Tăng hấp dẫn cho du lịch: * Bài 1: Lan tỏa các giá trị độc đáo ra thế giới

11:00' - 30/10/2022
BNEWS Phát triển du lịch văn hóa không chỉ thu hút, đáp ứng nhu cầu của du khách mà còn góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc đến với bạn bè quốc tế.

Văn hóa đa dạng, phong phú, hấp dẫn là nguồn tài nguyên thuận lợi để phát triển du lịch bền vững, đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm, thưởng thức của du khách trong và ngoài  nước. Du lịch văn hóa thường gắn với giá trị của các loại hình di sản; là một trong 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa được xác định là có nhiều lợi thế, tiềm năng trở thành ngành kinh tế dịch vụ đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết chủ đề “Tăng sức hấp dẫn của du lịch” nhằm phản ánh, nêu bật một số mô hình hiệu quả cũng như ý kiến của chuyên gia về phát triển loại hình du lịch này.

Bài 1: Lan tỏa các giá trị văn hóa độc đáo ra thế giới

Văn hóa tạo nên sự khác biệt của mỗi quốc gia. Sự đa dạng, độc đáo, riêng có của mỗi điểm đến là yếu tố hấp dẫn du khách khám phá, trải nghiệm. Phát triển du lịch văn hóa không chỉ thu hút, đáp ứng nhu cầu của du khách mà còn góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc đến với bạn bè quốc tế.

*Hội An hấp dẫn trong mắt du khách

Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới 2022 - Khu vực châu Á và châu Đại Dương, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã vinh dự được vinh danh ở hạng mục “Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á”. Đây là lần thứ 3 trong 4 năm kể từ năm 2019, Hội An được vinh danh ở hạng mục này (trừ năm 2020). Điều này cho thấy, Hội An là điểm đến du lịch văn hóa đáng tin cậy trong lòng du khách, tạo động lực để thành phố này phấn đấu và nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.

Giải thưởng cũng là sự ghi nhận xứng đáng nỗ lực của chính quyền, nhân dân Hội An trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống; chọn lọc, tiếp thu tinh hoa của thế giới để làm giàu cho di sản. Chính điều này làm cho Hội An trở nên hấp dẫn trong mắt du khách.

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), không phải nơi nào cũng có nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng như Hội An. Diện tích chỉ khoảng 62 km2 nhưng ở Hội An có sự hiện diện của hai Di sản thế giới. Đó là Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hóa thế giới; Cù Lao Chàm - Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Là “bảo tàng sống”, phố cổ không chỉ có kiến trúc cổ mà còn có vẻ đẹp rất riêng. Các trò chơi dân gian, sinh hoạt tín ngưỡng, hoạt động cộng đồng ở nơi đây đã giúp kết nối Hội An, du khách với những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn ở đô thị cổ này. Những sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An rất thu hút du khách, nhất là với khách quốc tế.

Các chuyên gia nghiên cứu du lịch đều cho rằng, Hội An đã dựa trên “nguyên liệu” văn hóa để phục dựng, sáng tạo nhiều điểm đến, sự kiện, lễ hội đặc sắc như: “Phố dành cho người đi bộ”, “Đêm phố cổ”, “Festival tơ lụa quốc tế”, “Lễ hội ẩm thực quốc tế”, công viên đất nung Thanh Hà, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An”… Các hoạt động này góp phần đáng kể đưa Hội An trở thành điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu trong mắt du khách.

Hội An đã tập trung đầu tư phát triển văn hóa, tạo tiền đề xây dựng “Hội An - Thành phố sáng tạo” trong tương lai thông qua lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. Theo hướng này, Hội An sẽ vừa bảo tồn, vừa nâng tầm, phát triển các sản phẩm văn hóa nghệ thuật truyền thống để khai thác, phát huy, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội. Việc này góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, khẳng định nét riêng biệt, độc đáo, làm đa dạng bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, tập trung xây dựng và phát triển thành phố Hội An có tính chất là đô thị chuyên ngành cấp quốc gia, mang tính đặc thù về di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan và môi trường, hiện đại, giàu bản sắc riêng. Đô thị cổ Hội An và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là hạt nhân lan tỏa để kiên trì thực hiện định hướng xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch...

*Thành phố Festival tôn vinh văn hóa

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2022 tôn vinh “thành phố xanh” phát triển bền vững, thể hiện những “ước vọng về Huế” - thành phố Festival của châu Á cùng đất nước phát triển. Sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đến với Festival Huế chính là cơ hội để du khách trở lại với cố đô, trải nghiệm những sắc màu văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn.

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong Tuần lễ Festival Huế 2022 (từ ngày 25-30/6), có khoảng 300.000 du khách đến với Huế. Công suất đặt phòng tại các khách sạn 3 - 5 sao trên địa bàn thành phố Huế ước đạt trên 80%. Trong các ngày cao điểm, một số khách sạn tại trung tâm thành phố Huế gần như “cháy phòng”. Đây được xem là con số ấn tượng với Thừa Thiên - Huế trong bối cảnh du lịch cả nước đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch.

Có thể nói rằng, Festival Huế 2022 tiếp tục khẳng định quyết tâm xây dựng Huế thành Thành phố Festival của châu Á, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của Việt Nam của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thành phố Festival - thương hiệu của Huế được xây dựng trên cơ sở phát huy lợi thế các di sản, văn hóa để phát triển kinh tế, du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương ra thế giới. Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1992 đến nay, Festival Huế đã thật sự là lễ hội văn hóa - nghệ thuật, góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa Huế, quảng bá điểm đến xinh đẹp, an toàn, thân thiện cố đô Huế nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung.

Nếu các kỳ Festival Huế trước đây thường diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định thì từ năm 2022 đã được đổi mới theo hình thức lễ hội bốn mùa. Mỗi mùa trong năm sẽ có một đợt Festival với chủ đề, chủ điểm khác nhau, phù hợp với điều kiện thời tiết, văn hóa, phong tục, tập quán, đời sống của xứ Huế. Như vậy, Festival Huế giờ đây sẽ diễn ra gần như liên tục trong năm để du khách khám phá, trải nghiệm như lễ hội truyền thống từ cung đình, dân gian, tôn giáo, đến nghệ thuật đương đại…

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải chia sẻ, Festival Huế bản chất là Festival văn hóa. Thế mạnh lớn nhất của Huế là văn hóa và di sản nên việc khai thác các tiềm năng về di sản làm chất liệu cho Festival là điểm quan trọng nhất. Cũng chính từ đó mà chủ đề xuyên suốt của Festival Huế là “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.

Festival Huế gồm rất nhiều chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp, diễn ra ở nhiều địa điểm trên khắp thành phố Huế và vùng phụ cận. Ngoài những chương trình mang đậm dấu ấn cung đình, văn hóa truyền thống Huế như Đêm hoàng cung, dạ tiệc cung đình, lễ ban sóc, lễ đổi gác, lễ tế giao, lễ hội áo dài..., Festival Huế còn có nhiều chương trình nghệ thuật mới mẻ, mang hơi thở thời đại do các đoàn nghệ thuật nổi tiếng đến từ nhiều nước tham gia biểu diễn. Việc này đã đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao của hàng vạn người dân, du khách đồng thời tăng cường tinh thần đoàn kết, giao lưu quốc tế.

*Du lịch văn hóa luôn là nhu cầu của du khách

Theo Thạc sỹ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Cầm (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch): Văn hóa là nét đặc trưng, tạo nên sự khác biệt của mỗi quốc gia, mỗi điểm đến và chính là điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Du lịch văn hóa gắn với các giá trị di sản văn hóa đã, đang và sẽ luôn là nhu cầu, xu hướng của các thị trường khách du lịch.

Giá trị của các di sản văn hóa như di tích lịch sử, công trình kiến trúc - nghệ thuật, các bản làng dân tộc với văn hóa bản địa độc đáo, tập quán, lễ hội, nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực đặc sắc của mỗi vùng miền, địa phương… luôn là những đối tượng hấp dẫn, thu hút du khách khám phá, thưởng thức và trải nghiệm. Những điểm đến du lịch khai thác, phát huy được giá trị của di sản văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại không chỉ thành công trong việc thu hút du khách mà còn tạo được sự ảnh hưởng, lan tỏa văn hóa ra quốc tế, tạo động lực cho du khách mong muốn trải nghiệm những giá trị đích thực, nguyên bản tại chính nơi “sản sinh” ra chúng. Có thể thấy, văn hóa không chỉ là tài nguyên du lịch, là yếu tố quan trọng để phát triển năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch mà còn chính là động lực cho phát triển du lịch.

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định, nhấn mạnh vai trò của văn hóa với phát triển du lịch. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ, trong quá trình phát triển du lịch phải chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 nhấn mạnh: “Phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc” đồng thời “chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam”.

Trong hai năm liên tiếp (2019-2020), Việt Nam được tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới bình chọn là “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”. Năm 2021, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước được đề cử cho danh hiệu này. Qua đó cho thấy, vị thế và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế đã có sự thay đổi đáng kể. Các giải thưởng chính là sự công nhận về điểm đến du lịch gắn với văn hóa.

Việc quy hoạch, tạo lập không gian văn hoá; phát triển thể thao, giải trí… mở ra nhiều cơ hội hơn nữa để phát triển văn hoá du lịch. Sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa văn  hóa, thể thao và du lịch sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển nhanh, hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hoá Việt Nam ra thế giới./.

Bài 2: Tạo dấu ấn văn hóa của mỗi quốc gia

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục