Tăng chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố tạo nên tăng trưởng

16:27' - 07/01/2022
BNEWS TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, lao động là nguồn lực, là yếu tố quan trọng nhất tạo nên tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng cao, bền vững của nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Dịch COVID-19 đã gây ra hậu quả nghiêm trọng không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn tác động tới mọi mặt đời sống xã hội của người lao động. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, lao động là nguồn lực và là yếu tố quan trọng nhất tạo nên tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng cao của nền kinh tế. Bên cạnh kỹ năng, tay nghề thì “sức khoẻ” thể chất và tinh thần của người lao động làm tăng chất lượng nguồn nhân lực cả hiện tại và tương lai.

Để hiểu rõ hơn về tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng tới lực lượng lao động và doanh nghiệp trong năm 2021 ra sao, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Xin ông cho biết, tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng tới lao động và việc làm trong năm 2021 như thế nào?

TS. Nguyễn Bích Lâm: Dịch COVID-19 lần thứ tư diễn ra tại hai trung tâm kinh tế hàng đầu và nhiều địa phương trong cả nước đã vẽ nên bức tranh về lao động việc làm của nền kinh tế. Năm 2021, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm giảm 1 triệu người so với năm 2020. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở mức 3,1%, tăng 0,71 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở mức 3,22%, tăng 0,54 điểm phần trăm so với năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm so với năm trước.

Năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm 791 nghìn người; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm 1,9 điểm phần trăm so với năm 2020. Đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời, việc làm phi chính thức.

Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng rất nặng nề với 4,59% lao động vùng Đông Nam Bộ và 44,7% lao động vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do ngừng việc, giãn việc, nghỉ việc.

Ngoài ra, tác động của đại dịch còn làm gia tăng khoảng cách về kỹ năng của người lao động hiện tại và những kỹ năng mà các doanh nghiệp cần để thích ứng với thay đổi về công nghệ và thị trường.

Đại dịch COVID-19 đã gây nên sự dịch chuyển lớn lao động từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế về các tỉnh, dẫn tới quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, nhất là những tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, nơi đã và đang bị tác động rất nặng nề bởi đại dịch.

Phóng viên: Vậy, ông có thể đánh giá tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp và người lao động như thế nào?

TS. Nguyễn Bích Lâm: Khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống dân cư. Tại thời điểm 31/12/2020, nền kinh tế có 811,5 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp trên 60% GDP; tạo trên 15 triệu việc làm, với thu nhập bình quân tháng một lao động của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 đạt 9,3 triệu đồng.

Doanh nghiệp nước ta tập trung chủ yếu tại hai vùng kinh tế trọng điểm của nền kinh tế: vùng Đồng bằng sông Hồng, với 253,4 nghìn, chiếm 31,2% trong tổng số doanh nghiệp của toàn nền kinh tế; vùng Đông Nam bộ, với 334,9 nghìn, chiếm 41,2%. Hai vùng kinh tế này có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động bình quân trên 1 nghìn dân trong độ tuổi lao động cao nhất và cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Lao động của khu vực doanh nghiệp trong hai vùng này chiếm 69,6% tổng số lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp trong cả nước.

Đại dịch COVID-19 gây ra cú sốc, ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt đối với hai vùng kinh tế trọng điểm ở phía Bắc và phía Nam. Năm 2021, cả nước có 119,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và đã hoàn tất thủ tục giải thể; trong đó, có 64,8 nghìn doanh nghiệp rút lui vĩnh viễn khỏi nền kinh tế.

Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có 83,3% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường, 52,5% bị giảm thanh khoản và 45,1% gián đoạn nguồn cung. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, ngược lại khu vực doanh nghiệp nhà nước chịu ảnh hưởng ít nhất.

Mặc dù, trong khó khăn, các doanh nghiệp đã chủ động, tìm nhiều giải pháp ứng phó như: vay vốn để duy trì sản xuất kinh doanh; tìm kiếm thị trường và khách hàng mới; sắp xếp lại lao động hoặc bố trí làm việc từ xa. Tuy vậy, có khoảng trên 60% doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí lao động như: cho người lao động nghỉ việc không lương hoặc giảm giờ làm; khoảng trên 40% doanh nghiệp cắt giảm lao động.

Đại dịch đã tác động nặng nề và sâu sắc đến người lao động, đặc biệt là lao động di cư, lao động nữ, lao động có hợp đồng ngắn hạn và lao động tạm thời. Người lao động di cư đối mặt với khó khăn thách thức kép, đó là thu nhập, việc làm bị đe dọa và sự chia cắt khỏi gia đình ở quê. Thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài đã gây cho người lao động cú sốc nặng nề về tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ tinh thần.

Do bị giảm giờ làm, nghỉ việc tạm thời, hay mất việc nên người lao động buộc phải cắt giảm chi tiêu ngay cả các khoản thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, có đến 75,3% người lao động phải cắt giảm chi phí thực phẩm; 81,5% người lao động phải cắt giảm chi tiêu cơ bản khác như quần áo, đi lại, giáo dục; 33,2% người lao động cắt giảm chi phí nhà ở. Việc phải cắt giảm những khoản chi tiêu thiết yếu phản ánh rõ nét cuộc sống khốn khó của người lao động, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và khả năng tái tạo sức lao động.

Phóng viên: Để kịp thời và từng bước tháo gỡ khó khăn, ông có thể cho biết, sự quan tâm của Chính phủ tới người lao động và doanh nghiệp cụ thể là những gì?

TS. Nguyễn Bích Lâm: Nắm bắt được hậu quả nghiêm trọng do đại dịch gây nên đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, để kịp thời và từng bước tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động, ngày 1/7/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 7/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Những chính sách này minh chứng sự quan tâm của Chính phủ nhằm hỗ trợ một phần người lao động khó khăn, từng bước ổn định đời sống.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Nghị quyết số 68/NQ-CP đã bộc lộ một số vướng mắc, ngày 8/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP. Ngày 6/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Theo đó, việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động được cắt giảm điều kiện; doanh nghiệp được nộp hồ sơ hỗ trợ đào tạo nghề thành nhiều đợt; mở rộng hỗ trợ người lao động; bổ sung hỗ trợ đối với người cao tuổi, người khuyết tật.

Trong hai năm qua, chính sách của Chính phủ và các cấp đối với người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch ngày càng kịp thời hơn, thiết thực hơn, thuận tiện hơn.

Tính đến ngày 15/11/2021, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là 27,29 nghìn tỷ đồng với 27,63 triệu lượt người lao động và người sử dụng lao động được hỗ trợ.

Cụ thể, nhóm chính sách về bảo hiểm, tổng kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm là 5,38 nghìn tỷ đồng, tương đương 32,3% kinh phí dự kiến ban đầu hỗ trợ cho 375,8 nghìn đơn vị sử dụng lao động và hơn 11,39 triệu người lao động. Với nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, tổng kinh phí thực hiện là 21,11 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 15,64 triệu đối tượng.

Với nhóm chính sách cho vay vốn, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đơn vị này đã phê duyệt hồ sơ cho 1.535 lượt người sử dụng lao động vay 806,5 tỷ đồng để trả lương cho 224.9 nghìn lượt người lao động. Đồng thời, giải ngân 794,9 tỷ đồng hỗ trợ 1.517 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 221.5 nghìn lượt người lao động.

Trước tác động tiêu cực của đại dịch đối với người lao động và doanh nghiệp, để nhanh chóng phục hồi kinh tế-xã hội với quan điểm lấy con người làm trung tâm, các gói kích thích tài khoá được coi là giải pháp then chốt trong quá trình phục hồi. Theo đánh giá của ILO, mỗi năm nếu bổ sung thêm cho gói kích thích tài khoá có trị giá bằng 1% GDP khi đó, tổng thời gian làm việc mỗi năm tăng thêm 0,3 điểm phần trăm so với quý IV năm 2019.

Phóng viên: Ông có đề xuất gì về giải pháp phục hồi và ổn định thị trường lao động trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Bích Lâm: Thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã khẩn trương thực hiện các gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Tuy vậy, quy mô các gói hỗ trợ chưa đủ lớn giúp các đối tượng được hỗ trợ vượt qua khó khăn. Trong thời gian tới, cần có các chính sách kinh tế đủ mạnh, vượt hơn mức bình thường để nền kinh tế nhanh phục hồi, tăng tốc theo kịp đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Theo đó, Chính phủ và các địa phương cần có chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo an toàn phòng chống dịch và an sinh xã hội; tuyên truyền, hướng dẫn phương pháp bảo vệ sức khỏe, tạo niềm tin cho người lao động yên tâm quay trở lại làm việc trong điều kiện “bình thường mới”. Đồng thời, khẩn trương hỗ trợ cho nhóm lao động yếu thế, lao động di cư, đặc biệt lao động nữ là người kiếm tiền chính trong gia đình.

Cùng với đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương nhận diện, theo dõi, đánh giá và có phương án xử lý thấu đáo các nguy cơ tiềm ẩn của thị trường lao động. Bên cạnh đó, chủ động cung cấp thông tin, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động, tạo sự kết nối, liên thông chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp thông tin giữa các địa phương trong công tác hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc. Cùng đó, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của khu vực doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp cho doanh nghiệp…

Ngoài ra, các đơn vị chức năng chủ động rà soát, nắm bắt thông tin về nguồn lao động thất nghiệp tại địa phương, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn.

Từ đó, xây dựng phương án hỗ trợ kết nối việc làm giữa lao động và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng; thực hiện sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến để kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động; đẩy mạnh hoạt động Sàn Giao dịch việc làm trực tuyến thông qua ứng dụng công nghệ.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với Hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương tổ chức đối thoại xã hội giữa người sử dụng lao động và người lao động. Từ đó, tìm ra giải pháp phù hợp trong việc bố trí, sắp xếp việc làm để vượt qua khó khăn, ngăn ngừa tranh chấp lao động.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện làm việc an toàn, đảm bảo cho người lao động tiêm đủ liều vaccine. Đặc biệt, doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp miễn, giảm chi phí tuyển dụng, đào tạo tay nghề; ưu đãi tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, hỗ trợ nhà ở, điện nước, giữ trẻ để người lao động yên tâm và gắn bó với doanh nghiệp, sớm phục hồi, tạo sự ổn định và tăng tốc sản xuất trong những năm tới.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục