Tài sản thanh lý ế ẩm, ngân hàng khó thu hồi nợ xấu

10:16' - 09/10/2022
BNEWS Hàng trăm thông tin bán đấu giá tài sản, khoản nợ được đăng trên website của các ngân hàng mỗi tháng.
Thậm chí, nhiều tài sản, khoản nợ rao bán chật vật tới cả chục lần, hạ giá trăm tỷ đồng vẫn ế. Nợ xấu cũ chưa thu hồi được, nợ xấu mới lại có xu hướng gia tăng đang gây áp lực lớn lên hệ thống ngân hàng.
*Giá bèo vẫn ế
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Vertical Synergy Việt Nam với giá khởi điểm là 348,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là lần thứ 4 BIDV rao bán khoản nợ này và giá khởi điểm cũng đã giảm khoảng 123 triệu đồng so với lần rao bán đầu tiên.

BIDV cho biết, tổng dư nợ tính đến ngày 14/9/2022 của Công ty Cổ phần Vertical Synergy Việt Nam là hơn 481 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc hơn 347 tỷ đồng, dư nợ lãi là 134 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 63 (tầng 1) Pasteur, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, chủ tài sản là ông Hoàng Như Luận.

Cùng với đó còn 12 bất động sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Phường An Phú Đông, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh, chủ tài sản là ông Phạm Văn Công và bà Phạm Thị Nhàn. Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn có tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 102 Trần Quốc Toản, phường 7, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh, chủ tài sản là ông Trần Văn Thông và hàng tồn kho theo các hợp đồng thế chấp đã ký.
Trước đó, BIDV cũng chật vật với khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh khi rao bán đến hơn chục lần vẫn chưa có người mua. Tính đến ngày 30/4/2022, tổng dư nợ hiện là 2.198,4 tỷ đồng và hơn 20 triệu USD (tương đương với khoảng 463 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ gốc là 1.110 tỷ đồng và 11,8 triệu USD; dư nợ lãi, phí phạt là hơn 1.088 tỷ đồng và 8,1 triệu USD.
Trong lần đấu giá gần nhất, BIDV đưa ra giá hơn 1.154 tỷ đồng, giảm đến hơn 1.000 tỷ đồng so với lần bán đấu giá đầu tiên vào năm 2020. Tài sản bảo đảm khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh là hơn 64 ha nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn tại thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ngoài ra, khoản nợ còn được đảm bảo bằng nhiều bất động sản quyền khai thác mỏ chì kẽm khác.
Tương tự tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), khoản nợ của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng cũng được rao bán tới 28 lần nhưng vẫn ế ẩm. Giá trị khoản nợ tính đến 15/10/2018 là 708 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 352 tỷ đồng, nợ lãi là 356 tỷ đồng.
Dù vậy, giá khởi điểm Agribank đưa ra lần này chỉ 352 tỷ đồng, bằng chính nợ gốc mà doanh nghiệp này phải trả. Tài sản đảm bảo khoản nợ bao gồm giá trị quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh diện tích 6.952m2 tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh và toàn bộ giá trị xây dựng của công trình cao ốc căn hộ Hạnh Phúc được xây dựng trên thửa đất số 155, tờ bản đồ số 9 tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh.
Còn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), loạt tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam lại tiếp tục được rao bán để thu hồi nợ. Đáng chú ý, trong lần đấu giá này, giá khởi điểm của loạt tài sản gồm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, nhà xưởng, máy móc... chỉ còn hơn 926 tỷ đồng, giảm khoảng 260 tỷ đồng so với mức giá Vietcombank đưa ra cách đây gần 1 năm.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng chật vật với khoản nợ của Công ty cổ phần Phúc Đạt. Khoản nợ này có giá khởi điểm chỉ 77 tỷ đồng trong khi giá trị khoản nợ tạm tính đến ngày 31/3/2022 là hơn 161,5 tỷ đồng; trong đó, nợ gốc là hơn 105,6 tỷ đồng, lãi quá hạn là hơn 48,1 tỷ đồng và lãi phạt quá hạn là gần 7,8 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm bảo của khoản nợ gồm hệ thống nhà xưởng sản xuất, nhà điều hành, kho chứa nguyên vật liệu, thành phẩm, hệ thống nhà xưởng và các công trình phụ trợ, toàn bộ máy móc thiết bị thuộc dự án nhà máy sản xuất xi măng trắng. Dự án nhà máy được hình thành trong tương lai được xây dựng và lắp đặt trên diện tích đất thuê hơn 4,6 ha tại xã Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
*Nợ xấu khó thu
Có thể thấy, các ngân hàng đã rất tích cực bán đấu giá tài sản bảo đảm để thu hồi nợ quá hạn. Bán đấu giá cũng được xem là một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp tối ưu mà các ngân hàng lựa chọn. Dù vậy, nhiều tài sản giá trị lớn được rao bán nhiều lần và hạ giá sâu vẫn ế ẩm.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật SBLAW, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này: Trước nhiên là nguyên nhân về kinh tế, nhiều tài sản đem ra phát mại nhưng sau một quá trình dài xử lý nợ xấu, tài sản trở nên hết giá trị hoặc là giá trị còn thấp. Dẫn ví dụ về một chiếc xe ô tô, nếu nó là chiếc xe đời những năm 2006-2010 thì nay đem ra phát mại cũng không còn ai mặn mà muốn mua nó nữa.

Mặt khác, Luật sư Hà chỉ ra việc định giá tài sản đôi khi còn chưa sát với giá thị trường khiến các tổ chức, cá nhân dù có nhu cầu mua nhưng lại e ngại vì giá quá cao. Qua mỗi lần đấu giá, giá khởi điểm đều được điều chỉnh giảm nhưng chỉ giảm nhỏ giọt nên dù có rao bán cả chục lần thì giá trị tài sản vẫn rất lớn.
Chưa kể khi mua được tài sản thanh lý rồi thì vẫn còn rất nhiều thủ tục liên quan khác nữa. Đây cũng là điều khiến người mua còn ngập ngừng trước những tài sản phát mại của ngân hàng.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng một số khoản nợ khó bán thì đã khó bán từ lâu nay rồi chứ không phải bây giờ mới khó bán. Và vì khó bán nên ngân hàng sẽ phải bán đi bán lại nhiều lần. Hầu hết các ngân hàng đều đang phải đối mặt với tình trạng trên vì tài sản đảm bảo đa phần là bất động sản, trong khi thị trường này đang trầm lắng nên việc thu hồi nợ cũng gặp không ít khó khăn.

Tuy vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, cũng cần phải ghi nhận rằng nhờ có Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42), việc xử lý tài sản đảm bảo thời gian qua của hệ thống ngân hàng đã được thực hiện khá tốt. Cùng với Nghị quyết 42, sự hồi phục củ thị trường bất động sản khoảng từ 2-3 năm qua cũng đã tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản đảm bảo và nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2022, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 1.449,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu; riêng 7 tháng năm 2022 xử lý được khoảng 88,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Riêng xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/7/2022, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 399,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Đến cuối tháng 7/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn là 1,7%; tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 5,41% (cuối năm 2021 là 6,3%).
Số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2022 của các ngân hàng cho thấy, dư nợ xấu tuyệt đối tại 27 ngân hàng niêm yết tính đến 30/6/2022 là 120.962 tỷ đồng, đã tăng lên 23.377 tỷ đồng, tương đương tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, TS. Cấn Văn Lực dự báo, nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng năm 2022 sẽ tăng từ mức 1,9% hồi cuối năm 2021 lên thành 2%, còn nợ xấu gộp giảm từ mức 7,31% xuống khoảng 6% vì kinh tế Việt Nam phục hồi tốt hơn kỳ vọng, giúp nợ xấu tiềm ẩn giảm.
Dù vậy, nợ xấu tiềm ẩn vẫn có nguy cơ gia tăng khi sức ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lên các doanh nghiệp còn kéo dài. Nên áp lực nợ xấu tăng cao trong tương lai là vẫn có. Vì thế, giới chuyên gia khuyến cáo các ngân hàng cần chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, dù điều này sẽ kéo theo thách thức về tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục