Tân Tổng thống Hàn Quốc đối mặt với nhiều thách thức

06:30' - 16/05/2017
BNEWS Muốn dẫn dắt đất nước tiến lên, tân Tổng thống Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, con đường phía trước của ông Moon Jae-in đầy gập ghềnh.
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Yonhap

Ủy ban Quản lý Bầu cử Trung ương Hàn Quốc ngày 10/5 đã công bố kết quả kiểm phiếu, xác nhận ứng viên đảng Dân chủ Đồng hành Moon Jae-in giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống khóa 19, đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ mới.

Trong con mắt của không ít cử tri, ông Moon Jae-in xuất thân thường dân, có triển vọng mang lại cục diện mới cho Hàn Quốc sau vụ bế bối liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye. Tuy nhiên, muốn dẫn dắt đất nước tiến lên, ông Moon Jae-in sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn như: giành lại sự tin cậy của nhân dân, cải thiện kinh tế, tái cấu trúc nền ngoại giao và an ninh.

Ông Moon Jae-in, một cựu luật sư về nhân quyền, sẽ phải lãnh đạo một quốc gia vốn bị chia rẽ sâu sắc giữa hai phe bảo thủ và tự do trong lúc phải giải quyết những bất ổn kinh tế do Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye để lại.

Ông Moon Jae-in là nhà hoạt động kỳ cựu trong cuộc đấu tranh vì dân chủ chống lại chế độ độc tài hồi những năm 1970 và 1980, và những người ủng hộ ông cho rằng ông là người thích hợp để giải quyết sự bất công trong kinh tế.

Tuy nhiên, Duyeon Kim - nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên ở Seoul - cho rằng “hiện vẫn phải chờ xem liệu ông Moon Jae-in có thể thực hiện” các cải cách kinh tế và chính trị mà nhiều người Hàn Quốc tìm kiếm hay không.

Bà nói: “Điều đó phụ thuộc vào các ưu tiên của ông và nguồn nhân lực để tiến hành các cải cách cần thiết cho mô hình dân chủ ‘thực sự’ mà người dân mong muốn”. Ông Moon Jae-in cũng phải hàn gắn rạn nứt giữa những người theo quan điểm bảo thủ và tự do, đồng thời phải vượt qua thế yếu trong Quốc hội khi đảng Dân chủ của ông không giành được đa số ghế.

Để thúc đẩy các sáng kiến lớn, bao gồm việc tạo ra 500.000 việc làm mỗi năm và cải cách các tập đoàn gia đình trị của Hàn Quốc, ông cần phải thúc đẩy quan hệ đối tác với các đảng phái và các chính khách mà ông từng cạnh tranh quyết liệt trong chiến dịch tranh cử. Chiến thắng với cách biệt vừa đủ của ông trong cuộc bầu cử chưa thể lột tả sự chia rẽ về ý thức hệ và giữa các thế hệ ở đất nước 51 triệu dân này.

Ông Moon Jae-in sẽ thừa hưởng nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, hiện đang có một vài dấu hiệu phục hồi “khiêm tốn” trong bối cảnh các điều kiện kinh tế toàn cầu được cải thiện. Tuy vậy, các chuyên gia nhấn mạnh rằng hiện không còn thời gian để tỏ ra tự mãn giữa lúc Mỹ tăng cường chủ nghĩa bảo hộ và Trung Quốc tiến hành trả đũa kinh tế.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã cam kết chống lại “tất cả các loại hình của chủ nghĩa bảo hộ” trong cuộc họp mới đây tại Nhật Bản giữa các quan chức tài chính cấp cao và các thống đốc ngân hàng trung ương của ba nước láng giềng. Hàn Quốc cũng quan ngại về khả năng Mỹ yêu cầu đàm phán lại về thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương Mỹ-Hàn.

Thêm vào đó, Trung Quốc đã tăng cường hạn chế nhập khẩu hàng hóa Hàn Quốc trong những tháng gần đây do Seould tiếp tục triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Ông Moon Jae-in nói rằng việc Trung Quốc tiến hành các biện pháp trả đũa là điều rất đáng tiếc, và vượt ra ngoài quy chuẩn thông thường.

Ông Moon Jae-in đã cam kết củng cố các biện pháp ngoại giao thương mại để chống lại chủ nghĩa bảo hộ, nhưng câu hỏi về việc ông sẽ làm cách nào để biến những lời nói đó thành hành động vẫn chưa tìm được lời giải đáp.

Về chính sách ngoại giao và an ninh, ông Moon Jae-in đề xuất 4 nguyên tắc gồm “trách nhiệm, hợp tác, hòa bình và dân chủ”. Ông chủ trương cải thiện quan hệ liên Triều, thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và ký kết hiệp định hòa bình thông qua đối thoại, đồng thời chủ trương Hàn Quốc phát huy vai trò lớn hơn trong các vấn đề của bán đảo, và sớm xây dựng lực lượng quốc phòng tự chủ của Hàn Quốc.

Ông Moon Jae-in còn đề xuất ý tưởng ngoại giao cân bằng, chủ trương duy trì quan hệ chiến lược lấy đồng minh quân sự và hiệp định thương mại tự do với Mỹ làm trục ngoại giao.

Triều Tiên lại vừa phóng tên lửa "chào hỏi" tân Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: Getty

Ông Moon Jae-in được cho là sẽ cố gắng bắt tay với Bình Nhưỡng thông qua đàm phán và viện trợ, đi ngược với các chính sách bảo thủ của người tiền nhiệm. Một quan chức Mỹ giấu tên cho rằng việc ông Moon Jae-in đắc cử có thể làm gia tăng bất ổn trong quan hệ với Washington bởi ông đang hoài nghi về việc triển khai THAAD, nhưng sẽ không làm thay đổi đáng kể liên minh hai nước.

Giới phân tích cho rằng ông Moon Jae-in sẽ phải nhanh chóng bổ nhiệm các vị trí cố vấn chính sách đối ngoại và an ninh cùng các vị trí bộ trưởng để lắng dịu các căng thẳng địa chính trị.

Daniel Russel, người từng là trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và đang làm việc tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, phát biểu với hãng tin Reuters rằng sự khác biệt giữa ông Moon Jae-in và ông Donald Trump sẽ đồng nghĩa với những mâu thuẫn không thể tránh khỏi, nhưng “sẽ không báo trước cuộc khủng hoảng hay sự cắt đứt” quan hệ song phương.

Dư luận và giới chuyên gia Hàn Quốc cho rằng ông Moon Jae-in thắng cử nhờ ba nhân tố: Một là, người dân có nguyện vọng mạnh mẽ về việc chuyển tiếp chính quyền.

Hai là, ứng viên đảng bảo thủ không có thực lực. Các thế lực bảo thủ Hàn Quốc chia rẽ trong nội bộ, tình hình tranh cử ảm đạm do chịu tác động của vụ bê bối liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye.

Ba là, bản thân ông Moon Jae-in có thâm niên từng trải. Là chính khách kỳ cựu lần thứ hai tranh cử Tổng thống, ông có ưu thế rất rõ rệt về kinh nghiệm bất kể trong vận động tranh cử hay xây dựng chính sách.

Đối với ông Moon Jae-in, muốn thực hiện cam kết tranh cử, còn cần giải quyết hai vấn đề kỹ thuật nan giải: Thứ nhất, nhậm chức ngay sau khi thắng cử, chứ không có thời gian chuyển tiếp. Vừa cầm quyền, vừa thành lập Nội các, đối mặt với sức ép không nhỏ.

Thứ hai, chính phủ mới sẽ đối mặt với cuộc đấu tranh chính trị phức tạp trong Quốc hội. Đảng Dân chủ Đồng hành của ông Moon Jae-in mặc dù là đảng lớn nhất trong Quốc hội, nhưng không chiếm số ghế quá bán, bởi vậy, muốn thông qua các dự luật cần phải có sự hợp tác của các chính đảng khác.

>>> Tổng thống Donald Trump muốn đàm phán lại FTA với Hàn Quốc

>>> Mỹ ủng hộ Hàn Quốc đàm phán có điều kiện với Triều Tiên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục