Tăng cạnh tranh bằng minh bạch chuỗi cung ứng xuất khẩu dệt may

19:07' - 04/10/2022
BNEWS Các chuyên gia cho rằng, trong những xu hướng mới của ngành dệt may, dữ liệu được xác minh và chuỗi cung ứng minh bạch là yếu tố hàng đầu nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Chiều 4/9, tại Ngày hội Cotton Day VietNam 2022 do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, trong những xu hướng mới của ngành dệt may, dữ liệu được xác minh và chuỗi cung ứng minh bạch là yếu tố hàng đầu nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm. Quy trình sản xuất bông bền vững sẽ thúc đẩy cải tiến liên tục các chỉ tiêu phát triển bền vững then chốt của ngành.

Chủ tịch CCI Carlos Garcia, Việt Nam là một trong những thị trường nhập khẩu bông Mỹ lớn thứ 2 trên thế giới và cũng được xác định là thị trường quan trọng của nguồn nguyên liệu này.

Năm nay, Ngày hội Cotton Day VietNam trở lại với hình thức trực tiếp có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà cung cấp, đơn vị sản xuất nguyên liệu bông đến từ Mỹ sẽ cập nhật thông tin, chia sẻ xu hướng thị trường và thúc đẩy những cơ hội hợp tác trong ngành dệt may Việt Nam và bông Mỹ.Ông Benjamin Petlock, Tùy viên Nông nghiệp cao cấp, Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trưởng vượt bậc đã giúp ngành trở thành thị trường tiềm năng của các nhà cung cấp nguyên vật liệu đa quốc gia. Cùng với đó, những thay đổi trong ngành dệt may Việt Nam đã cho thấy sự thích ứng kịp thời và linh hoạt với xu hướng thị trường toàn cầu.

Ông Benjamin Petlock phân tích thêm, Việt Nam là điểm đến quan trọng của các mặt hàng nông sản Mỹ nói chung và bông Mỹ nói riêng, nên Mỹ luôn mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại song phương giữa hai bên, cũng như trong cộng đồng doanh nghiệp.

Đặc biệt, sự tin tưởng của đơn vị sản xuất dệt may Việt Nam vào nguồn cung và nhà cung cấp bông Mỹ đã tạo động lực cho bông Mỹ ngày càng tăng cường đa dạng giải pháp minh bạch thông tin, đồng hành cùng ngành dệt may và doanh nghiệp Việt Nam.

Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang chia sẻ, dệt may Việt Nam năm 2022 đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 42-43 tỷ USD. Để đảm bảo mục tiêu đề ra, ngành dệt may Việt Nam không thể không gắn kết với nguồn cung nguyên liệu; trong đó, có bông; quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở thị trường nhập khẩu...

Vì vậy, doanh nghiệp dệt may Việt Nam rất cần cung cấp thông tin về nguồn nguyên liệu, cụ thể là nguyên liệu bông trong thời gian tới, cũng như những báo cáo dự đoán thị trường giai đoạn năm 2023-2024. Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam cũng có nhu cầu tiếp cận chuyển giao công nghệ kéo sợi trong xu hướng mới, nhằm tạo dòng sợi đa dạng hóa thích ứng được với yêu cầu phát triển của ngành thời trang toàn cầu.Một số chuyên gia khác cho rằng, yếu tố tác động lên thị trường bông quốc tế, nhất là nguồn cung xuất khẩu và lượng cầu thấp là quan ngại về lạm phát, tăng lãi suất, kinh tế tăng trưởng chậm. Song song đó, nguồn cung bông Mỹ thấp, còn các quốc gia trồng bông khác bị ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết...

Giám đốc điều hành CCI cập nhật dự báo trong thời gian tới có ngày càng nhiều nhãn hàng, nhà bán lẻ toàn cầu yêu cầu sản phẩm làm từ bông nhập khẩu vào Mỹ, EU của họ phải bền vững và thuộc chuỗi cung ứng minh bạch được xác minh là không có lao động cưỡng bức. Trong vài năm gần đây, truyền thông đã thông tin liên tục về lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng sản xuất, nên không ít các chính phủ và quốc gia quan tâm.

Năm 2022, hàng ngàn lô hàng dệt may của các nước nhập khẩu vào Mỹ đã bị Cơ quan Hải quan nước này giữ lại để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ theo Đạo luật chống lao động cướng bức người Ngô Duy Nhĩ (UFLPA). Hiện tại, Hiệp hội Bông Mỹ đã xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc và công nghệ hiện đại hỗ trợ cho việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng ở tất cả chuỗi cung ứng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục