Tăng liên kết, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực cho địa phương

20:43' - 07/12/2021
BNEWS Việc nâng cao chất lượng, tăng liên kết, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực là giải pháp bền vững cho phát triển sản xuất vụ đông những năm tới đây.

Sản xuất cây vụ Đông ở các tỉnh phía Bắc vẫn còn thiếu ổn định trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, nâng cao chất lượng, tăng liên kết, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực là giải pháp bền vững cho phát triển sản xuất vụ đông những năm tiếp theo.

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Nâng cao chất lượng và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây vụ Đông” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương phối hợp tổ chức ngày 7/12 theo hình thức trực tuyến.

Thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, diện tích cây vụ Đông các tỉnh phía Bắc dao động ổn định khoảng 380.000ha và có sự chuyển dịch từ nhóm cây trồng có giá trị thấp sang nhóm cây trồng có giá trị cao góp phần tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích.

Mặc dù vậy, theo ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sản xuất vụ Đông các tỉnh phía Bắc vẫn còn thực tế là thiếu ổn định trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Khâu kết nối thị trường còn hạn chế.
Tỉnh Hải Dương có 21.000ha cây vụ Đông với sản lượng trên 650.000 tấn/năm. Sản xuất vụ đông của tỉnh cũng đang đối diện với những thách thức như diện tích đất nông nghiệp giảm mạnh, thị trường tiêu thụ chưa thực sự ổn định; thiếu những doanh nghiệp quy mô lớn đầu tư vào nông nghiệp; dự báo thị trường chưa chủ động.
Đây cũng là thực tế của một số địa phương khác. Theo đại diện Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, một hạn chế trong sản xuất vụ Đông ở Hà Nội là số lượng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế, thị trường tiêu thụ không ổn định.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Amei Việt Nam cho biết: “Qua quá trình xúc tiến thương mại và xuất khẩu nông sản, chúng tôi thấy nông sản Việt Nam được thị trường đón nhận tốt nhưng có lúc vẫn khó cạnh tranh.

Để có sản phẩm xuất khẩu thành công, chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết, đòi hỏi nông dân phải tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật sản xuất, chủ động tham gia các chuỗi liên kết. Việc này cũng rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền, quản lý nhà nước trong quá trình kiểm soát chất lượng”.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng, tăng liên kết sản xuất và tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực là giải pháp bền vững đối với sản xuất vụ Đông. Khi chất lượng sản phẩm đảm bảo, đồng đều, ổn định thì không lo về tiêu thụ, xuất khẩu.
Để nâng cao giá trị cho sản xuất nông nghiệp nói chung, cây vụ Đông nói riêng, Hải Dương tập trung 3 khâu đột phá: đầu tư phát triển hạ tầng cho vùng sản xuất; khuyến khích hợp tác trong sản xuất giữa nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, hợp tác xã và nông dân; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường xây dựng thương hiệu quảng bá, xúc tiến thương mại, đặc biệt là đối với các sản phẩm OCOP.
Hiện, tỉnh đang triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ cho cây vụ Đông của tỉnh; trong đó, đáng chú ý là: Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công  nghệ cao, nông  nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Mỗi xã một sản phẩm; Nghị quyết hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết: Năm 2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch mở rộng vùng nông sản để xuất khẩu.

Cách làm của Hải Dương là kết nối doanh nghiệp với các hợp tác xã. Từ việc hiểu yêu cầu của từng thị trường, sẽ tổ chức sản xuất theo đúng thị trường mục tiêu và tập trung nguồn lực để kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tỉnh hỗ trợ toàn bộ chi phí cấp mã số vùng trồng cho các chủ thể sản xuất.
Để thúc đẩy liên kết, tiêu thụ sản phẩm cây vụ Đông, Hải Dương sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất; trong đó, tổ chức lại các hộ theo mô hình quản lý cộng đồng như: nhóm hộ, hợp tác xã, hiệp hội; sắp xếp lại hệ thống các cơ sở chế biến và tiêu thụ phù hợp với các vùng sản xuất nguyên liệu từng địa phương…

Bên cạnh đó, Hải Dương đề xuất cơ chế hỗ trợ nông dân, cơ sở chế biến trong liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ; nâng cao ý thức pháp luật của các chủ thể trong liên kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ.

Nhiều ý kiến đại diện các địa phương khác tham dự diễn đàn cũng đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc; thường xuyên cập nhật dự báo thị trường để các địa phương nắm bắt, phục vụ chỉ đạo sản xuất; đồng thời, hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ khuyến nông; tăng nguồn lực hỗ trợ xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, mô hình đối với sản xuất cây vụ Đông…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục