Tại sao người Pháp vẫn thận trọng trước triển vọng phục hồi kinh tế quốc gia?

05:30' - 10/07/2021
BNEWS Có một điều không thể phủ nhận là nước Pháp vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất do đại dịch COVID-19 gây ra, khi biến thể delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng.

 

Giới quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Pháp đang kỳ vọng vào một thời kỳ phục hưng kinh tế mạnh mẽ, đi cùng với triển vọng rộng lớn hơn cho tương lai nền chính trị và kinh tế của quốc gia Tây Âu.

Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là nước Pháp vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất do đại dịch COVID-19 gây ra, khi biến thể delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng.

* Phục hồi với tâm lý thận trọng

Agnès Bénassy-Quéré, chuyên gia kinh tế trưởng tại Bộ Tài chính Pháp, nhận định: "Sự phục hồi kinh tế là rất mạnh mẽ. Chúng tôi khá hài lòng với điều này", đồng thời chỉ ra rằng Văn phòng thống kê quốc gia Insee của Pháp đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2021 lên ngưỡng 6%.

Dù vậy, phát biểu với đài CNBC khi tham dự một diễn đàn kinh tế ở Aix-en-Provence, ông Agnès Bénassy-Quéré vẫn nói rằng: "Dự báo tăng trưởng kinh tế chính thức (của Pháp) vẫn được duy trì ở mức 5% trong năm 2021 do chúng tôi thận trọng về sự sụt giảm. Sự xuất hiện của biến thể delta buộc Pháp phải duy trì một số hạn chế cho đến cuối năm nay và những dự báo được đưa ra hồi mùa Xuân đã tính đến những hạn chế vào nửa cuối năm. Cho đến nay, chúng tôi sẽ không thay đổi dự báo này và sẽ chờ xem điều gì xảy ra trước khi bắt đầu xây dựng kế hoạch ngân sách năm 2022".

Đại dịch COVID-19 đã để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng tại Pháp, nơi có hơn 5,8 triệu ca nhiễm được ghi nhận và hơn 111.000 ca tử vong cho đến nay, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.

Giống như các quốc gia khác, Pháp đã đưa ra các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và việc làm trong thời kỳ đại dịch. Điều này khiến một số người lo ngại rằng nếu những tín hiệu kinh tế tích cực tiếp tục được phát đi, việc chính phủ cắt giảm những biện pháp hỗ trợ này có thể gây ra tình trạng mất việc làm và buộc một số công ty phải đóng cửa.

Chuyên gia Bénassy-Quéré cho biết, chính phủ đã "rất thận trọng về điều đó", nhưng thị trường lao động hiện đang phục hồi. Chuyên gia này nói: "Các biện pháp hỗ trợ sẽ giảm dần trong mùa Hè. Tuy nhiên, một số biện pháp hỗ trợ vẫn sẽ được duy trì, chẳng hạn như kế hoạch hỗ trợ thất nghiệp dài hạn vẫn sẽ được áp dụng trong các ngành công nghiệp như máy bay, nơi chúng tôi thực sự muốn duy trì các kỹ năng và vì vậy sẽ có một số chương trình đào tạo lại kỹ năng".

Dù vậy, ông Bénassy-Quéré cũng lưu ý rằng trong khi một số ngành nghề đã phục hồi từ khủng hoảng, các ngành đang bị tụt lại phía sau, chẳng hạn như du lịch. Bên cạnh tốc độ phục hồi không đồng đều, một vấn đề khác mà Paris phải đối mặt là các khoản vay nợ khổng lồ đã đẩy tỷ lệ nợ của Pháp lên mức cao kỷ lục.

Đầu năm nay, Văn phòng thống kê quốc gia Insee của Pháp đã báo cáo rằng nợ chính phủ của nước này đã tăng lên mức 115,7% GDP vào cuối năm 2020 từ mức chỉ 97,6% vào năm 2019.

* Sự "thờ ơ" của người dân Pháp

Hiện tại vẫn chưa rõ liệu Pháp sẽ thanh toán "núi nợ" này như thế nào, bởi hiện nay không có nhiều khả năng chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron sẽ tiến hành tăng thuế vào thời điểm chỉ còn 10 tháng trước khi bầu cử Tổng thống diễn ra.

Bên cạnh đó, việc liệu ông Macron có tiếp tục với những chính sách cải cách đầy tham vọng (và không được ưa chuộng) để hiện đại hóa và đơn giản hóa hệ thống lương hưu đang ì ạch của Pháp hay không cũng là điều chưa chắc chắn giữa bối cảnh đại dịch.

Cuộc bầu cử Tổng thống tại Pháp sẽ diễn ra vào tháng 4/2022. Cho đến nay, hai vòng bầu cử cấp khu vực tại Pháp với kết quả bỏ phiếu không mấy tích cực đã "xua tan" những kỳ vọng rằng đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) sẽ có thể giành lợi thế trong cuộc bầu cử vào năm tới.

Trong khi đó, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp trong cả hai vòng đã khiến một số nhà phân tích bày tỏ lo ngại về sự bất bình của cử tri ở Pháp. Cũng tham dự cuộc họp kinh tế tại Aix-en-Provence, Chủ tịch Nhóm xã hội chủ nghĩa tại Quốc hội Valérie Rabault đã nói với CNBC rằng "xã hội Pháp đang tan vỡ", với bằng chứng là số cử tri đi bỏ phiếu trong khu vực thấp.

Bà Valérie Rabault nói thêm: "Chúng tôi đã tổ chức các cuộc bầu cử cấp địa phương và có ít hơn 35% người dân tham gia bỏ phiếu. Con số này rất thấp. Đây là lần đầu tiên ở Pháp, chúng tôi ghi nhận ít người đi bỏ phiếu đến vậy trong các cuộc bầu cử địa phương. Đối với tôi, điều này phản ánh sự thờ ơ của người dân trong việc đóng góp vào giá trị chung cho nước Pháp, cho xã hội, và đây là thách thức lớn".

* Những vấn đề "thâm căn cố đế"

Các lãnh đạo doanh nghiệp tham dự diễn đàn kinh tế ở Aix-en-Provence đã nói với CNBC rằng tại Pháp vẫn tồn tại những vấn đề mang tính cơ cấu khó khắc phục một cách dễ dàng.

Chủ tịch Pierre-André de Chalendar của tập đoàn vật liệu xây dựng Pháp Saint-Gobain nhận định: "Sự chia rẽ từng tồn tại trong xã hội Pháp vẫn được duy trì cho đến nay, đó có thể là sự phân chia về lãnh thổ hay sự khác biệt giữa các thế hệ và tỷ lệ người dân đi bầu đang ở mức rất thấp như chúng ta đã thấy trong cuộc bầu cử vừa qua".

Chuyên gia này nói thêm: "Các ưu tiên rất rõ ràng, (đó là) chuyển đổi năng lượng và tái công nghiệp hóa. Đây là cách tốt nhất để phá vỡ sự chia rẽ và tập trung nhiều hơn vào các đối tượng như thanh niên và hoạt động giáo dục. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để làm được điều đó và tôi nghĩ ở Pháp, vấn đề là nhà nước, về tổng thể, đang quá lớn và hoạt động không đủ hiệu quả ".

Ross McInnes, Chủ tịch của Safran, đồng ý rằng có "hai vấn đề cơ cấu quan trọng" cần được giải quyết ở Pháp, trong đó vấn đề chính là chất lượng giáo dục.

Ông Ross McInnes nói với CNBC: "Về giáo dục, hệ thống trường học đã khiến chúng tôi thất vọng. 100.000 thanh niên Pháp rời trường trung học với những điểm số không tốt trong các môn liên quan đến Toán học. Đây là điều cần phải thay đổi. Nếu không, các công ty sẽ không thể tuyển dụng những người tài năng cho các công việc tốt "./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục