Tâm lý thận trọng bao trùm các thị trường châu Á

17:00' - 21/08/2024
BNEWS Trong phiên chiều 21/8 tại châu Á, giá vàng “neo” gần mức cao kỷ lục, trong lúc thị trường “vàng đen” chịu nhiều áp lực. Trong khi đó, tâm lý thận trọng chi phối các thị trường chứng khoán.
* Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu đà giảm trên thị trường chứng khoán châu Á

Tâm lý thận trọng chi phối các thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch chiều 21/8, khi tâm điểm chú ý đang hướng đến bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào ngày 23/8 tại hội nghị Jackson Hole ở Wyoming.

 
Hong Kong (Trung Quốc) là một trong những thị trường giảm mạnh nhất trong phiên này, với chỉ số Hang Seng để mất 0,7% và đóng phiên ở mức 17.391,01 điểm, khi cổ phiếu của các công ty công nghệ đi xuống. Cổ phiếu của “gã khổng lồ” thương mại điện tử JD.com có thời điểm giảm hơn 11% sau khi Bloomberg đưa tin nhà bán lẻ khổng lồ Walmart của Mỹ có kế hoạch bán tháo 3,7 tỷ USD cổ phiếu của công ty này với giá chiết khấu. Tuy nhiên, JD.com đã thu hẹp mức giảm xuống gần 9%, trong khi cổ phiếu của Alibaba và NetEase cũng hòa chung sắc đỏ.

Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 0,3% xuống 37.951,80 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm 0,4% xuống 2.856,58 điểm. Các thị trường Mumbai, Manila, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) cũng giảm điểm, trong khi Sydney, Bangkok, Seoul và Jakarta vẫn giữ được đà tăng.

Dữ liệu cho thấy lạm phát hạ nhiệt, doanh số bán lẻ vẫn lành mạnh và thị trường việc làm nới lỏng đã củng cố quan điểm rằng các quan chức Fed đang trên đà đưa nền kinh tế hạ cánh mềm và tránh suy thoái.

Với khả năng cao Fed sẽ hạ lãi suất, các suy đoán trên thị trường hiện đang tập trung vào việc Fed sẽ giảm lãi suất bao nhiêu lần và với mức độ như thế nào. Một số ý kiến cho rằng Fed sẽ hạ lãi suất đến 1 điểm phần trăm trong năm nay.

Trong khi các nhà phân tích lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán, chuyên gia Stefan Angrick tại Moody's Analytics cảnh báo "bất cứ điều gì thay đổi triển vọng lãi suất đều có thể gây ra những cú ‘nấc’ mới cho thị trường".

Theo ông, những yếu tố này bao gồm cuộc bầu cử của Mỹ và tình hình ở Trung Đông, cũng như những số liệu tiêu cực. Chuyên gia này cho rằng bất kỳ dữ liệu nào gây trì hoãn việc cắt giảm lãi suất ở Mỹ hoặc tăng lãi suất ở Nhật Bản đều có thể dẫn đến những biến động lớn về tiền tệ, cổ phiếu và trái phiếu.

Tại Việt Nam, khép lại phiên này, chỉ số VN-Index tăng 11,5 điểm, hay 0,9%, lên 1.284,05 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index ghi thêm 1,11 điểm, hay 0,47%, lên 238,42 điểm.

* Giá vàng “neo” gần mức cao kỷ lục

Vàng được giao dịch ở dưới mức cao kỷ lục trong phiên chiều 21/8, khi giới đầu tư đang đón đợi biên bản cuộc họp gần đây nhất của Fed để có thêm manh mối về mức độ hạ lãi suất.

Vào lúc 14 giờ 10 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 2.514,03 USD/ounce, sau khi đạt mức cao kỷ lục là 2.531,60 USD trong phiên trước đó. Giá vàng kỳ hạn tăng 0,1% lên 2.551,80 USD.

Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng gần 470 USD, hay 22%, và tình hình căng thẳng địa chính trị, sự bất ổn do cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Mỹ và triển vọng cắt giảm lãi suất có thể sẽ thúc đẩy giá kim loại quý này lên cao hơn nữa.

Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch tin chắc rằng Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng Chín, với khả năng 70% là giảm 0,25 điểm phần trăm.

Đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng giảm, khiến kim loại quý không sinh lãi như vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Thị trường đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách tháng Bảy của Fed dự kiến sẽ được công bố trong ngày 21/8 và bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell về triển vọng kinh tế của Mỹ vào ngày 23/8 tại Jackson Hole.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,4% lên mức 29,53 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,5% lên 951,10 USD/ounce.

Tại Việt Nam, sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 79 - 81 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

* Nhiều áp lực cho thị trường “vàng đen”

Giá dầu giảm tại châu Á trong phiên chiều 21/8, khi lượng dầu thô dự trữ của Mỹ ước tính tăng và căng thẳng ở Trung Đông được dự đoán sẽ hạ nhiệt.

Vào đầu giờ chiều nay, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 11 xu Mỹ, hay 0,1%, xuống 77,09 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 14 xu Mỹ, hay 0,2%, xuống 73,03 USD/thùng.

Theo số liệu ước tính của Viện Xăng dầu Mỹ (API), lượng dầu thô dự trữ của Mỹ được cho là đã tăng 347.000 thùng trong tuần trước. Mỹ là nước sản xuất và tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, và lượng dầu dự trữ của nước này tăng cho thấy tình trạng dư thừa nguồn cung, vốn có thể gây áp lực lên giá.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kết thúc chuyến thăm Trung Đông nhằm giúp đàm phán thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.

Các nhà chiến lược hàng hóa của ING cho biết, bên cạnh những lo ngại về nhu cầu, thì hy vọng về một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas cũng đang gây áp lực lên giá dầu. Theo các chuyên gia này, trong khi nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu, biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu trên toàn cầu đã chịu áp lực trong phần lớn thời gian của tháng Tám, cho thấy những lo ngại về nhu cầu này không chỉ giới hạn ở Trung Quốc.

Những khó khăn kinh tế ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã tiếp tục gây trở ngại cho thị trường, khi biên lợi nhuận yếu và nhu cầu nhiên liệu thấp đã kìm hãm hoạt động tại các nhà máy lọc dầu.

Dữ liệu hải quan tuần này cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga, nhà cung cấp hàng đầu của nước này, đã giảm 7,4% trong tháng Bảy so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu dầu nhiên liệu đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục