Ưu tiên xây dựng các dự án giao thông trọng điểm quốc gia đã có vốn

14:08' - 02/01/2020
BNEWS Trong năm 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tập trung đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia đã có vốn hoặc huy động được vốn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 ngành giao thông vận tải diễn ra sáng 2/1, tại Hà Nội. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải diễn ra sáng 2/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá, năm 2019, ngành giao thông vận tải đã tạo ra hạ tầng giao thông cho cả nước, tăng năng lực vận tải đóng góp vào phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng, tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống, nhu cầu đi lại người dân, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, ngành giao thông cũng gặp khó khăn với cả nguyên nhân chủ quan và khách quan; trong đó, có cả xử lý những vấn đề tồn tại của thời kỳ trước liên quan đến thanh tra, kiểm tra.

Với những việc cụ thể, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp các địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông; trong đó, có các dự án đường sắt đô thị. Đặc biệt, sớm đưa đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào khai thác.

Trong năm 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tập trung đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia đã có vốn hoặc huy động được vốn như: đẩy nhanh lựa chọn nhà đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông để sớm thi công và cơ bản giữa năm 2021 đưa vào vận hành; khẩn trương nâng cấp sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay quốc tế Long Thành…

Trước đó, báo cáo về nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu của năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, về vận tải, ngành giao thông vận tải đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân từ 8 - 9% về tấn hàng hóa và lượt hành khách so với năm 2019. Đối với đầu tư phát triển, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2020 với số vốn dự kiến giải ngân là 35.300 tỷ đồng.

Về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông, ngành giao thông vận tải sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết tâm giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2019; kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, để hiện thực hóa các mục tiêu trên, trong năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050…

Năm 2020, Bộ Giao thông Vận sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh minh hoạ:TTXVN

Bộ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu vận tải toàn ngành, hướng tới phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, tăng cường kết nối các phương thức nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ; phát triển vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics; đẩy mạnh khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng, giao thông tiếp cận.

Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đã có nguồn vốn, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án quan trọng của ngành. Đặc biệt, là đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, sớm khởi công các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách.

"Bộ Giao thông Vận tải sẽ khẩn trương triển khai các công tác chuẩn bị để sớm khởi công dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và kịp thời giải trình với Hội đồng thẩm định Nhà nước về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để sớm báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được giao" Thứ trưởng Lê Anh Tuấn thông tin.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình; chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát. Cùng đó, Bộ tăng cường phối hợp với các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công; kịp thời xử lý có hiệu quả các vướng mắc, tồn tại trong quá trình thu phí hoàn vốn các dự án BOT.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục