Tăng kết nối giao thông Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

18:45' - 21/07/2023
BNEWS Ngày 21/7, tại thành phố Cần Thơ, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm về các dự án kết nối Tp. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết, tọa đàm tập trung thảo luận về các dự án gồm: tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ, tăng cường kết nối giao thông đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến đường bộ ven biển phía Nam kết nối Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng bằng sông Cửu Long, mô hình hệ thống giám sát và điều khiển giao thông thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Các chuyên đề được thảo luận tại tọa đàm đều mang ý nghĩa quan trọng và cấp thiết cho sự phát triển, kết nối giao thông giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Thông qua việc trao đổi, chia sẻ và cập nhật thông tin cùng các địa phương trong khu vực, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ sẽ phối hợp tổng hợp cho các báo cáo, góp phần tạo ra sự thống nhất trong quy hoạch phát triển giao thông liên vùng thời gian tới.

Tại tọa đàm, dự án Đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ được các đại biểu tham dự đặc biệt quan tâm. Theo Liên danh tư vấn Dự án, tuyến đường sắt mang ý nghĩa kết nối hai trung tâm lớn của vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng chiều dài dự kiến của tuyến là 175,2 km với 13 ga trải dài qua địa phận 6 tỉnh, thành phố là: Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Sơ bộ mức đầu tư tuyến đường sắt Bắc Nam sau khi hoàn thành khoảng 220 ngàn tỷ đồng (9,31 tỷ USD). Hình thức đầu tư dự kiến là đầu tư đối tác công tư PPP. Trong đó, nguồn vốn nhà nước tham gia dự án để hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng; vốn nhà đầu tư huy động để thực hiện mua sắm thiết bị, phương tiện.

Phương án huy động vốn của Dự án hướng đến việc phân bổ và sử dụng nguồn lực nhà nước phù hợp, hiệu quả. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ Lê Tiến Dũng nhận định: Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ là vô cùng cần thiết, cấp bách vì những hiệu quả to lớn mà nó có thể mang lại cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nếu khả thi, dự án nên được hoàn thành trước năm 2030.

Thành phố Cần Thơ khuyến nghị các Sở Giao thông vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham mưu cho chính quyền địa phương quan tâm đến việc quy hoạch và phát triển TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư) để có thể phát huy và tận dụng tối đa ưu thế của tuyến đường sắt khi được hoàn thành.

Bên cạnh dự án tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ, tọa đàm cũng thảo luận về việc quy hoạch các tuyến đường bộ ven biển kết nối Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ và dự án tăng cường phát triển kênh giao thông đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ.

Theo các đại biểu tham dự, đây là hai dự án cực kỳ quan trọng, không chỉ mang ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội mà còn là nền tảng đảm bảo quốc phòng – an ninh, kết nối nhiều lĩnh vực khác. Trong đó, dự án về phát triển kênh giao thông đường thủy được nhận định sẽ giúp tận dụng điều kiện tự nhiên nhiều sông ngòi của khu vực để giúp hệ thống giao thông đường bộ được giảm tải, bên cạnh đó, giao thông đường thủy còn tạo ra nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực du lịch.

Một vấn đề quan trọng khác trong phát triển giao thông liên kết vùng là phát triển các tuyến đường bộ ven biển. Theo đó, dự án tuyến đường bộ ven biển phía Nam kết nối Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng bằng sông Cửu Long được đề ra với mục tiêu kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển của các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó, mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất cho đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả tài nguyên biển.

Đặc biệt, tuyến đường bộ ven biển này có thể kết hợp với đê biển để bố trí lại dân cư ven biển, giảm thiểu thiệt hại từ tác động của thiên tai, biến đối khí hậu và nước biển dâng.

Tọa đàm thống nhất việc trao đổi, cập nhật và chia sẻ thông tin giữa các địa phương để quy hoạch chung và quy hoạch tại từng địa phương trong khu vực có sự thống nhất, qua đó, tạo nên liên kết bền vững để dự án được triển khai hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục