Tận dụng thời cơ, đón "sóng"

08:26' - 16/06/2020
BNEWS Các chuyên gia kinh tế cùng chung nhận định, trong 5 tháng đầu năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng Hà Nội đã tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài với kết quả đáng ghi nhận.

Nhiều năm qua, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung được xem là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ bởi môi trường chính trị an toàn, ổn định, mà còn có chính sách thu hút đầu tư thông thoáng.

Đặc biệt, sau thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19, các nhà đầu tư nước ngoài đang có ấn tượng rất tốt đối với Hà Nội, nhất là trong bối cảnh có xu hướng dịch chuyển đầu tư trong khu vực và toàn cầu.

Do đó, Hà Nội đã chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi nhất để đón "sóng" đầu tư nước ngoài sau đại dịch COVID-19.

* Nắm bắt cơ hội

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, trong những tháng đầu năm 2020, Hà Nội tiếp tục đầy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhất là thủ tục hành chính.

Qua đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hà Nội tiếp tục có những tín hiệu khả quan. Tính chung từ đầu năm đến ngày 19/5, Hà Nội đã thu hút 1.045 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; trong đó có 255 dự án được cấp mới với số vốn đăng ký 327 triệu USD.

Các chuyên gia kinh tế cùng chung nhận định, trong 5 tháng đầu năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng Hà Nội đã tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài với kết quả đáng ghi nhận.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn tác động đến sản xuất, kinh doanh thì kết quả trên đáng ghi nhận, khẳng định nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư và quyết tâm đồng hành với doanh nghiệp của chính quyền thành phố Hà Nội.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, ngay từ tháng 2/2020, nhận định Việt Nam sẽ có ưu thế hơn các quốc gia khác trên thế giới về kiểm soát dịch nên Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có giải pháp chuẩn bị đón nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn đầu sau đại dịch COVID-19.

Hà Nội cũng đã dự báo những ngành kinh tế có thể phát triển sau đại dịch COVID-19 như: công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin... nên đã có sự quan tâm, tạo ra nhiều cơ hội đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, để giữ "chân" và tiếp tục mở rộng đầu tư.

Đáng chú ý, mặc dù gặt hái những kết quả đáng ghi nhận trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng thành phố đã quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, với các nhóm công việc chính là cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp và chia sẻ cơ hội đầu tư.

Đặc biệt, để đón "sóng" đầu tư, dự kiến ngày 27/6, Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Qua hội nghị, thành phố tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh trong năm 2020.

Đồng quan điểm với người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội về việc đón "sóng" đầu tư, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: Hà Nội cũng như Việt Nam đã kiểm soát rất tốt đại dịch COVID-19, do đó Hà Nội nên nắm bắt thời cơ, có những chính sách tận dụng cơ hội này thu hút đầu tư toàn cầu để phát triển.

Nhấn mạnh nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế và Việt Nam cũng đang hành động rất nhanh, ông Ousmane Dione cũng cho biết, thời điểm cơ hội chuyển dịch, thu hút đầu tư rất ngắn, nên Hà Nội cần có sự chỉ đạo, hành động sớm, kịp thời nắm bắt thời cơ.

Có thể nhận định, Hà Nội đã và đang xác định rõ chủ trương cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô.

Thành phố định hướng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; trong đó ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và có tính cạnh tranh cao, nhất là trong bối cảnh có sự dịch chuyển dòng đầu tư từ các chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch COVID-19.   

* Tạo môi trường đầu tư thông thoáng và an toàn

Kết luận số 77-KL/TW ban hành ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước nêu rõ: "Chủ động, có cơ chế, chính sách, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, cung ứng các dịch vụ hỗ trợ nhằm thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, sinh thái, nhất là từ các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia có công nghệ cao, tiềm lực mạnh, đứng đầu hoặc chi phối các mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu".

Tiếp thu chỉ đạo của Bộ Chính trị, Hà Nội đã tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tối đa. Các đơn vị có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp đều chú trọng cắt giảm thời gian, chi phí thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Tinh thần này được cụ thể hóa ở mỗi cấp, ngành với trách nhiệm cao nhất, để chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi nhất đón "sóng" đầu tư nước ngoài sau đại dịch COVID-19.

Cụ thể, để duy trì Chỉ số năng lực cạnh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai hiệu quả Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 22/4/2020 về thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đối với Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai các giải pháp để cải thiện và nâng cao, như: Giữ vững tỷ lệ 100% tổng số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận thực hiện qua mạng; bảo đảm thời gian giải quyết đúng hạn và sớm trước quy định đối với cả thủ tục đăng ký mới và thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp.

Thành phố phấn đấu 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; có 30% hồ sơ trực tuyến được giải quyết đạt mức độ 4; có 50% số thủ tục hành chính có quy định tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích…

Về một số chỉ số khác, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện các giải pháp nâng cao kết quả Chỉ số “Tiếp cận đất đai”.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp cải thiện Chỉ số "Tính minh bạch", tham mưu UBND thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử. Sở Nội vụ chủ trì triển khai các giải pháp để cải thiện Chỉ số “Tính năng động của chính quyền tỉnh” và các chỉ tiêu đánh giá về cán bộ công chức...

Đặc biệt, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cũng phải khẩn trương, nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch thông tin trên trang thông tin điện tử của các đơn vị; cập nhật và hướng dẫn rõ ràng các thông tin về xây dựng, sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính… Thời hạn hoàn thành việc công khai, cập nhật thông tin là trước ngày 30/6/2020./.

Bài cuối: Hiến kế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục