Tăng hiệu quả quản lý chi phí đầu tư xây dựng

13:51' - 25/01/2020
BNEWS Kể từ ngày 15/2/2020, Thông tư 09/2019/TT-BXD về xác định, quản lý chi phí đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành sẽ chính thức có hiệu lực.

Đây là một trong những Thông tư hướng dẫn được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, nhất là phần quy định nội dung sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư xây dựng với các khoản chi phí cụ thể như: xây dựng, thiết bị, quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác...

Đáng chú ý, chi phí quản lý dự án sẽ gồm các chi phí cần thiết để tổ chức thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến khi kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng.

Hay như chi phí tư vấn đầu tư xây dựng sẽ gồm các chi phí cần thiết để thực hiện các công việc tư vấn đầu tư xây dựng ở các giai đoạn khác nhau theo trình tự đầu tư xây dựng gồm: giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng...

Đối với dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng thì nội dung tổng mức đầu tư xây dựng được quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Nhưng đối với dự án sử dụng vốn phát triển chính thức (ODA), dự án đối tác công tư (PPP) thì ngoài các nội dung được tính toán trong sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư xây dựng nói trên thì còn được bổ sung các khoản mục chi phí cần thiết khác cho phù hợp với đặc thù, tính chất của dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn này theo các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Như vậy, so với trước đây, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã bổ sung đối tượng áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng theo hình thức PPP do bản chất dự án này cũng là dự án công và đã được quy định là đối tượng quản lý như dự án vốn nhà nước.

Cùng đó, đối với dự án PPP còn bổ sung chi phí quản lý dự án gồm: chi phí quản lý dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chi phí hoạt động của đơn vị quản lý dự án thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án và chi phí quản lý dự án của nhà đầu tư.

Còn với mục chi phí khác thì bỏ chi phí hạng mục chung. Các chi phí này được đưa thành "chi phí gián tiếp" trong chi phí xây dựng.

Các doanh nghiệp và cả nhà quản lý cho rằng, Thông tư 09 sẽ giúp các dự án minh bạch trong xác định các khoản chi phí ngay từ ban đầu, tránh phát sinh và đội vốn./.

Xem thêm:

>>Xác định chi phí quản lý xây dựng để tính đúng, tính đủ

>>Ưu tiên xây dựng các dự án giao thông trọng điểm quốc gia đã có vốn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục