Tận dụng mọi cơ hội tiếp cận nguồn vaccine phòng COVID-19

15:37' - 29/05/2021
BNEWS Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán để đảm bảo mua đủ 150 triệu liều vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết. 

Xác định chỉ có vaccine phòng COVID-19 mới đưa được cuộc sống trở lại bình thường, Bộ Chính trị đã có chủ trương về nhập khẩu, sử dụng, sản xuất, nghiên cứu đối với vaccine.

Chính phủ cũng đã có nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ mua nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất và sử dụng vaccine trên tinh thần để người dân tiếp cận nhanh nhất, rộng nhất, đảm bảo miễn dịch cho từng người dân và cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Quỹ vaccine nhằm huy động sự đóng góp của xã hội để đảm bảo tài chính bền vững cho an ninh vaccine.

Tận dụng mọi cơ hội tiếp cận nguồn vaccine

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, tiếp cận vaccine phòng COVID-19 là một trong những ưu tiên không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Quan điểm của Việt Nam là làm thế nào để có thể tiếp cận vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng vaccine rộng nhất.

Mặc dù vậy, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian qua, Việt Nam không phải là điểm nóng về dịch COVID-19 nên việc tiếp cận vaccine cũng hạn chế hơn do các đơn vị cung ứng vaccine ưu tiên cho các khu vực là điểm nóng về dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vaccine phòng COVID-19. Bộ Y tế đang nỗ lực cao nhất để có thêm vaccine phòng COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Đến nay, số liều vaccine đã có thông qua đàm phán là 110 triệu liều, dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021. Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán để đảm bảo mua đủ 150 triệu liều vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Đặc biệt, Việt Nam là 1 trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ký hợp đồng mua vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. Việt Nam cũng là 1 trong 92 quốc gia được COVAX facility hỗ trợ tới 38,9 triệu liều vaccine. Vừa qua, Bộ Y tế cũng đàm phán, ký thỏa thuận với Pfrizer để mua 30 triệu liều vaccine.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí và tiếp tục đàm phán mua thêm 20 triệu liều vaccine Pfizer.

Ngày 28/5, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục đàm phán trực tuyến với nhà cung ứng vaccine phòng COVID-19 Moderna để cùng bàn thảo làm sao sớm có vaccine cung ứng cho Việt Nam.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã làm việc trực tiếp với đại diện Đại sứ quán và Hiệp hội, công ty có các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam để thảo luận về vấn đề cung ứng vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam cũng như việc tiêm chủng vaccine cho công nhân, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp tại khu vực có doanh nghiệp FDI.

Cùng với tích cực tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới, Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2, mở đường có khả năng nghiên cứu, sản xuất vaccine.

“Việt Nam cũng có kế hoạch mua bản quyền vaccine, tiếp cận chuyển giao vaccine, hợp tác trong nghiên cứu, liên doanh liên kết các đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới để có vaccine sớm nhất và tự chủ vaccine sử dụng trong nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.

Sử dụng Quỹ vaccine đúng mục đích, đảm bảo công khai, minh bạch

Ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19.

Theo đó, Quỹ được thành lập để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

Liên quan đến Quỹ vaccine, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1062/QĐ-BTC về việc thành lập Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 để triển khai Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Đồng thời thông báo thông tin tài khoản tiếp nhận trong và ngoài nước.

Bộ Tài chính khẳng định, toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ vaccine phòng COVID-19 và được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.

Quy định chi tiêu của quỹ cũng hết sức chặt chẽ. Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.

Bộ Y tế được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chi từ Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 theo quy định.

Khẳng định đây là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước huy động nguồn lực xã hội để đảm bảo toàn bộ người dân được tiêm chủng vaccine, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Có thể nói rằng, đây là một trong những cơ chế tài chính vừa huy động tổng lực đóng góp của xã hội, tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân, đồng thời đảm bảo ngân sách Nhà nước để đảm bảo vaccine cho người dân”.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tới đây, sẽ tiếp tục kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm cũng như mọi người dân tham gia vào Quỹ vaccine, đảm bảo cơ chế tài chính cho vấn đề vaccine trong tương lai…

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ ngày 21- 28/5 đã có 19 tập đoàn, các đơn vị khối ngân hàng, các tổng công ty, công ty, doanh nghiệp hỗ trợ tài chính cho Quỹ Vaccine với tổng số tiền gồm 470 tỷ đồng; 1 triệu USD và 5 triệu liều vaccine COVID-19.

Thay đổi chiến lược – triển khai tiêm vaccine cho công nhân

Trước thực tế Bắc Ninh, Bắc Giang đã và đang phát hiện thêm nhiều ca bệnh, thậm chí ở Bắc Giang có ngày lên tới hơn 300 ca, Bộ Y tế đã có những thay đổi trong chiến lược phòng, chống dịch ở tại hai tỉnh.

Bên cạnh giữ vững nguyên tắc ngăn chặn - phát hiện - cách ly – khoanh vùng - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả, tại Bắc Giang, Bộ Y tế áp dụng thiết chế cách ly tập trung trong các khu vực đông người, đặc biệt khu vực nhà trọ công nhân giúp kiểm soát tốt vấn đề lây nhiễm trong công nhân tại các khu nhà trọ.

Bên cạnh đó là thực hiện giãn cách trong sản xuất, cách ly công nhân trong sản xuất để đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất.

Thay đổi trong cách thức xét nghiệm cũng là nội dung quan trọng của chiến lược phòng, chống dịch tại đây. Nếu như trước đây, Việt Nam chỉ dùng xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR (kết quả chính xác cao, nhưng mất nhiều thời gian từ 4-6 tiếng), hiện nay ngành Y tế đã áp dụng thêm xét nghiệm kháng nguyên nhanh để sàng lọc cho công nhân và các đối tượng F1. Điều này nhằm mục tiêu sớm đưa người có mầm bệnh ra khỏi cộng đồng trên quan điểm "thà nhầm còn hơn bỏ sót".

Ngay khi thực hiện phương pháp này tại Bắc Giang cho thấy kết quả ban đầu rất khả quan. Lượng mẫu xét nghiệm ở Bắc Giang tăng gấp 2,5 lần so với Đà Nẵng hồi tháng 7-8/2020. Ngành Y tế cũng tiến tới tập huấn cho công nhân nhà máy có thể tự lấy mẫu xét nghiệm.

Bộ Y tế chỉ đạo thiết lập đơn vị hồi sức tích cực (ICU), phòng cấp cứu, các đơn vị điều trị ngay tại tuyến cơ sở nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. "Đây là vấn đề chúng tôi đã lường trước, khi xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19 thì sẽ có nhiều bệnh nhân nặng. Bắc Giang đã hình thành các đơn vị ICU như vậy", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ Y tế đã chuyển hàng trăm nghìn liều vaccine về cho hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho công nhân, những người có nguy cơ mắc bệnh tại hai tỉnh, góp phần đảm bảo an toàn khi khu công nghiệp trở lại sản xuất bình thường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục