Tầm nhìn quốc gia đặt trên “tâm tư tỉnh nhà”

09:35' - 15/04/2025
BNEWS Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản của Tổ quốc.

Ngày 14/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

 

Trước đó, ngày 12/4, Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã quyết nghị số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Chính phủ; sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập gồm thành phố Hà Nội, thành phố Huế và các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng. Còn lại 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sáp nhập, hợp nhất, thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.

Mục tiêu cao nhất của việc sáp nhập cấp tỉnh là tạo không gian phát triển cho các đơn vị hành chính mới phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau gần 40 năm đổi mới thì thực trạng tổ chức không gian phát triển đất nước vẫn còn nhiều hạn chế - không gian phát triển bị cắt vụn theo địa giới hành chính; liên kết vùng còn nhiều bất cập; đầu tư phát triển còn dàn trải mà chưa tập trung nguồn lực hình thành rõ các vùng động lực đóng vai trò đi đầu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế đất nước; chưa hình thành được bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia đồng bộ và hiện đại…

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là tư duy phát triển dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; thiếu quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia để xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ trên phạm vi cả nước; thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế liên ngành, liên vùng; vẫn còn tư tưởng cục bộ địa phương.

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh lần này là một bước đi hướng tới tổ chức một cách hiệu quả không gian phát triển quốc gia, có được sự liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng là một bước để thực hiện việc phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; đồng thời, có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp với điều kiện của nền kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội cho các khu vực khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền.

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng nhằm để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản của Tổ quốc.

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn là nhằm thực hiện việc tổ chức không gian phát triển quốc gia phải gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời; chú trọng việc kết nối các hành lang kinh tế trong nước với các hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hiện nay, chỉ có 28 trong số 63 tỉnh, thành phố có biển, do đó việc sáp nhập chính là nhằm tạo điều kiện để mở rộng sự tiếp cận không gian biển - một không gian có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế, quốc phòng và phát triển lâu dài.

Việc sáp nhập, hợp nhất tỉnh này với tỉnh kia được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, tính tới nhiều yếu tố để đạt được sự phát triển bền vững, lâu dài.

Chẳng hạn, tiến trình hợp nhất Thái Bình và Hưng Yên thành tỉnh mới Hưng Yên không phải là câu chuyện “ai lấn ai” mà là nhằm “hòa chung sức mạnh để phát triển”.

Sau khi hợp nhất, tỉnh Hưng Yên mới có diện tích tự nhiên hơn 2.500 km² (gấp đôi tỉnh Hưng Yên cũ) và dân số hơn 3 triệu người (gồm 1,2 triệu người của Hưng Yên và 1,8 triệu người của Thái Bình). Đây là cơ sở để hình thành một thị trường nội địa rộng lớn, tạo lợi thế về quy mô cho các ngành sản xuất, dịch vụ. Việc xóa bỏ ranh giới hành chính giữa hai tỉnh sẽ thúc đẩy dòng chảy tự do của vốn, lao động và công nghệ, từ đó tối ưu hóa nguồn lực hiện có.

Các chuyên gia cho rằng việc hợp nhất Hưng Yên và Thái Bình sẽ biến hai “mảnh ghép” riêng lẻ thành một thể thống nhất, tạo ra không gian kinh tế mới. Các khu công nghiệp của Hưng Yên có thể kết nối trực tiếp với nguồn lao động dồi dào từ Thái Bình, trong khi nông sản của Thái Bình tìm được đầu ra ổn định qua hệ thống logistics của Hưng Yên. Chúng ta có thể kỳ vọng về một trung tâm phát triển hàng đầu của Đồng bằng sông Hồng trong tương lai.

Việc 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không nằm trong diện hợp nhất hoàn toàn chẳng phải là câu chuyện “ai ưu ái ai” mà phụ thuộc vào các yếu tố dân số, diện tích, địa lý, kinh tế, lịch sử và văn hóa.

Chẳng hạn, hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa ở Bắc Trung Bộ dù đứng riêng vẫn có tiềm năng, lợi thế nội tại rất lớn, có thể coi là “Việt Nam thu nhỏ” với địa hình đa dạng – núi non, đồng bằng, biển, biên giới, sân bay, hải cảng, đường cao tốc.

Việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới cũng được nghiên cứu thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa; ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các tỉnh trước khi sáp nhập, hợp nhất để đặt tên cho tỉnh mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý...

Câu chuyện đặt trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới cũng khiến nhiều người “tâm tư”. Có người nêu ý kiến: Nếu "tôi" mất tên thì bù lại, "anh" phải nhường tỉnh lỵ (!).

Tuy nhiên, việc đặt trung tâm tỉnh mới ở đâu là tuân theo tiêu chí rõ ràng: có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển (sân bay, đường bộ, cảng,...), dễ dàng kết nối với các khu vực trong nội tỉnh, thành phố và các đô thị lớn, trung tâm kinh tế của cả nước hoặc với hệ thống không gian biển.

Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới phải có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính mới, bảo đảm sự hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương khi sáp nhập và giữ vững quốc phòng an ninh.

Hơn thế nữa, tư duy mở rộng không gian phát triển đã có sự đột phá khi mà mỗi tỉnh mới sẽ không chỉ có trung tâm hành chính - chính trị, nơi đặt các trụ sở cơ quan đầu não của địa phương mà sẽ có cơ hội phát triển thêm các trung tâm kinh tế, trung tâm văn hoá, trung tâm du lịch… từ những tỉnh hợp nhất lại.

Chúng ta phải nhận thức sâu sắc rằng việc sắp xếp lại tỉnh, thành phố là để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm không chỉ đối với các địa phương mà hướng tới mục tiêu cao nhất là sự phát triển chung của đất nước với một trăm triệu con người.

Tâm tư về việc “mất tên tỉnh”, “xa tỉnh lỵ” là cảm xúc thường tình của con người. Song tầm nhìn quốc gia, lợi ích tối cao của đất nước phải được đặt lên trên tất cả những suy tư “địa phương tính” đó!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục