũ quét, trong đó có một trận gây thiệt hại khoảng 30 triệu USD và khiến 500.000 người trở thành vô gia cư ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ. Mỗi năm, vào mùa mưa của Trung Quốc, các quốc gia ở hạ lưu đều ở trong tình trạng cảnh giác cao độ khi các con đập xả nước để giảm áp lực nhưng ít khi cảnh báo trước.

Tài nguyên nước - vũ khí sắc bén của Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Việt Nam, giải thích: "Việc xả một con đập sẽ gây hiệu ứng domino trên toàn bộ hệ thống, có thể gây ra thiệt hại lớn”. Ngoài lũ lụt, các con đập của Trung Quốc cũng được cho là nguyên nhân gây ra các đợt hạn hán tồi tệ hơn.

Năm ngoái, Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc xả nước từ đập Vân Nam trên sông Mekong để giảm bớt tình trạng thiếu nước trầm trọng ở hạ nguồn. Sau đó Trung Quốc đã đồng ý và cho nước chảy vào Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Hai thái cực hạn hán và lũ lụt không chỉ làm nổi bật tác động môi trường của các con đập ở Trung Quốc mà còn là lời nhắc nhở mạnh mẽ về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng phía Nam. Những con sông này vốn là nguồn gốc sự sống ở Nam Á, cung cấp nước uống, tưới tiêu cho canh tác, môi trường sống cho ngư nghiệp và vận chuyển thương mại.

Bằng cách kiểm soát dòng chảy của huyết mạch của khu vực, Trung Quốc đã đạt được sức mạnh to lớn và đối mặt với những cáo buộc lạm dụng. Ông Tanasak Phosrikun, một nhà hoạt động Thái Lan ở sông Mekong, nói: "Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đã sử dụng các con sông như một quân bài mặc cả”.

Năm ngoái, phản bác trước sự tức giận ngày càng tăng ở Ấn Độ đối với các con đập của Trung Quốc, tờ Thời Báo Toàn Cầu của nhà nước Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố: "Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ không nên bị ảnh hưởng bởi một cuộc chiến về nước”.

Tuyên bố có đoạn: "Thành thật mà nói, Ấn Độ không nhất thiết phải cường điệu hóa các dự án (xây dựng đập) này, vì các dự án chỉ nhằm mục đích giúp phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên nước một cách hợp lý".

Mặc dù Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của một "cuộc chiến tranh nước" nhưng lại từ chối chia sẻ dữ liệu thủy văn với Ấn Độ cho dù hai bên đã ký một thỏa thuận về vấn đề này trong năm nay. Dữ liệu này rất quan trọng trong mùa mưa do nó có thể giúp Ấn Độ dự báo chính xác hơn tình trạng lũ lụt và đưa ra những cảnh báo sớm nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Tóm lại, nước đã trở thành một "vũ khí hữu hình" và được xem như đòn bẩy chính trị đáng kể của Trung Quốc đối với các nước láng giềng phía Nam, nhất là trong bối cảnh tình trạng khan hiếm nước ngày càng trầm trọng hơn do tình trạng biến đổi khí hậu và gia tăng dân số.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực hợp tác khu vực nhưng các nước Nam Á vẫn không thể đạt được thành công trong việc khuyến khích sự phát triển bền vững và sử dụng có trách nhiệm đối với các con sông.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục