Tăng chế tài xử lý trong quản lý vận tải hành khách

15:49' - 15/11/2023
BNEWS Thời gian tới, song song với tăng nặng chế tài, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ khẩn trương ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ.

Việc quản lý vận tải hành khách đã được tăng cường trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn những doanh nghiệp vi phạm, không chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải hành khách. Cá biệt, như nhà xe Thành Bưởi bị tước phù hiệu nhiều lần mà vẫn hoạt động và nay mới bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải không thời hạn. Điều này cho thấy, việc quản lý nhà nước vẫn còn những lỗ hổng. Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) xung quanh vấn đề này?

Phóng viên: Vừa qua, nhà xe Thành Bưởi bị tước phù hiệu nhiều lần mà vẫn hoạt động và nay mới bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải không thời hạn cho thấy, việc quản lý nhà nước còn hạn chế, chưa thường xuyên rà soát hệ thống giám sát hành trình. Vậy, giải pháp của Cục Đường bộ Việt Nam giải quyết vấn đề này như thế nào?

Ông Lương Duyên Thống: 
Theo các quy định hiện hành, việc quản lý nhà nước về vận tải đường bộ đã được phân cấp triệt để cho Sở Giao thông Vận tải các địa phương; trong đó, Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm bố trí nhân sự thực hiện theo dõi, khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ quản lý, chấn chỉnh và xử lý đối với các trường hợp vi phạm trên địa bàn địa phương.

Trước tình hình trên, ngày 26/10/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản số 7267/ CĐBVN-QLVT, PT&NL tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu trên Hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ việc quản lý hoạt động vận tải trên địa bàn. Theo đó, đề nghị các Sở Giao thông Vận tải bố trí cán bộ thực hiện khai thác, trích xuất dữ liệu hàng ngày, hàng tuần để chấn chỉnh, nhắc nhở ngay đối với các đơn vị đên địa bàn có vi phạm; xây dựng kế hoạch chuyên đề và tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, chế tài tước phù hiệu chưa thực sự đủ mạnh, phải có những chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Vậy, Cục Đường bộ Việt Nam có  ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Lương Duyên Thống: 
Để có chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, Cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và việc cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để bổ sung một số chế tài như: thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải đối với đơn vị kinh doanh vận tải khi trong thời gian một tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu.

Thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm đối với trường hợp khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện trong một ngày có từ 3 lần vi phạm tốc độ trở lên (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ dưới 5 km/h).

Đối với các trường hợp bị thu hồi, Sở Giao thông Vận tải không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 30 ngày (60 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp phù hiệu, biển hiệu đến Sở Giao thông Vận tải.

Trường hợp quá thời hạn trên đơn vị kinh doanh vận tải không nộp, Sở Giao thông Vận tải đề nghị cơ quan đăng kiểm cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định; không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 45 ngày (90 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp đủ phù hiệu, biển hiệu theo quyết định thu hồi.

Đặc biệt, Sở Giao thông Vận tải sẽ chưa giải quyết cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu đối với đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm quy định bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu nhưng không chấp hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Sau khi đơn vị kinh doanh vận tải chấp hành xong quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu, cơ quan cấp thực hiện mới xem xét giải quyết theo quy định hiện hành.

Phóng viên: Để tăng quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách, thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ thực hiện các giải pháp nào thưa ông?

Ông Lương Duyên Thống: Để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách, thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục triển khai một số giải pháp như tiếp tục đề nghị các Sở Giao thông Vận tải triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/4/2023 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình mới.

Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải về kế hoạch kiểm tra quản lý nhà nước về hoạt động vận tải bằng xe ô tô tại 63 Sở GTVT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 902/CĐ-TTg ngày 30/9/2023 và Văn bản số 11648/BGTVT-VT ngày 13/10/2023 của Bộ Giao thông Vận tải. Thời gian thực hiện xong trước tháng 2/2024.

Song song với đó, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải khai thác triệt để dữ liệu hiện có trên hệ thống giám sát hành trình hiện tại để phục vụ việc quản lý. Cùng đó, bố trí nhân sự theo dõi, trích xuất dữ liệu hàng ngày, hàng tuần để chấn chỉnh, nhắc nhở đối với các đơn vị kinh doanh vận tải có vi phạm theo quy định. Đồng thời, tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và công an các địa phương triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải  chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với lái xe vi phạm theo nội quy, quy chế của đơn vị; thực hiện kiểm tra chuyên đề về khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình tại các đơn vị kinh doanh vận tải.

Giải pháp quan trọng tiếp theo mà Cục Đường bộ Việt Nam sẽ thực hiện đó là khẩn trương ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin; thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ theo chương trình của Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030" đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt ngày 7/8/2023.

Trong đó, một trong những nhiệm vụ lớn đến năm 2025 là phải thực hiện xây dựng, hoàn chỉnh các hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động vận tải phục vụ quản lý nhà nước. Khi hệ thống xây dựng xong sẽ hình thành cơ sở dữ liệu về hoạt động vận tải dùng chung cho các ngành giao thông vận tải, công an, thuế, hải quan để phục vụ việc quản lý; hệ thống sẽ tự động tổng hợp các lỗi vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải, xe kinh doanh vận tải, lái xe để hỗ trợ cơ quan quản lý trong thanh tra, kiểm tra, xử phạt nguội đối với các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, hiện nay việc quản lý nhà nước về vận tải đường bộ đã được phân cấp toàn bộ cho Sở Giao thông Vận tải, vì vậy, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo sát sao, quyết liệt Sở Giao thông Vận tải, chính quyền cấp phường, quận xử lý nghiêm vi phạm về đón, trả khách trên địa bàn, giảm thiểu tối đa việc vi phạm của xe hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch hoạt động trá hình tuyến cố định, gây mất trật tự vận tải và an toàn giao thông.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục